Trong kỳ Ðại hội Tôn giáo Thế giới họp tại thành phố Chicago (Hoa Kỳ), đại biểu các nước trên thế giới vô cùng kinh ngạc khi nghe ký giả Alan Ereira trình bày cuộc du hành kỳ thú vào xứ huyền bí của bộ lạc Kogi - một bộ lạc mà từ mấy ngàn năm qua chưa thấy tài liệu sử sách nào nói tới. Họ sống trên núi cao, trong rừng sâu, tách biệt khỏi thế giới văn minh chúng ta.


Người Kogi dường như luôn giữ bí mật về sự hiện hữu của mình. Vì thế, họ thường rút vào trong những khu rừng rậm rạp, sâu thẳm và định cư nơi những núi cao quanh năm mây mù bao phủ dày đặc. Về mặt địa lý, đây là vùng đất huyền bí thuộc rặng Sierra, nơi người dân bạo dạn của xứ Nam Mỹ cũng không dám bén mảng đến vì sợ thần linh nơi đây quở phạt.

Sự khám phá ra bộ lạc Kogi này là tình cờ hay đúng vào thời điểm quan trọng mà nhân loại đang cần tới họ? Năm 1974, một máy bay đã lạc vào khu rừng rậm xứ Colombia thuộc Nam Mỹ, về phía bắc của rặng Sierra. Viên phi công của máy bay này đã phát hiện ra phía dưới thấp thoáng một công trình xây cất cổ xưa bằng đá, có hình dạng kim tự tháp, nhưng không giống kim tự tháp Ai Cập hay kim tự tháp ở Nam Mỹ.

Nhờ sự phát hiện đó, nhiều nhà khảo cổ và địa chất học đã đến nơi đây bắt đầu khám phá. Họ đã khẳng định rằng, công trình xây cất khác lạ này chứng tỏ người dân nơi đây có nền văn minh rất cao. Ðiều chứng minh rõ ràng là những con đường đi lại được làm bằng đá và rất có hệ thống. Ngoài ra, còn có những đường cống thoát nước mà cấu trúc cũng như cách xây cất rất có kỹ thuật. Khi phân tích về đồng vị phóng xạ để xác định thời gian thì các nhà khảo cổ đã khám phá ra rằng, đây là di tích của nền văn minh xuất hiện cách nay khoảng 7-8 ngàn năm, nghĩa là còn trước cả thời đại văn minh của xứ Incas và Maya ở Nam Mỹ.

Thời gian đầu các nhà khảo cổ không gặp bất kỳ một bóng dáng nào của thổ dân sinh sống ở đây khi họ tới để tìm hiểu, nghiên cứu. Mọi vật như chìm trong im lặng đến kỳ lạ, Những công trình xây cất bằng đá lâu đời dần dần được khám phá thêm, nhất là các khối đá lớn được cắm nơi những con đường có ghi các ký hiệu hay chữ rất lạ. Như vậy, vùng đất bí hiểm này chắc chắn có người trú ngụ. Nhưng tại sao không thấy người nào?

Về sau họ mới biết rằng, nơi đây có một bộ lạc tên là Kogi, đó là hậu duệ của một nền văn minh cổ xưa đã biến mất từ mấy ngàn năm trước. Người dân Kogi rất nghi kỵ những người khác bộ lạc. Họ hầu như không muốn liên lạc hay tiếp xúc với bất kỳ ai. Vì thế, họ rút dần lên vùng núi cao, nơi mây mù bao phủ quanh năm, nhằm cách ly với loài người hiện đại.

Một số nhà khoa học và nhà báo đã tìm mọi cách gặp gỡ, tiếp xúc với người bộ lạc Kogi, nhưng tuyệt nhiên không thành công vì người Kogi thường tìm cách lảng tránh.

Về sau do may mắn hay vì một lý do nào khác, một ký giả của đài BBC Luân Ðôn tên là Alan Ereira đã được một người đại diện của bộ lạc Kogi tiếp xúc. Người đó cho hay là ký giả này sẽ được tự do vào thăm và chuyện trò với người của bộ lạc. Họ còn cho biết là ký giả có thể mang theo 4-5 người đi theo để phụ giúp.

Ðầu năm 1993, ký giả Alan Ereira cùng với 5 người khác (gồm một ký giả, ba nhân viên thu hình và một nhân viên y tế) lên đường. Ðể có thể thu thập được nội dung của cuộc trao đổi phỏng vấn với người Kogi, phái đoàn này còn tìm được một người của bộ lạc kề cận nói được tiếng Kogi để làm thông dịch.

