PDA

View Full Version : Tập hợp bài viết liên quan đến RMB vs USD



thaibinh
26-06-10, 00:49
Trung Quốc sẽ giã biệt "công xưởng thế giới"?

Trung Quốc được mệnh danh là “công xưởng thế giới”. Tuy nhiên, sự thật đó đang dần thay đổi, làn sóng tăng lương tại các doanh nghiệp ở khắp Trung Quốc đang khiến ưu thế lớn nhất của nước này mất dần.

Nguồn lao động giá rẻ của Trung Quốc đang giảm dần - Ảnh: Reuters.
Nguồn lao động giá rẻ của Trung Quốc đang giảm dần - Ảnh: Reuters.

Trong bài “Hàng Trung Quốc sẽ hết thời giá rẻ”, tờ New York Times đã phân tích việc tăng lương công nhân đang diễn ra ở khắp Trung Quốc sẽ tác động tới giá thành sản phẩm. Cũng xuất phát từ vấn đề này, nhưng tờ Financial Times lại cung cấp một góc nhìn khác về những ưu thế đang mất dần của nền kinh tế được mệnh danh là “công xưởng thế giới”.

Trong phần lớn thời gian của thập niên vừa qua, Trung Quốc luôn là “công xưởng thế giới”. Điều đó là sự thật không thể tranh cãi. Nước này đã nhập khẩu nguyên liệu thô và xuất khẩu ra khắp thế giới những sản phẩm giá rẻ.

Tuy nhiên, hiện ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy, cùng với việc chi phí lương công nhân tăng lên khiến giá thành sản xuất tăng theo, những biến động về ngoại hối, có thể khiến lợi nhuận của các hãng sản xuất bị thu hẹp về con số không. Trung Quốc đang mất dần ưu thế lớn nhất, đó là nguồn nhân công giá rẻ.

Theo AlixPartners, hãng chuyên nghiên cứu và tư vấn trong lĩnh vực thuê gia công, lợi thế của Trung Quốc trong một số lĩnh vực sản xuất đã giảm đi nhiều.

Kết quả nghiên cứu sơ bộ do AlixPartners đưa ra cho thấy, trong thời gian khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009, Trung Quốc, với tư cách là nước sản xuất linh kiện có giá thành thấp nhất thế giới, đã bị Ấn Độ và Mexico “qua mặt”.

Khoảng 3 năm trước, chi phí sản xuất hàng hóa tại Trung Quốc thấp hơn Mexico 5%. Đến nay, chi phí này đã cao hơn tới 20% và Mexico đang trở thành trung tâm sản xuất mới hấp dẫn hơn Trung Quốc.

AlixPartners cho biết năm 2005, khi hàng sản xuất từ Trung Quốc cập cảng Mỹ, giá thành thấp hơn 22% so với chi phí sản xuất tại Mỹ. Vào thời điểm cuối năm 2008, khoảng cách giá cả này chỉ còn 5,5%, không đủ hấp dẫn để chuyển công việc sản xuất đi nửa vòng trái đất.

Yếu tố ảnh hưởng lớn tới sự thay đổi chi phí sản xuất là những biến động về tiền tệ và phí thuê nhân công. Từ cuối năm 2005, đồng Nhân dân tệ tăng giá 11% so với USD và lương lao động tăng với tốc độ từ 7% đến 8%/năm. Để giảm bớt ngành công nghiệp gây ô nhiễm, Chính phủ Trung Quốc ngừng áp dụng chính sách hỗ trợ thuế cho công ty xuất khẩu hàng công nghiệp nặng.

Ngày nay, rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu và xưởng may tại Trung Quốc đã đóng cửa. Dân nhập cư đến tìm việc tại đây lại ra đi. Các nhà sản xuất khẳng định rằng, giá nhiên liệu và năng lượng tăng khiến lợi nhuận của họ bốc hơi.

Việc đồng Nhân dân tệ tăng giá khiến giá các sản phẩm tăng lên tại các thị trường quan trọng như Mỹ. Khách hàng nước ngoài, vốn đã quen với đồ Trung Quốc giá rẻ và lo lắng về sự đình trệ kinh tế tại nước mình, không muốn trả thêm tiền.

Những vấn đề này đã tác động đến các doanh nghiệp trên khắp Trung Quốc. Nhưng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các doanh nghiệp đang cung cấp cho thị trường thế giới các sản phẩm giá rẻ - đồ chơi, đồ gia dụng, giày dép và quần áo.

Các nhà sản xuất này là động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc. Trong nhiều năm, các doanh nghiệp này không ngừng mở rộng quy mô sản xuất. Đến khi giá nhân công và nhiên liệu tăng, tiền Trung Quốc được giá, những doanh nghiệp này lại chính là nhóm ít được trang bị để chống đỡ lại những cú sốc nhất.

Cũng tương tự như Nhật Bản và 4 con rồng châu Á trước đây, cùng với việc đời sống sinh hoạt của người dân được nâng lên, Trung Quốc đang dần hướng lên giai đoạn phát triển cao hơn của chuỗi giá trị. Nhưng có dấu hiệu rõ ràng cho thấy, trong tương lai không xa, tốc độ tăng lương sẽ vượt qua tốc độ nâng cấp kỹ thuật của nhiều doanh nghiệp.

Chính phủ Trung Quốc đang nghiên cứu biện pháp giải quyết vấn đề chênh lệch thu nhập ở nước này, đồng thời coi đây là hạng mục ưu tiên trong kế hoạch kinh tế 5 năm lần thứ 12. Các số liệu thống kê chính thức cho thấy, năm 2009, chênh lệch thu nhập giữa thành phố và nông thôn ở nước này đã leo lên mức cao nhất kể từ năm 1978 tới nay.

Tháng trước, một quan chức công đoàn ở Trung Quốc đã cảnh báo, tỷ trọng tiền công lao động trong GDP của nước này đã giảm năm thứ 22 liên tiếp. Mức lương thấp, điều kiện lao động xấu đi và thời gian lao động kéo dài đang gây ra nhiều tranh chấp.

