Sưu tầm

Lẽ tất nhiên, chúng ta không ai có thể dám nói rằng mình biết được hết tên tuổi các vị thầy bói Giao Chỉ, dù chỉ riêng tại Sài gòn và phụ cận, chứ đừng nói là ở khắp nước Việt Nam. Vậy, sau đây cũng chỉ là một số tên tuổi lẫy lừng nhất được nhiều người biết. Trước hết phải kể đến các Bà Thầy :

Bà Anna Phán, dường như xưa kia có chồng là người Pháp, đã nổi tiếng một thời từ ngoài Bắc, Hà nội. Khi bà theo làn sóng di cư trôi vào Nam thì chỉ còn hành nghề được ít năm nữa. Cũng có người cho rằng là vì tuổi già sức yếu nên con cháu không muốn bà tiếp tục, dù rằng lộc thánh hãy còn.

Trẻ hơn Bà Anna Phán, có một bà hình như là người Pháp và cũng mang cái tên rất đầm : Madame Claire.

Madame Claire chẳng những bói hay mà còn là một người lịch lãm và gợi cảm. Có một công tử Bạc Liêu về già đem đến tặng Madame vài món nữ trang đáng giá.

Cô Bích, một thiếu phụ nổi danh về bói toán mà cũng có lập am, lên đồng, là người Đà Nẵng. Xưa kia, hồi còn Pháp thuộc, cô đã từng có chồng sĩ quan Pháp nhưng không có con. Là người thất học nhưng khi đồng lên, cô Bích viết chữ Hán đẹp như rồng bay phượng múa. Đó là lời tiên thánh truyền dạy cho kẻ đến hầu cửa cô, một người mà khi đồng lên thì trở nên đẹp lộng lẫy với cặp mắt sắc như dao. Cô Bích đã tạ thế tại Đà Nẵng sau năm 80.

Nhưng vị thầy bói nữ lừng danh hơn cả phải kể là bà Nguyệt Hồ ở Đường Đinh Công Tráng thuộc quận Tân Định. Vào khoảng cuốn năm 1974, bà Nguyệt Hồ 43 tuổi, xưa kia đã từng nổi tiếng là hoa khôi, hình như bà đã trúng tuyển kỳ thi hoa hậu do báo Đời Mới của ông Trần Văn Ân Tổ chức.

Cả bốn vị nữ thầy trên đây đều đã thành công với nghề nghiệp và sống một cuộc đời sung túc, nếu không nói là vương giả. Các bà không những chỉ bóc bài, xem chỉ tay mà còn làm công việc giới thiệu tình duyên và gỡ rối tơ lòng. Các nữ thân chủ khi có chuyện rắc rối về gia đạo là tìm đến các bà như tìm đến những cái phao. Tuy các bà thầy cũng thành công, nhưng so với quý ông thì số lượng ít hơn. Người ta còn nhớ tại Sàigòn có các thầy nổi tiếng như : Gia Cát Hồng, giáo sư Khánh Sơn, thầy Nguyễn Huy Bích, thầy Minh Lộc, thầy Minh Nguyệt, thầy Lanh, thầy Diễn và thầy Ba La.

Thầy Gia Cát Hồng: tên thật là Phạm Bảo, nguyên là công chức thuộc nha cảnh sát công an Bắc Việt trước 1954. Sau khi di cư vào Nam, ông Bảo thôi nghề công chức, sau đó một thời gian mới mở văn phòng đoán vận mệnh tại đường Trần Quốc Toản, gần Việt Nam Quốc Tự. Thầy tự quảng cáo là nhà tiên tri xem tử vi, chữ ký. Nổi tiếng về tài xem tử vi mà nói đúng được diên mạo người xem, tầm vóc, lớn nhỏ, nghề nghiệp, màu da…mà không cần trông thấy mặt.

Ngoài việc bói toán, thầy Gia Cát Hồng kiêm luôn nghề thầy thuốc chữa những bệnh như: kinh phong, phong ngứa, phong tình…kết quả rất tốt. Thầy làm ăn phát đạt đến nỗi chẳng mấy chốc đã trở nên chủ nhân ông nhiều tài sản lớn.

Thầy Nguyễn Huy Bích: Cũng chánh quán Bắc Việt, là người bị mù từ thuở sơ sinh, đã hành nghề từ phố Huế Hà nội 36 năm, sau mới vào sàigòn theo đợt di cư. Trong các thầy lừng danh, cụ Bích nổi tiếng là người hiền lành đứng đắn. Cụ rất ngại mở rông sự giao tiếp, dù rằng thân chủ tìm đến rất đông. Cụ cũng chỉ xem cho người quen, để có thể nói thật mà không sợ mất lòng hay gây thù oán. Nhiều nhà văn ở Sàigòn là bạn thân của thầy Bích. Ngoài ra cụ Bích cũng là bạn thân của đạo sĩ Ba La. Không chủ trương kiếm nhiều tiền, cụ Bích không có của chìm của nổi như thầy Gia Cát Hồng.