Sau một thời gian len lỏi trong rừng sâu núi thẳm của vùng Nam Mỹ, họ lên một đỉnh núi cao của miền Sierra sau khi hồi hộp đi qua chiếc cầu treo như lơ lửng trên những hố sâu vực thẳm để vào nơi bộ lạc Kogi sinh sống. Họ được một số người đại diện bộ lạc ra đón. Ðó là những vị trưởng lão. Những người này ăn mặc giống nhau: vải dệt từ những loại sợi dày màu trắng, đầu đội mũ có vành hơi rộng cũng màu trắng, tóc màu đen, dài, quăn, da ngăm ngăm...

Trước tiên, phái đoàn được biết là họ được phép ở lại đây ba ngày. Ðây là một trường hợp đặc biệt và sẽ không bao giờ còn có sự gặp gỡ như vậy nữa.

Khi nhóm của ký giả Lan Ereira an toạ trên những cái ghế thấp bằng thân cây thì một vị cao tuổi trong bộ lạc mời họ uống nước và bắt đầu nói như giải thích:

- Có thể đây là một ngoại lệ, vì từ mấy ngàn năm qua chúng tôi theo điều luật nội bộ, không bao giờ tiếp xúc với bất cứ ai bên ngoài. Quý vị sẽ hiểu rõ nguyên do vì sao mà Hội đồng trưởng lão của bộ lạc chúng tôi đã quyết định có cuộc hội ngộ hôm nay.

Nhân viên y tế trong phái đoàn ngỏ ý muốn “xem qua” sức khoẻ cho một người đang đứng gần đấy. Viên y sĩ lần lượt dùng các dụng cụ y khoa đo huyết áp, khám phổi, răng, thử máu, v.v... Ðiều kỳ lạ là không tìm thấy một dấu hiệu nào về bệnh tật hay sức khoẻ suy yếu nơi người Kogi được kiểm tra cẩn thận. Ðặc biệt nhất là hàm răng của người này rất khoẻ, không có dấu vết hay tình trạng răng hỏng hay sâu. Tuy vậy, vị trưởng lão cho biết là vẫn có trường hợp có người qua đời vì bệnh, nhưng rất ít và thường xảy ra khi đứa bé mới lớn. Một khi vị trưởng lão khám nghiệm thấy không thể chữa khỏi thì cha mẹ đứa bé chấp nhận mất con vì họ cho đó là luật của tự nhiên. Tuổi thọ của người Kogi rất cao, thường là hơn 100 tuổi.

Khi thấy những người Kogi hay cầm các ống bằng gỗ đựng vôi và dùng cái que gỗ xoay vòng cho vôi tan, lâu lâu lại chấm vào lưỡi, thì Alan Ereira hỏi vị trưởng lão:

- Thưa trưởng lão, người có thể giải thích về những cái ống vôi và hành động làm tan vôi cho chúng tôi biết rõ ý nghĩa được không?

Vị trưởng lão đáp:

- Hành động mà ông thấy đó rất có ý nghĩa vì nhắc nhở mọi người trong chúng tôi luôn ghi nhớ: hãy trau dồi mài dủa Thân và Tâm, giúp hiểu rõ đời sống một cách đúng đắn và vẹn toàn. Cũng chính nhờ vậy mà mỗi người đều ý thức được những việc khác kỳ diệu, phi thường hơn.

Phái đoàn đã quan sát nhiều nơi, tuy nhiên vẫn còn nhiều vùng bị giới hạn không thể tới hay không thể quan sát tìm hiểu được. Theo ký giả Ereira, người trong bộ lạc có tư tưởng rất tự do, phóng khoáng. Mọi người đều có quyền phát biểu trong các cuộc thảo luận. Tại đây, chung cuộc sẽ là quyết định tập thể chứ không do nhân vật quyền uy nào ra lệnh.

Dưới đây là một số câu hỏi - trả lời giữa những người trong phái đoàn và vị trưởng lão:

Hỏi: Xin cho biết quý vị quan niệm ra sao về bệnh tật?

Trả lời: Sở dĩ tật bệnh phát sinh là do con người sống trái với luật. Chúng tôi là con cháu của một giống dân rất cổ xưa và có thể nói rằng, tổ tiên chúng tôi đã có mặt trên Trái đất này từ lâu đời, lâu hơn cả tổ tiên quý vị nữa. Ngày nay toàn thể người trong bộ lạc vẫn sống tiếp tục theo những gì mà tổ tiên chúng tôi đã sống, đã suy nghĩ và hoạt động. Vì chúng tôi đại diện cho thế hệ con người có mặt trên Trái đất này sớm hơn quý vị, nên chúng tôi tự cho mình là những người anh cả trong gia đình rộng lớn của loài người. Như thế, quý vị được chúng tôi xem là em...