Theo quan chức này, “đây là một thách thức nghiêm trọng đối với ổn định xã hội ở Trung Quốc”. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành nhiều biện pháp nâng cao mức lương tối thiểu ở đa số các trung tâm chế tạo chủ yếu.

Trong tháng 3, tỉnh Quảng Đông đã tuyên bố nâng thêm 20% lượng tối thiểu. Một phần 3 hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc được sản xuất tại tỉnh này. Quý 1/2010, 7 tỉnh thành bao gồm Giang Tô, Chiết Giang, Thượng Hải… cũng đã nâng lương tối thiểu thêm 10 – 17%.

Bộ Tài nguyên con người và Phúc lợi xã hội Trung Quốc cho hay, năm nay sẽ còn có 20 tỉnh dự định nâng lương tối thiểu. Việc nâng lương không chỉ là để xoa dịu những bức xúc của người dân, mà còn để bảo đảm đủ sức lao động cho bộ máy hoạt động của ngành công nghiệp chế tạo lớn nhất toàn cầu.

Công nhân làm việc trong các nhà máy ở những thành phố duyên hải của Trung Quốc, phần lớn là đến từ các nơi tương đối nghèo khó hoặc từ các tỉnh phía tây, nhưng những năm gần đây, ngày càng nhiều hãng sản xuất chuyển hoạt động nghiệp vụ về nội địa để tận dụng nguồn lao động giá rẻ và giảm bớt giá thành sản xuất.

Trong khi đó, phúc lợi ở các vùng nông thôn được cải thiện, giá nông sản tăng lên và gánh nặng thuế được giảm nhẹ, đã làm giảm bớt sức hấp dẫn của tỉnh Quảng Đông và những khu vực duyên hải khác trong việc thu hút người lao động.

Để thu hút lao động, Trung Quốc phải nâng cao tiền lương và cải thiện các điều kiện làm việc. Điều này cũng hấp dẫn công nhân các nước khác tới Trung Quốc làm việc. Ngày càng có nhiều công nhân nước ngoài tới làm việc ở các nhà máy phía nam Trung Quốc.

Tuy nhiên, không chỉ Trung Quốc mới phải chịu áp lực tăng lương lao động, các khu vực khác ở châu Á cũng đang phải đương đầu với vấn đề này. Chính phủ các nước hy vọng, xu thế này sẽ giảm bớt chênh lệch giàu nghèo đang ngày một phình to, nhưng cũng lo ngại sẽ giảm bớt sức cạnh tranh trong thời kỳ toàn cầu hóa kinh tế.

Nguồn đọc thêm: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=191196#ixzz0rtBOcFei

thaibinh
26-06-10, 00:50
Những tác động khi đồng nhân nhân tệ mạnh lên

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vừa đánh tiếng có thể chấm dứt chế độ neo giá đồng nhân dân tệ, tức là sẽ cho phép đồng tiền này lên giá so với đồng USD.

Những tác động khi đồng nhân nhân tệ mạnh lên
ảnh minh họa

Mạng tin “Dự báo Thị trường” (Anh) ngày 21/6 có bài phân tích về lý do của việc này và những ảnh hưởng đối với các đồng tiền và nền kinh tế khác.

Tác động đối với đồng nhân nhân tệ

Theo bài báo trên, Trung Quốc sẽ không từ bỏ cơ chế ấn định tỷ giá chỉ vì sức ép bên ngoài, chẳng hạn từ Mỹ, mà chỉ làm việc này khi các nhà hoạch định chính sách trong nước cho rằng điều đó mang lại lợi ích quốc gia.

Mặc dù nhận định này không hoàn toàn chắc chắn, nhưng sức ép lạm phát sẽ buộc Trung Quốc phải làm vậy. Đồng nội tệ lên giá sẽ là một công cụ hiệu quả giúp kiềm chế lạm phát trong nước, thay vì phải áp dụng các quy định ngặt nghèo đối với hệ thống ngân hàng như nước này phải làm trong thời gian qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trên thực tế, Trung Quốc gần đây đã tiến hành nhiều nghiên cứu về những tác động có thể đối với nền kinh tế trong nước một khi đồng nhân nhân tệ lên giá.

Hiện nay, Trung Quốc vẫn duy trì cơ chế neo giá, bằng cách mua vào đồng USD trên thị trường mở để “ấn định” giá đồng nhân nhân tệ với đồng USD. Nếu cho phép đồng nội tệ dao động với biên độ lớn hơn, Trung Quốc sẽ hạn chế mua vào đồng USD. Do việc này sẽ làm giảm nhu cầu chung đối với đồng USD, thị trường sẽ chỉ còn lại các động lực cung cầu bình thường và kết quả là đồng USD có thể sẽ xuống giá so với đồng nhân nhân tệ. Nói cách khác, đồng nNhân nhân tệ sẽ lên giá tương đối so với đồng USD.

Tỷ giá hợp lý duy nhất sẽ là tỷ giá do thị trường tự do quyết định. Cơ chế tỷ giá thả nổi là một chiếc van điều tiết hiệu quả giúp giảm sức ép lạm phát. Trong tương lai gần, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ không áp dụng ngay cơ chế tỷ giá thả nổi, nhưng việc nới rộng biên độ giao dịch là một bước đi đáng hoan nghênh.

Nhìn vào ví dụ trước đây của đồng yen Nhật có thể dự đoán được sự biến động của đồng nhân nhân tệ. Sau khi Nhật Bản cho phép đồng nội tệ được thả nổi, đồng tiền này đã lên giá đáng kể bất chấp nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng yếu. Trong bối cảnh tăng trưởng GDP cao của Trung Quốc hiện nay, đồng nhân nhân tệ sẽ có khả năng tăng giá mạnh nếu nó được phép giao dịch tự do.

