PDA

View Full Version : Ngải Hời



hoa mai
18-05-11, 21:20
Hơn một tháng nay, mành Thường cứ đi không, về không. Lưới khô! Trong khi ấy thì các mành trong xóm ai nấy đều khẳm. Mành Si thì trúng cá cơm. "Nậu" đong cá mỏi tay. Phải kể hằng ngàn "kiệu"*. Bán ra chợ không hết phải kêu "nhà thùng" Xã Thanh, bán " trụm" để muối mắm. Mành Bông, mành Diệu thì cũng trúng cá nục. Rổi gánh cá chạy sạt đùi lên các chợ Đầm, Xóm Mới, Phường Củi, Mã Vồng... bán không kịp đếm tiền. Rổi nhà quê xuống chở cá về đầy ứ các xe, ngựa phải quất mấy roi, người xà ích phải nhẩy xuống đẩy phụ, xe mới lăn bánh được. Mành Giỏi trúng cá sơn lút be. Cá sơn đỏ, tươi roi rói, nấu canh chua bạc hà, lá me non, kho khô keo ăn cháo... ai cũng thèm. Rổi bán chạy còn hơn tôm tươi. Cả chợ đỏ au màu cá sơn. Ai ai cũng chen mua sớm một mơ, cho tươiù. Thấy bắt ham. Chiều lại, lái phụ, bạn nghề, qua lồ tụ lại trước sân nhà "nậu" chờ chia tiền, cười nói ồn ào, vui vẻ.

Đối diện với nhà Bác Hai Si, là nhà Sáu Thường. Mành Si náo nhiệt bấy nhiêu thì mành Thường tiêu điều, buồn bã bấy nhiêu. Cả tháng hơn chục con người đi mành Thường không có gạo nấu cho vợ con. Thậm chí, ra khơi kéo lưới cả buổi cũng không đủ cá cho một nồi canh để bạn ăn. Đành ăn dặm muối ớt. Chưa lần nào đi biển mà phải ăn cơm với muối thê thảm như vậy. Sáu Thường buồn lắm, hận lắm. Ngày nào cũng phải chứng kiến cảnh mấy mành kia về bến, ghe nào cũng khẳm mà mành mình thì nhẹ tênh. Tại làm sao vậy?

Tại "lái phụ" mình dở không đón được con nước ? Hay tại mấy thằng bạn nghề bơi đi coi cá không rành? Sáu Thường nghĩ lung lắm! Câu hỏi nào vừa đặt ra đều bị gạt đi hết. Bởi đổ thừa cho " lái phụ" hay bạn nghề thì oan cho họ. Vì mành Si, mành Diệu cũng giăng lưới cách đó chừng năm trăm thước, sao lại trúng ? Mà ngày nào cũng trúng! Còn chà mình cũng thả gần chà mành Giỏi, sao chà mành Giỏi cá bu đen cả nước, mà chà mình thì trống trơn!

Suy đi nghĩ lại, Sáu Thường loé lên trong đầu một nghi ngờ ghê gớm. Tối đó Sáu Thường thầm thì với vợ :

- Mành mình bị người ta mướn Thầy Hời ếm ngải rồi! Chắc chắn không chạy đàng trời!

- Sao ông dám chắc! Vợ Sáu Thường dớn dác hỏi lại.

- Để tui thử thì biết liền hà!

Tối hôm đó, Sáu Thường huy động người trong mành đi xuống ghe ngủ sớm để lấy sức. Mới ba giờ khuya, Sáu Thường đánh thức mọi người dậy, nhẹ nhàng chèo ghe ra cửa biển. Thường lệ thì sao mai sắp mọc, thuyền mới ra khơi.

Thuyền ra đến cửa gặp gió đất liền thổi ra pheo pheo, lái phụ cho dong hết buồm chính, buồm phụ. Thuyền lướt vun vút trên mặt biển phẳng như tờ, không một gợn sóng. Chưa tới năm giờ, trời còn đầy sao, thuyền đã tới nơi thả chà. Hai bạn nghề ôm hai ống tre bới quanh chà coi cá. Chà im ru, không một tiếng cá reo. Ban đêm biển đen như mực. Chỉ thấy ánh lân tinh dưới nước lấp loáng to hay nhỏ, nghe tiếng cá reo lách tách, ồn ả bên dưới, có thể đoán được số lượng đàn cá nhiều ít bao nhiêu. Hai người bạn nghề bơi quanh một vòng chà rồi trở lại ghe. Cả hai còn nằm dưới nước, đều dơ cánh tay lên, năm ngón tay quay qua, quay lại ra dấu không có cá. Sáu Thường ra hiệu hai người lên ghe. Ghe trực chỉ tới chà mành Giỏi. Sáu Thường quyết định đánh trộm chà mành Giỏi.