Thế giới có nhiều khác biệt về sắc tộc, phong tục tập quán, nhưng cũng vẫn có những điều tương hợp nhau. Cũng như trong một gia đình, người anh phải chỉ bảo cho người em nhiều điều mà người em chưa biết, nhưng phần lớn các em vì còn hăng hái, bướng bỉnh nên họ thường không nghe theo. Và trải qua biết bao ngàn năm rồi mà họ vẫn không nghe, chưa hiểu, chưa thấy, chưa giác ngộ trong cuộc sống. Vì thế, những đàn anh như chúng tôi đành phải im lặng chờ đợi, biết đâu khi đàn em đi vào nếp sống gọi là văn minh khoa học kỹ thuật thì trí óc họ sẽ mở mang bừng sáng để thấy rõ mình đã sai lầm lớn lao trong cách sống như thế nào. Nhưng chờ mãi mà những người này ngày càng lầm lạc mê mờ, tự huỷ hoại mình và cả môi trường đất đai nơi họ sinh sống. Sự sai lầm lớn lao ấy đã tới giai đoạn hiểm nguy báo động. Vì thế, chúng tôi suy nghĩ và quyết định là đã đến lúc phải lên tiếng, phải nói rõ về những sai lầm mà những người em phạm phải. Chính vì lẽ đó mà có buổi gặp hôm nay, vì nếu chậm sẽ quá muộn...

Khi quý vị bước chân vào đây và quan sát đời sống của những người dân chúng tôi thì quý vị chắc chắn sẽ thấy có sự trái ngược lạ lùng với đời sống của quý vị. Một bên là văn minh tiến bộ, một bên đơn sơ mộc mạc. Tuy nhiên, đời sống càng văn minh tiến bộ bao nhiều thì sự xấu xa, nguy hiểm tàn tạ lại càng đến mau bấy nhiêu. Trong khi đời sống đơn sơ mộc mạc bình thản thì lại làm cho con người được an cư lạc nghiệp. Ðiều mà chúng tôi muốn đề cao ở đây là sức khoẻ của mọi người trong các làng. Phần lớn mọi người ít có vấn đề hay không có vấn đề gì.

Nếu quý vị quan sát kỹ môi trường và thiên nhiên, quý vị sẽ thấy tất cả đều có một nhịp sống hài hoà để giữ cân bằng sinh thái. Một khi con người sống không thuận theo thiên nhiên, tức là trái với luật tự nhiên. Mà trái với luật tự nhiên thì cơ thể sẽ có những xáo trộn và từ đó phát sinh bệnh.

Hỏi: Thế nào là sống thuận theo thiên nhiên? Giúp cân bằng thiên nhiên?

Trả lời: Chúng tôi xin nêu một thí dụ mà thí dụ này chính quý vị đã và đang thực hiện. Ðó là việc gieo trồng canh tác của quý vị ngày càng phát triển, nhưng vì đuổi theo lợi nhuận, cạnh tranh nên quý vị đã dùng những chất hoá học thúc đẩy tiến trình phát triển của cây trái, của lúa mì, lúa mạch. Ngay cả những súc vật nuôi như heo, gà, bò, cá, tôm... quý vị cũng dùng cả hoá chất để thúc đẩy chúng lớn. Làm như vậy tức là quý vị đã làm trái tự nhiên, quý vị đã gây ra sự mất cân bằng hài hoà của mọi sinh vật trong thiên nhiên. Dĩ nhiên là những rau trái, hoa quả, lúa gạo, cá tôm sẽ tích chứa trong chúng vô số chất độc hại và khi quý vị ăn vào thì chuyện gì sẽ xảy ra? Tại sao người Âu Mỹ ngày nay bị ung thư quá nhiều và tình trạng tật bệnh này ngày càng lan tràn sang các nước Á Châu, Úc Châu? Tại sao tại các nước gọi là văn minh tiến bộ của quý vị ngày càng phát sính ra những loại bệnh lạ, bệnh nan y khủng khiếp? Tất cả chính là do con người ngày càng mê mờ, u tối vì chỉ biết chạy theo vật chất, lợi nhuận mà thôi. Vì thế, họ luôn gây hại cho môi trường sống, luôn làm mất cân bằng thiên thiên, không sống hài hòa với thiên nhiên, đúng luật thiên nhiên...