Tác động đối với các đồng tiền châu Á

Đồng tiền của các nước có kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc lớn sẽ được lợi. Về cơ bản, khi đồng nhân nhân tệ mạnh lên, nhập khẩu hàng hóa vào Trung Quốc sẽ rẻ đi; các doanh nghiệp và chính phủ Trung Quốc sẽ có khả năng mua được nhiều hàng hóa nước ngoài hơn, qua đó làm tăng nhu cầu đối với hàng nhập khẩu. Bên được lợi sẽ là các nền kinh tế mà thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong GDP, cũng như các nước có kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng vững.

Như vậy, các đồng tiền sẽ được lợi khi Trung Quốc nới lỏng biên độ dao động của đồng nhân nhân tệ là Australia, New Zealand, Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản.

Ngoài ra, các nước châu Á có hàng hóa và dịch vụ nằm từ điểm giữa đến điểm cuối của chuỗi giá trị gia tăng sẽ có lợi hơn so với các nước có sản phẩm ở trình độ thấp. Các nhà sản xuất hàng hóa và dịch vụ cao cấp có nhiều “quyền định giá” hơn, tức là tăng giá không làm giảm cầu; trong khi các nhà sản xuất hàng thấp cấp không có quyền này và để tăng cầu họ buộc phải giảm giá. Các nhà sản xuất thấp cấp thường chọn cách giảm giá đồng nội tệ để tăng sức cạnh tranh.

Trung Quốc từ lâu đã cho phép các ngành công nghiệp sản xuất hàng thấp cấp ngừng hoạt động và di chuyển nhà máy tới các nước có chi phí sản xuất thấp khác ở châu Á. Kết quả là, các nhà xuất khẩu của Trung Quốc có thể sẽ có “quyền định giá” khi đồng tiền của họ mạnh lên.

Tác động đối với hàng hóa

Mức cầu hàng hóa ở Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng lên theo thời gian, ngay cả khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế này có giảm trong từng giai đoạn nhất định. Bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua, mức cầu về quặng sắt của Trung Quốc vẫn tăng ở mức hai chữ số. Nếu Trung Quốc cho phép đồng Nhân nhân tệ lên giá, giá hàng hóa sẽ trở nên rẻ hơn khi định giá bằng đồng tiền này, làm tăng sức mua của Trung Quốc. Như vậy khả năng mức cầu về hàng hóa nói chung sẽ tăng lên.

Do sức mua của Trung Quốc tăng, giá cả hàng hóa sẽ tăng theo, trừ phi nền kinh tế này đột ngột giảm mạnh. Dường như các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã sai lầm vì đã thận trọng nhằm giảm thiểu những tác động xấu về mặt kinh tế khi đồng Nhân nhân tệ lên giá. Để duy trì quyền lực, Trung Quốc tìm cách duy trì ổn định xã hội, mà sự ổn định này được quyết định bởi tăng trưởng kinh tế.

Vì vậy, không nên ngạc nhiên khi Trung Quốc thực hiện nhiều chính sách bành trướng để ngăn ngừa suy giảm kinh tế. Hơn nữa, trên thực tế Trung Quốc có khả năng thực hiện các chính sách đó nếu cần thiết.

Tác động đối với kinh tế Mỹ

Trong khi giá hàng hóa sẽ rẻ hơn khi được mua bán bằng đồng nhân nhân tệ lên giá, thì các mặt hàng này lại đắt hơn khi định giá bằng đồng USD. Các quan chức Mỹ dường như không quan ngại lắm về tình trạng lạm phát hàng hóa, bởi họ cho rằng kinh tế Mỹ hiện không còn phụ thuộc vào giá cả hàng hóa như trước nữa. Tuy nhiên, giá cả hàng hóa sẽ vẫn có những tác động đối với kinh tế Mỹ.

Khi đồng nhân nhân tệ mạnh lên, các nhà xuất khẩu của Trung Quốc chỉ có một lựa chọn hoặc là giảm giá hàng nhập khẩu hoặc là tìm cách trút gánh nặng chi phí kinh doanh tăng trên thị trường toàn cầu cho người khác.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Ben Bernanke từng nói rằng các nhà xuất khẩu châu Á sẽ chịu đựng được gánh nặng chi phí kinh doanh gia tăng và đồng USD suy yếu sẽ không tạo ra lạm phát.

Tuy nhiên, trên thực tế, đầu năm 2008, giá hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ đã tăng mạnh. Khi đó, không chỉ giá dầu thô đạt mức 140 USD/thùng, mà giá một loạt mặt hàng nhập khẩu từ châu Á cũng tăng lên.

Dưới góc độ nào đó, các nhà xuất khẩu châu Á đã không thể gánh nổi chi phí kinh doanh tăng và buộc phải rút khỏi thị trường hoặc tăng giá bán. Năm 2008 các nhà xuất khẩu châu Á có “quyền định giá” rất lớn.

Trung Quốc, nhờ có vị trí khá cao trên chuỗi giá trị gia tăng ở châu Á, cũng có nhiều “quyền định giá.” Dưới góc độ kinh tế Mỹ, đồng nhân nhân tệ lên giá chắc chắn sẽ gây ra sức ép lạm phát.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ngày 22/6 đã xác lập tỷ giá đồng nhân dân tệ ở mức cao hơn, sau khi cam kết tăng tính linh hoạt về tỷ giá của đồng tiền này.

Tỷ giá giao dịch tham chiếu trong ngày được ấn định ở mức 6,7980 nhân dân tệ đổi 1 USD, tăng 0,43% so với mức 6,8275 nhân dân tệ của ngày 21/6.

Nguồn đọc thêm: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=190974#ixzz0rtBhaRiK

thaibinh
26-06-10, 00:51
Đằng sau quyết định tăng giá NDT của Trung Quốc

Về cơ bản, khi đồng NDT mạnh lên, nhập khẩu hàng hóa vào Trung Quốc sẽ rẻ đi; các doanh nghiệp và Chính phủ Trung Quốc sẽ có khả năng mua được nhiều hàng hóa nước ngoài hơn, làm tăng nhu cầu đối với hàng nhập khẩu.