Làm nghề biển, đánh trộm chà của người khác là điều tối kỵ. Chà thả cá, mành nào cũng đều làm giống nhau. Cũng lá dừa nước, cũng dây rừng, thêm dây mây, đá dằn... Kích thước có thể to nhỏ nhích hơn nhau đôi chút. Nhưng khi thả giữa biển mênh mông thì làm sao có thể phân biệt được cái nào là của ai? Để tránh lầm lẫn, mỗi chà đều có dấu hiệu riêng của mình để nhận dạng. Mành Si thì có lá cờ đuôi nheo nhỏ màu trắng phất phơ ở trên. Mành Thường thì cờ màu đỏ. Mành Bông thì cờ màu vàng... Nhưng khi chà bị mành khác đánh trộm thì làm sao mà biết được? Dĩ nhiên mỗi chà đều có ám hiệu riêng của mình. Đó là điều bí mật chỉ có "lái phụ" biết mà thôi. Sáu Thường quyết định đánh trộm chà của mành Giỏi mục đích không phải để trộm cá mà là để thử bài toán cuối cùng cho sự nghi ngờ của mình có đúng một trăm phần trăm không! Ráng trời vừa ưng ửng thì ghe cách chà mành Giỏi chừng trăm thước.

Sáu Thường cho ghe dừng lại, hạ lệnh hai người đi dò cá. Cá đứng hóng bóng chà đen đặc. Một mặt Sáu Thường ra lệnh "nhổ đỏi"* chà, một mặt hối bạn vừa chèo ghe, vừa giăng lưới bao chà. Tất cả mọi người đều ra tay nhanh nhẹn, gọn gàng. Mọi người trên ghe đều biết " đi ăn trộm phải đánh nhanh, rút lẹ" để phi tang. ... Chà vừa di chuyển ra khỏi vòng lưới bao là Sáu Thường hô to: " Nhổ "! Mười bạn nghề lực lưỡng ra sức tóm lưới, nhổ đảy*. Đảy được kéo lên ghe, nhẹ tênh. Đổ ra khoang, cá lớn, cá bé chưa đầy một kiệu. Ai nấy đều ngạc nhiên, ngơ ngác nhìn nhau. Rõ ràng hồi nãy, đang lúc kéo lưới, ai cũng trông rõ cá chạy đặc lềnh nước mà. Sao bây giờ lại lưới không! Vậy cá chạy đi đâu? Làm thế nào mà chúng có thể biến mất một cách lạ lùng như vậy? Đúng là mành bị bùa Hời ếm rồi !

Sáu Thường đổ người thụp xuống sàn ghe, thở hắt ra. Bài toán thử đã chứng nghiệm sự hoài nghi cả tháng nay là đúng. Nhưng ai là kẻ mướn Hời ếm ghe mình ? Hình ảnh những kẻ tình nghi chạy lướt qua đầu Sáu Thường. Ai cũng có thể là kẻ đáng ngờ cả. Nhưng phải tìm cho ra chính kẻ này mới là điều khó. Hồi lâu, Sáu Thường mới chán nản bảo người đem chà cột lại y như cũ. Rồi quay ghe về bến. Ghe chạy chừng nửa cây số thì gặp mành Giỏi đang phăng phăng chạy ngược ra.

- "Thế nào cũng có phong ba bão táp nổi lên rồi đây!" Sáu Thường lẩm bẩm một mình.

Ngày hôm sau mọi người trên bến cá chứng kiến cảnh nhà Sáu Thường và nhà Ba Giỏi, bốn người đàn bà, thi nhau chửi bới, nguyền rủa bâng quơ không chỉ đích danh ai nhưng ai cũng biết là họ đang nguyền rủa lẫn nhau. Chị Thường mẹ và con Thường con, mỗi người cầm một cái rổ cảo, trong đựng đầy mảnh chai bể, vừa xóc, vừa sàng, vừa kêu tên hết thảy các vị thần linh dưới nước từ Hà Bá, Long Vương, Ngũ Vị Chàng Năm cho chí cá xà, cá mập, cá Đao hầu Ông, cá ép hộ vệ Ông hiển hiện lên, mà bẻ họng, bóp hầu quân nào đã ác tâm mướn Thầy Hời ếm ghe mình. Phía bên kia, mẹ con bà Ba Giỏi, mỗi người cầm một con dao bầu chặt cá và một tấm thớt, tay bằm dao vào thớt, miệng cũng rủa nộp quân nào, thứ nào đã đánh chà trộm của tao sáng hôm qua, cho ghe nó chìm, cho cá xà, cá mập đản* nó làm ba, làm bảy khúc.