Trung Quốc đã sử dụng việc tăng giá NDT như một chiêu bài ngoại giao
Trung Quốc đã sử dụng việc tăng giá NDT như một chiêu bài ngoại giao

Trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Canda, Bắc Kinh bất ngờ tuyên bố gia tăng tính linh hoạt tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT), đồng thời điều chỉnh tỷ giá NDT/USD ngày 22-6 tăng 0,43 % so với trước đó một ngày, lên mức 1 USD ăn 6,83 NDT. Giới phân tích cho rằng đây là một quyết định nằm trong việc điều chỉnh sách lược ngoại giao của Bắc Kinh.

Lá bài ngoại giao quan trọng

Quyết định của Trung Quốc thực tế không đơn giản là một sự kiện ngẫu nhiên mà là sự kiểm nghiệm và điều chỉnh sách lược ngoại giao sau một quá trình dài. Qua quyết định “gia tăng tính linh hoạt tỷ giá đồng NDT” có thể thấy Bắc Kinh đã cảm nhận sức ép của cộng đồng quốc tế và sự cần thiết phải điều chỉnh chính sách kịp thời, tránh trở thành mục tiêu tấn công của cả thế giới mà mất đi những hành động sáng suốt.

Trong bối cảnh điều chỉnh tỷ giá đồng NDT đang là tiêu điểm của cả cộng đồng quốc tế, quyết định trên của Bắc Kinh đã nhận được sự đánh giá cao. Phản ứng trước động thái này, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng đây là một quyết định giúp khôi phục kinh tế toàn cầu, còn Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy miêu tả đây như một “tin vui cho mọi người”, trong khi các nước lớn khác cũng bày tỏ sự hoan nghênh với động thái mang tính “trách nhiệm quốc tế” của Trung Quốc. Đây rõ ràng là một sự điều chỉnh có tính toán kỹ càng của Trung Quốc và Bắc Kinh dường như đã thực hiện một “nước cờ khôn ngoan” trong việc thể hiện vai trò quốc tế của mình.
Có thể dự báo rằng tuyên bố trên của Bắc Kinh cũng sẽ chỉ là “một trò diễn lớn” đối với đồng NDT. Tính linh hoạt tỷ giá đồng NDT không có nghĩa là sự tăng giá trị đối với tất cả các mặt hàng, càng không có nghĩa là một sự tăng giá lớn của Trung Quốc. Trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, Trung Quốc suốt hai năm liền thực hiện chính sách đồng NDT “gắn chặt” đồng USD. Nay Bắc Kinh đột ngột thực hiện tính linh hoạt đồng NDT có nghĩa rằng đồng tiền này một lần nữa tách khỏi đồng USD, quay trở lại chế độ tiền tệ cả rổ. Trên thực tế, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) Châu Tiểu Xuyên hồi tháng 3 vừa qua từng chỉ rõ, việc đồng NDT gắn chặt với đồng USD là một “chính sách đặc biệt”, mục đích chỉ để Trung Quốc vượt qua cuộc khủng hoảng tiền tệ thế giới, sau đó chính sách này sẽ được dỡ bỏ. Điều này chứng tỏ không cần áp lực từ bên ngoài, Trung Quốc sớm muộn cũng sẽ cải cách tỷ giá đồng NDT. Việc tuyên bố cải cách tỷ giá đồng NDT trước thềm Hội nghi thượng đỉnh G20 rõ ràng là một “chiêu bài ngoại giao” của Bắc Kinh.
Trung Quốc đã tính toán kỹ lưỡng
trước khi điều chỉnh tỷ giá NDT

Tác động của việc đồng NDT mạnh lên

Theo giới chuyên gia tài chính, Trung Quốc sẽ không từ bỏ cơ chế ấn định tỷ giá chỉ vì sức ép bên ngoài, chẳng hạn sức ép từ Mỹ, mà chỉ làm việc này khi các nhà hoạch định chính sách trong nước cho rằng điều đó mang lại lợi ích quốc gia. Mặc dù nhận định này không hoàn toàn chắc chắn, nhưng sức ép lạm phát sẽ buộc Trung Quốc phải làm như vậy. Đồng NDT lên giá sẽ là một công cụ hiệu quả giúp kiềm chế lạm phát trong nước, thay vì phải áp dụng các quy định ngặt nghèo đối với hệ thống ngân hàng như Trung Quốc phải làm trong thời gian qua. Trên thực tế, gần đây Trung Quốc đã tiến hành nhiều nghiên cứu về những tác động có thể đối với nền kinh tế trong nước một khi đồng NDT lên giá.
Hiện nay, Trung Quốc vẫn duy trì cơ chế neo giá bằng cách mua vào đồng USD trên thị trường mở nhằm “ấn định” giá trị của đồng NDT với đồng USD. Nếu cho phép đồng nội tệ được dao động với biên độ lớn hơn, Trung Quốc sẽ hạn chế mua vào đồng USD và nhờ đó đồng USD có thể sẽ giảm giá so với đồng NDT hay nói cách khác, đồng NDT sẽ lên giá tương đối so với đồng USD.
NDT sẽ lên giá tương đối so với USD

Tỷ giá hợp lý duy nhất sẽ là tỷ giá do thị trường tự do quyết định. Trong tương lai gần, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ không áp dụng ngay cơ chế tỷ giá thả nổi, nhưng việc nới rộng biên độ giao dịch là một bước đi đáng hoan nghênh.

Về cơ bản, khi đồng NDT mạnh lên, nhập khẩu hàng hóa vào Trung Quốc sẽ rẻ đi; các doanh nghiệp và Chính phủ Trung Quốc sẽ có khả năng mua được nhiều hàng hóa nước ngoài hơn, làm tăng nhu cầu đối với hàng nhập khẩu. Các đồng tiền của các nước và khu vực sẽ được lợi khi Trung Quốc nới lỏng biên độ giao dịch đồng NDT sẽ là Australia, New Zealand, Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản.

Trung Quốc cho phép đồng NDT lên giá, giá hàng hóa sẽ trở nên rẻ hơn khi định giá bằng đồng tiền này, làm tăng sức mua của Trung Quốc. Như vậy khả năng mức cầu về hàng hóa nói chung sẽ tăng lên. Trong khi giá hàng hóa sẽ rẻ hơn khi được mua bán bằng một đồng NDT đi lên, thì các mặt hàng này lại đắt hơn khi định giá bằng đồng USD. Các quan chức Mỹ dường như không quan ngại lắm về tình trạng lạm phát hàng hóa, bởi họ cho rằng kinh tế Mỹ hiện không còn phụ thuộc vào giá cả hàng hóa như trước nữa. Tuy nhiên, giá cả hàng hóa sẽ vẫn có những tác động đối với kinh tế Mỹ. Dưới góc độ kinh tế Mỹ hiện nay, đồng NDT lên giá chắc chắn sẽ gây ra sức ép lạm phát.

Nguồn đọc thêm: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=190917#ixzz0rtBuHb3h

thaibinh
26-06-10, 00:52
Trung Quốc quyết định nâng tỷ giá NDT

Ngày 22/6, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã xác lập tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) ở mức cao hơn, sau khi cam kết tăng tính linh hoạt về tỷ giá của đồng tiền này.

Tỷ giá NDT được đánh giá là một tâm điểm của kinh tế thế giới.
Tỷ giá NDT được đánh giá là một tâm điểm của kinh tế thế giới.

Theo đó tỷ giá giao dịch tham chiếu trong ngày 22/6 ở mức 6,7980 NDT/USD, tăng khoảng 0,43% so mức ngày hôm trước.

Hôm 19/6, PBoC khẳng định sẽ đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cải cách cơ chế tỷ giá của đồng NDT nhằm tăng tính linh hoạt về tỷ giá. Tuy nhiên, PBoC loại trừ khả năng có những biến động đột ngột hoặc điều chỉnh mạnh về tỷ giá.

Tỷ giá NDT/USD trong suốt 2 năm qua đã được duy trì ở mức 6,83 NDT/USD để giúp bảo vệ các công ty xuất khẩu nước này. Thông tin từ một số ngân hàng của Trung Quốc cho thấy nhóm ngân hàng này đang tích cực mua vào đồng USD, dù ở mức độ khiêm tốn.

Tỷ giá hối đoái trong ngày 21/6 đạt 6,8275 NDT/USD, mức cao nhất của NDT so với USD, kể từ khi Trung Quốc định giá lại đồng NDT hồi tháng 7/2005.

Theo các chuyên gia, chính sách mới của Trung Quốc về tỷ giá đồng NDT có thể làm tăng mạnh dòng tiền chảy vào các nước châu Á, buộc các nước này phải có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát dòng vốn.

Việc Trung Quốc ngày 19/6 vừa qua đưa ra cam kết tăng tính linh hoạt trong cơ chế tỷ giá đồng NDT được đánh giá là động thái tích cực trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 cuối tuần này tại Canada.

Nguồn đọc thêm: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=190847#ixzz0rtC5IwAX

thaibinh
26-06-10, 00:52
5 năm, đồng nhân dân tệ mới... lên giá

Ngày 22/6, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã quyết định nâng tỉ giá của đồng nhân dân tệ so với đô la Mỹ sau khi cam kết thực hiện chế độ tiền tệ linh hoạt hơn vào ngày 19/6.

Đây là lần đầu tiên ngân hàng Trung Ương Trung Quốc (PBoC) nâng giá đồng NDT kể từ tháng 7/2005. Tỉ giá giao dịch tham chiếu trong ngày 22/6 được ấn định ở mức 6,7980 Nhân dân tệ/USD, tăng 0,43% so với mức 6,8275 Nhân dân tệ/USD trong ngày 21/6.

Trước đó, PBoC cho biết sẽ linh hoạt kiểm soát tỉ giá của đồng nhân dân tệ và điều chỉnh hàng ngày để đồng tiền này luôn dao động trong một biên độ nhất định nhằm tránh những biến động bất thường.

Theo Zhao Xijun, giáo sư tại Đại học Renmin, việc điều chỉnh tỉ giá là một bước đột phá phản ánh tiến bộ của cuộc cải cách tỉ giá tiền tệ dựa trên cán cân cung-cầu của thị trường. Ông cho rằng việc đầu cơ chỉ có thể có tác động ngắn hạn lên thị trường. Về lâu dài, mọi việc sẽ trở nên khó đoán hơn và đồng nhân dân tệ có thể “di chuyển lên hoặc xuống.”

Đại diện của PBoC cho biết việc đảm bảo sự ổn định của tỉ giá Nhân dân tệ là một phần trong gói kích thích của chính phủ, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nhẹ tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế, góp phần đáng kể vào việc phục hồi nền kinh tế của châu Á và toàn cầu.

Nguồn đọc thêm: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=190821#ixzz0rtCHvoIf

thaibinh
26-06-10, 00:53
Giá vàng tăng, dầu giảm

Trong dài hạn vẫn tồn tại quá nhiều bất ổn liên quan đến tốc độ phục hồi của kinh tế toàn cầu, vì thế giá vàng sẽ vẫn tiếp tục có yếu tố hỗ trợ.

Giá vàng tăng, dầu giảm
ảnh minh họa

Giá vàng giao kỳ hạn không có nhiều thay đổi trong phiên ngày thứ Ba.

Giá vàng giao tháng 8/2010 tăng 10 cent lên mức 1.240,80USD/ounce tại thị trường New York.