Giữa tiếng ồn ào náo nhiệt bán mua trên bến cá, kẻ lên người xuống bến, kẻ gánh người bưng, hối hả vội vàng bương bương ra chợ, tiếng con nít ơi ới gọi nhau ăn hàng quà vặt trên mấy chục gánh hàng quà ngồi dàn hàng ngang dọc theo bến, vẫn không át nổi tiếng oang oang chửi bới nguyền rủa cuả hai nhà Sáu Thường và Ba Giỏi. Họ đứng đó cùng nhau hợp ca bài "tẩu mã" hằng giờ mà không thấy khản giọng, hụt hơi. Càng ca càng khoẻ người, tuy hai bè không ăn ý với nhau và không cùng chung một điệu. Cuộc chiến kéo dài suốt một tuần, bất phân thắng bại. Chỉ có người chung quanh là bị thiệt thòi.

Họ bị nghe cả hai bên chửi. Ban đầu cũng thấy gây cấn vui vuị Cũng ngóng cổ lên nghẹ Cũng chu mỏ ra phê phán, xì bên này, xịt bên kiạ - "Không có lửa sao có khói" - " Không bắt được tay, dây được cánh mà rủa nộp người ta thì cũng mang tội" v.v... Đến ngày thứ ba thì hầu hết mọi người không chú ý nữa. Họ lo chuyện mua bán cho xong rồi về nhà. Hai đạo quân chửi nhau đến khi nắng lên cao, mồ hôi, mồ kê đổ ra đầy mặt, nhìn quanh không thấy thính giả và cổ động viên hoan hô đả đảo theo mình như mọi bữa nữa cũng đâm ra chán cũng rút lui về nhà nghỉ ngơi, chờ hôm sau tái chiến.

Trong khi ấy Sáu Thường lẳng lặng tuốt vô Phan Rí cửa, hỏi thăm kiếm cho được một Thầy Hời cao tay ấn, rước về bằng mọi giá để xở bùa cho ghe mình. Ba hôm sau, người ta thấy Sáu Thường về với một ông Thầy Hời. Ăn ở nhà Sáu Thường ba ngày, mỗi ngày ba lần, Thầy Hời xuống mành của Sáu Thường làm phép trấn bùa thiêng, đuổi con ma đã ám ghe đi chỗ khác.

Trong lúc Thầy Hời "cúng giàn" trên ghe Sáu Thường thì các ghe khác dạt ra xa, không dám đậu gần và cắt người canh giử. Kẻo không, Thầy Hời sẽ ném bùa hay đẩy con ma qua ghe mình để trả thù cho Sáu Thường thì cũng chết. Không biết Thầy cao đạo hay đến hồi vận may trở lại, mành Sáu Thường sau đó cũng trúng liên tiếp như các mành khác. Vợ con Sáu Thường hễ hả ra mặt. Bạn mành, qua lồ ghe Sáu Thường cũng vui mừng hớn hở đã có rủng rỉnh tiền cho vợ con gia đình tiêu xài như mọi nhà.

Tiếng Thầy Hời ếm bùa rồi xở bùa linh nghiệm đồn râm ran khắp nơi. Từ đó, trong làng ai ai cũng e dè tiếp xúc với người Chàm, bất kể người đó đi bán đồ gốm hay bán thuốc Nam. Dưới mắt dân xóm tôi, người Hời ai cũng có thể là Thầy Mo có phép ếm chết người được. Những người Chàm khi đi xuống xóm tôi mua bán, mỗi khi đến ghe nào mua cá thì chưa kịp nói hết câu, "lái phụ" đã lật đật sai bạn mành đưa biếu họ vài con để lấy lòng và mong họ đi mau mau cho rồi, tránh khỏi vướng vào cái "đồ hung của dử". Vô tình, người Chàm mang tiếng là ác nhơn thất đức. Oan thay cho họ.

Ai sẽ là người giải oan cho họ đây?

Và câu hỏi tôi cứ thắc mắc hơn nửa thế kỷ nay vẫn chưa có lời giải đáp:

- Quả thật có chuyện bùa ngải ếm ghe, thư người không?"

Chỉ biết chắc một điều: tháng tư năm bảy lăm, một đạo bùa viết bằng chữ quốc ngữ trên giấy trắng, phía dưới có đóng con dấu đỏ lòm đã thổi bay cả người, lẫn ghe mành, ghe câu, thuyền chài. Và cả cái xóm nhỏ của tôi, đã tồn tại hơn trăm năm, nay cũng bị mất hút trong bản đồ thành phố.

Chỉ còn vẳng lại tiếng khóc áo não, thê lương phảng phất đâu đây.

Nguyễn Thanh Ty