Quan chức kinh tế hàng đầu Trung Quốc trong cuối tuần qua đã công bố bỏ chế độ neo tỷ giá đồng nhân dân tệ vào đồng USD và sẽ cho phép đồng nhân dân tệ tăng giá dần dần so với đồng USD.

Quan chức kinh tế hàng đầu Mỹ và châu Âu đã buộc tội Trung Quốc hạ giá đồng nội tệ để giành được lợi thế thiếu công bằng trong thương mại.

Ban đầu, sau khi Trung Quốc công bố thông tin bỏ chế độ neo tỷ giá, giá vàng tăng nhưng sau đó giảm khi nhà đầu tư chuyển tiền sang các loại tài sản có độ rủi ro cao hơn. Đà giảm của giá vàng mạnh hơn khi nhà đầu tư cho rằng mức đỉnh của giá vàng đã được thiết lập.

Các chuyên gia phân tích nhận xét rằng bất chấp những sự lạc quan đến sau thông báo của Trung Quốc, trong dài hạn vẫn tồn tại quá nhiều bất ổn liên quan đến tốc độ phục hồi của kinh tế toàn cầu, vì thế giá vàng sẽ vẫn tiếp tục có yếu tố hỗ trợ.

Việc doanh số bán nhà đang sử dụng tại Mỹ tháng 5/2010 đi xuống không tác động nhiều đến giá vàng. Nhà đầu tư thực ra đang chờ đợi thông tin từ buổi họp kéo dài 2 ngày của FED.

Ủy ban thị trường mở thuộc FED (FOMC) bắt đầu họp vào ngày thứ Ba và thông báo từ cuộc họp sẽ được công bố vào 2h rưỡi chiều ngày thứ Tư. Thông tin về lãi suất và nền kinh tế do FED đưa ra sẽ hết sức quan trọng đối với thị trường vàng.

Giá dầu giảm trong phiên ngày thứ Ba sau thông tin kinh tế Mỹ gây thất vọng.

Tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 7/2010 hạ 61 cent tương đương 0,8% xuống 77,21USD/thùng tại thị trường New York

Tại thị trường London, giá dầu Brent hạ 78 cent tương đương 1% xuống 78,04USD/thùng.

Nguồn đọc thêm: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=190831#ixzz0rtCUqAvx

thaibinh
26-06-10, 00:54
Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá: Ai được, ai mất?

Hôm qua (22/6), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã nâng tỷ giá giao dịch giữa Nhân dân tệ và USD thêm 0,43%, lên mức 6,7980 Nhân dân tệ/USD.

Trung Quốc mới đây tuyên bố tăng tính linh hoạt cho tỷ giá Nhân dân tệ - Ảnh: Reuters.
Trung Quốc mới đây tuyên bố tăng tính linh hoạt cho tỷ giá Nhân dân tệ - Ảnh: Reuters.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh gần đây, các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã gây áp lực mạnh mẽ đề nghị Trung Quốc nới lỏng chính sách tỷ giá. Cuối tuần trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng tính linh hoạt cho tỷ giá đồng Nhân dân tệ.

Lý do mà các chính trị gia Washington đưa ra là chính sách neo tỷ giá Nhân dân tệ vào USD đang giữ đồng tiền của Trung Quốc ở mức giá thấp so với giá trị thực, tạo lợi thế cạnh tranh không bình đẳng cho hàng hóa của Trung Quốc.

Chính sách tỷ giá của Trung Quốc cũng bị phương Tây cho là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất cân đối nghiêm trọng trong thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, hãng tin BBC cho rằng, ảnh hưởng của việc Trung Quốc áp dụng chính sách tỷ giá linh hoạt hơn sẽ không chỉ gói gọn trong những vấn đề trên. BBC đã chỉ ra những đối tượng được hưởng lợi và thiệt hại trong vấn đề này:

Những đối tượng được lợi:

- Thương mại toàn cầu. Tuyên bố sẽ tăng tính linh hoạt cho tỷ giá của Bắc Kinh sẽ làm lắng dịu những nguy cơ xảy ra xung đột thương mại, nhất là từ phía Washington.

- Các nhà sản xuất ở nước ngoài cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, chẳng hạn các công ty đồ chơi và dệt may tại Mỹ sẽ "chống chọi" tốt hơn với hàng "made in China". Ngoài ra, các nền kinh tế xuất khẩu lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Đức cũng sẽ có khả năng cạnh tranh tốt hơn với hàng hóa của Trung Quốc.

- Các công ty nước ngoài (đặc biệt là ở Mỹ) xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc sẽ cạnh tranh tốt hơn tại thị trường đông dân nhất thế giới. Sức cạnh tranh của nhóm doanh nghiệp này sẽ tăng lên. Giá cả hàng hóa của họ tính theo Nhân dân tệ tại Trung Quốc sẽ rẻ hơn, và doanh thu của họ tại thị trường này bằng Nhân dân tệ sẽ lớn hơn khi được chuyển đổi sang đồng tiền của nước họ.

- Các công ty Trung Quốc trước đây vay nợ bằng đồng USD sẽ phải trả chi phí vay vốn ít đi. Trong số này, được lợi hơn cả phải kể tới các hãng hàng không của Trung Quốc.

- Người tiêu dùng Trung Quốc được mua hàng nhập khẩu với mức giá rẻ hơn. Tuy nhiên, các hộ gia đình Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục được hưởng mức lãi suất tiền gửi thấp đối với các khoản tiết kiệm của họ trong nhà băng.

- Các nhà đầu cơ dự báo trước được việc Bắc Kinh sẽ nâng tỷ giá đã vay tiền USD và mua các tài sản ở Trung Quốc, bao gồm bất động sản và cổ phiếu. Nhiều nhà đầu cơ khác đổ vốn vào các hợp đồng tiền tệ kỳ hạn, trong đó đồng Nhân dân tệ đã tăng giá mạnh.

- Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng được lợi từ việc điều chỉnh tỷ giá. Vì lâu nay, ngân hàng này đã thuyết phục Bắc Kinh cho phép hành động rộng hơn nhằm ngăn chặn lạm phát leo thang. Đồng Nhân dân tệ mạnh lên sẽ làm giảm giá hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc và qua đó hạ nhiệt nền kinh tế nước này.

Ngoài ra, Nhân dân tệ tăng giá cũng tạo điều kiện cho các ngân hàng trung ương khác ở châu Á tăng lãi suất và tăng giá đồng nội tệ để phòng ngừa lạm phát.

Những đối tượng chịu thiệt:

- Các nhà xuất khẩu Trung Quốc, bao gồm cả các công ty nước ngoài có nhà máy đặt tại Trung Quốc, sẽ trở nên kém sức cạnh tranh hơn. Những doanh nghiệp này trả lương bằng Nhân dân tệ, nhưng lại đặt giá xuất khẩu cho hàng hóa bằng đồng USD và Euro.

Một số công ty trong số này như Toyota và Honda, hiện đang đối mặt với những cuộc đình công đòi tăng lương của công nhân Trung Quốc. Nhiều nhà xuất khẩu hiện chỉ có tỷ suất lợi nhuận rất nhỏ và có thể sẽ chẳng còn lợi nhuận nếu Nhân dân tệ lên giá.

- Người tiêu dùng nước ngoài, nhất là ở Mỹ, sẽ phải trả nhiều tiền hơn để mua hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

- Đồng Nhân dân tệ tăng giá có thể là một tin xấu đối với môi trường, vì Trung Quốc sẽ được nhập nguyên vật liệu thô và năng lượng với mức giá rẻ hơn. Môi trường không khí, nước và đất tại nhiều vùng sản xuất công nghiệp lớn của Trung Quốc đã bị ô nhiễm nặng vì chất thải từ các nhà máy. Trung Quốc hiện cũng là quốc gia có tốc độ gia tăng lượng khí thải carbon lớn nhất thế giới.

- Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng sẽ thiệt hại nhiều. Bởi lẽ ngân hàng này đã vay nhiều tỷ Nhân dân tệ để đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ. Giá trị của lượng trái phiếu này tính bằng Nhân dân tệ sẽ “bốc hơi” rất nhiều.

Những đối tượng có thể hưởng lợi, có thể chịu thiệt:

- Châu Âu có thể sẽ không hưởng lợi từ chính sách tỷ giá mới của Trung Quốc nhiều như Mỹ. Đồng Nhân dân tệ hiện đang được neo giá vào USD, nên việc tăng tính linh hoạt cho tỷ giá Nhân dân tệ sẽ tác động trực tiếp tới sức cạnh tranh của nước Mỹ.

Thậm chí, Eurozone và nước Anh có thể thiệt hại, nếu Trung Quốc bắt đầu thực hiện việc tạo ra mối ràng buộc gần hơn giữa Nhân dân tệ với Euro và đồng Bảng. Nếu Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bắt đầu mua vào Euro và Bảng Anh, tỷ giá của các đồng tiền này sẽ được đẩy lên, khiến sức cạnh tranh của châu Âu giảm sút.

- Ngành công nghiệp nặng của Trung Quốc sẽ được nhập khẩu hàng hóa đầu vào ở mức giá rẻ hơn. Đối với các công ty tập trung vào việc xuất khẩu, điều này sẽ bù đắp phần nào cho sự sa sút sức cạnh tranh, do việc tăng tỷ giá Nhân dân tệ gây ra. Còn đối với những doanh nghiệp tập trung vào thị trường nội địa, giá hàng hóa cơ bản rẻ hơn là một “điểm cộng” tuyệt đối.

- Các nước xuất khẩu hàng hóa cơ bản như Nga, Australia và Brazil có thể phải đối mặt với nhu cầu giảm sút từ phía Trung Quốc - khách hàng quan trọng nhất của họ, do nhu cầu của các nhà xuất khẩu Trung Quốc giảm.

Tuy vậy, nhu cầu này cũng có thể tăng vì các công ty Trung Quốc có khả năng sẽ tăng mua nguyên vật liệu đầu vào để phục vụ thị trường trong nước. Thị trường hàng hóa đã phản ứng tích cực với tin Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá, vì phần lớn giới phân tích nghiêng về khả năng thứ hai.

- Chính sách tỷ giá mới của Trung Quốc có thể là một chiến thắng “tốn kém” của các chính trị gia ở Washington vốn đã bỏ nhiều công sức để gây sức ép với Bắc Kinh. Các nghị sỹ Mỹ đang chuẩn bị cho một dự luật trừng phạt thương mại đối với Trung Quốc có lẽ sẽ phải tạm dừng kế hoạch này.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 tại Toronto vào cuối tháng này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã tỏ thái độ cứng rắn về vấn đề chính sách tỷ giá của Trung Quốc, nhưng từ giờ có lẽ ông Geithner sẽ đưa ra những phát ngôn mềm mỏng hơn.

Nguồn đọc thêm: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=190804#ixzz0rtCeizh7

thaibinh
26-06-10, 00:55
Giá dầu tăng sau những cam kết của Trung Quốc về đồng nhân dân tệ

Giá dầu thô đã tăng thêm 2% trong phiên giao dịch ngày 21/6 sau khi Trung Quốc cam kết biến đồng nhân dân tệ thành một đồng tiền tệ linh hoạt hơn. Điều này cũng ám chỉ cho những dự đoán ngày càng gia tăng về nhu cầu cao hơn từ nhà tiêu dùng năng lượng lớn thứ hai thế giới này.

Giá dầu tăng sau những cam kết của Trung Quốc về đồng nhân dân tệ
ảnh minh họa

Một số nhà phân tích cho rằng một đồng NDT mạnh hơn so với đồng Đô la Mỹ có thể giúp cho hoạt động nhập khẩu dầu giao dịch bằng đồng Đô la tại Trung Quốc rẻ hơn, góp phần thúc đẩy tiêu dùng năng lượng. Hiện tại, Trung Quốc tiêu dùng khoảng 10% nguồn cung năng lượng của thế giới.

Theo ông Christopher Bellew, nhà môi giới dầu của công ty hàng hóa Bache tại Luân Đôn “Sự thay đổi chính sách cho phép đồng NDT mạnh hơn tại Trung Quốc nên kích thích nhu cầu dầu nội địa. Đó là nguyên nhân cơ bản cho tín hiệu tăng giá hơn nữa”. Tuy nhiên, tác động dài hạn hơn đối với dầu và giá các hàng hóa khác có thể sẽ tương đối nhỏ bởi vì Trung Quốc sẽ không để đồng NDT tăng đủ cao để tạo ra sự khác biệt đối với sức chi tiêu nhập khẩu hàng hóa của các công ty nước họ.

Dầu thô Mỹ giao tháng 7 đã tăng tới 78.87 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 21/6, mức cao nhất kể từ ngày 6/5 và tính đến khi chốt giao dịch cuối ngày đã tăng 1.33 USD ở mức 78.51 USD/thùng. Dầu ICE Brent giao tháng 8 đã tăng 1.28 USD lên tới 79.50 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 14/5.

Dầu thô Mỹ đã hồi phục khoảng 21% từ một mức thấp 65 USD/thùng cách đây một tháng nhưng vẫn thấp hơn 9 USD so với mức cao của năm 2010. Nhà phân tích Amrita Sen tại công ty tài chính Barclays, Luân Đôn cho biết “Chúng ta đã phá vỡ mức gần 75 USD/thùng và hi vọng mức giá hiện tại sẽ tăng lên mức 80 USD”.

Đồng và các kim loại khác như bạch kim và paladin đồng loạt tăng mạnh trước tin tức về đồng NDT do Trung Quốc chính là nhà nhập khẩu hàng hóa lớn. Các nhà chuyên phân tích các số liệu chính thức của Trung Quốc tại hãng tin Reuters đã chỉ ra rằng nhu cầu dầu trong tháng 5 đã tăng 9% trên cơ sở năm, một sự giảm tốc nhẹ sau 8 tháng tăng trưởng 2 con số nhưng vẫn ở mức cao.

Các thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu cũng đồng loạt giành thêm hơn 1%, phản ánh lợi nhuận cổ phiếu khu vực châu Á sau khi Trung Quốc đưa ra cam kết về một đồng tiền tệ linh hoạt hơn thúc đẩy niềm tin vào kinh tế toàn cầu.

Nguồn đọc thêm: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=190769#ixzz0rtCppSnv

thaibinh
26-06-10, 00:55
WB khuyến cáo Trung Quốc tăng lãi suất

Trung Quốc cần linh hoạt trong việc sử dụng các công cụ thị trường mở để điều tiết tỷ giá đồng NDT trên thị trường ngoại hối và cơ chế lãi suất, nhằm hướng đến mục tiêu quản lý nền kinh tế đang trong giai đoạn tăng trưởng nóng, cũng như giảm thiểu rủi ro bong bóng trên thị trường bất động sản, Ngân hàng thế giới (WB) khuyến cáo.

WB khuyến cáo Trung Quốc tăng lãi suất
ảnh minh họa

Theo nhận định của WB, một đồng NDT linh hoạt hơn trên thị trường vốn quốc tế sẽ giúp các nhà cho vay Trung Quốc rảnh tay đưa ra các chính sách tiền tệ trong thời gian kéo dài thay vì ngắn hạn như hiện nay. Cũng trong bản báo cáo trên, WB khuyến cáo Bắc Kinh nên thả nổi đồng NDT thay vì kìm hãm ở mức quá yếu. “Một loại tiền tệ mạnh mẽ hơn cũng sẽ giúp giảm áp lực lạm phát bằng cách giảm chi phí nhập khẩu, và làm cân bằng cán cân thương mại về hướng tiêu dùng trong nước”.

Trung Quốc hiện neo đồng NDT ở quanh mức 6,83 NDT/đôla trong vòng hơn 2 năm qua và điều này được xem như là công cụ hỗ trợ đắc lực cho xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong giai đoạn khó khăn của cuộc khủng hoảng tài chính. Chính quyền Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng giữ nguyên mặt bằng lãi suất ở mức thấp suốt từ tháng 12/2008 đến nay. Bắc Kinh kỳ vọng vào các biện pháp hành chính và kiểm soát cho vay chặt hơn trong những quý cuối năm để ngăn chặn sự tăng trưởng quá nóng của thị trường tín dụng sau khi đã tăng tốc tới 11,9% trong quý I.

“Sự linh hoạt trong vấn đề tỷ giá sẽ làm cho chính sách tiền tệ độc lập hơn" cho phép Trung Quốc nâng lãi suất ngay cả khi lãi suất tại các nước thu nhập cao vẫn còn thấp, Ngân hàng Thế giới cho biết.

Trung Quốc đang phải đối mặt với sức ép lớn từ phía các nhà lập pháp Mỹ trong vấn đề tỷ giá đồng NDT. Chính phủ Mỹ cáo buộc NDT được định giá quá thấp gây bất lợi cho xuất khẩu thế giới, tạo ra những lợi thế cạnh tranh không công bằng cho doanh nghiệp Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Charles Schumer cho rằng Thượng viện sẽ bỏ phiếu thông qua một biện pháp nhằm hối thúc Trung Quốc nâng giá đồng NDT ngay trong tháng này.

WB dự báo, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong năm 2010 sẽ đạt 9,5% và 8,5% trong năm sau đó. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát sẽ tăng lên mức 3,7%. Chính phủ Trung Quốc đặt ra mức trần khống chế tốc độ tăng giá hành tiêu dùng trong năm 2010 ở mức 3%.

Nguồn đọc thêm: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=190451#ixzz0rtD2Opsu