Thầy Minh Nguyệt: không như thầy Gia Cát Hồng tự xưng là nhà tiên tri, thầy Minh Nguyệt tự quảng cáo trên báo là giáo sư Minh Nguyệt, và mở văn phòng ở Đề Thám. Cùng với các thầy Huỳnh Liên, Khánh Sơn, thầy Minh Nguyệt là một nhà bói toán có đến hàng chục ngàn thân chủ. Đặc biệt, riêng thầy Minh Nguyệt còn biết đủ thập bát ban võ nghệ, ngoài tài tử vi và xem chỉ tay.

Nhiều đồng hương đến nay đã ra nước ngoài mà xưa kia đã từng đến coi bói tại văn phòng giáo sư Minh Nguyệt vẫn nhớ giọng nói miền Nam rất vui vẻ của ông – giống như kịch sĩ Tùng Lâm – và cũng nhớ căn phòng đầy nữ thân chủ, phần đông là các cô có chồng quân nhân Mỹ đã bỏ Việt Nam trở về cố quốc. Các cô tới để nhờ thầy đoán xem bao giờ gặp lại cố nhân để cho đời sống được lên hương như trong quá khứ. Trong số hàng chục ngàn thân chủ, có cả hàng chục cô mong được nâng khăn sửa túi cho giáo sư ‘Sáng Như Mặt Trăng’, nhưng thầy nghiêm lắm, chẳng bao giờ ‘trăng hoa.’

Thầy Minh Lộc: cũng sinh quán từ Bắc Việt di cư vào Nam, mở văn phòng tại đường Lê Văn Duyệt Sàigòn. Thầy là người đã hành nghề lâu năm trước, từ ngoài Bắc, và có thụ giáo với một số thầy khác. Điểm đặc biệt là thầy Minh Lộc rất khó tính, nghĩa là nói thẳng, nói ngang, nói như tát nước vào mặt người đến năn nỉ xin thầy xem giúp. Đây cũng là đặc điểm chung của các thầy muốn tỏ ra tự trọng, áp dụng câu châm ngôn rút ra từ truyện Kiều : ‘Càng treo giá ngọc, càng cao phẩm vàng’. Lắm khi thầy mắng người ta đến xấu hổ và xua tay đuổi như đuổi tà, nhiều người giận bỏ về, nhưng rồi lại cứ mò tới !

Tự trọng và treo giá là phải, vì thầy đoán rất hay. Có người đã tắt thở, thân nhân đã đặt hòm, mà thầy vẫn xem tử vi và bấm độn quả quyết số này chưa mãn. Quả nhiên người ấy hồi sinh, và thân nhân trả hòm lại mà không lấy tiền về, xem như là để ăn mừng vậy. Và cũng như phần đông các thầy đã nổi tiếng, thầy Minh Lộc không chạy được ra nước ngoài vào đợt di tản 30-4., kể cả thầy Chiêm và thầy Khánh Sơn cũng không !

Thầy Nguyễn Văn Canh: cũng là người sinh quán tại Bắc Việt (Nam Định). Thầy Canh cũng mù lòa từ thuở sơ sinh, nên được gia đình cho học nghề bói toán để làm kế sinh nhai. Thuở đầu đời, thầy hành nghề tại Thái Bình, Hà nội, và đã di cư vào Nam sau 1954. Điểm đặc biệt của thầy Canh là có đến mười người con, tất cả đều được sinh trưởng trong cảnh no ấm sung túc nhờ nghề của thầy là một nghề rất sáng giá tại quê nhà, vào thời buổi ấy. Thầy sở trường về tử vi và bói dịch, nổi tiếng như một nhà tiên tri.

Dáng người bệ vệ cao lớn, thầy có sức khoẻ dồi dào và thần trí minh mẫn. Xem tử vi trên năm đầu ngón tay, thầy Canh chỉ cần nghe ngày sinh tháng đẻ của thân nhân một lần là nói ngay vanh vách sao nào đóng ở cung nào, cung thê có đào hoa hồng loan thì sao, cung mệnh không có chính diệu mà đắc tam không thì cuộc đời sẽ như thế nào. Nói rồi, thầy nhớ mãi, lần sau khách tới chỉ cần nói tên là thầy biết số này ra sao! Đến nay, tại Mỹ, nhiều người còn nhớ được câu ‘mệnh vô chính diệu đắc tam không’ là nhờ học được của thầy Canh.

Thầy Lê Văn Diễn: Người viết bài này không dám tin chắc họ của thầy Diễn là họ Lê, chỉ nhớ là ngưòi ta đã gọi vậy, nhưng phần đông đều chỉ gọi là thầy Diễn. Không như các thầy ở ngoài Bắc di cư vào Nam, thầy Diễn là công chức miền Nam đã về hưu. Nhà riêng ở đường Hiền Vương gần đất Thánh Tây, nhưng thầy ít khi tiếp khách tại nhà, mà thường thân chủ muốn rước thầy phải hẹn trước hàng tháng, hàng tuần,và thỉnh thầy về nhà một cách long trọng.

Thầy không nổi tiếng với khoa tướng số tử vi hay bấm độn, hay bói tướng, mà tự nhiên có thể xuất thần nói được những điều huyền bí, tiên tri ghê gớm về quá khứ vị lai. Tây phương gọi loại thầy tiên tri này là Medium.

Điểm đặc biệt của thầy cũng lại là khó tính. Thầy tối kỵ nhận tiền bạc hay lễ lạc của thân chủ, dạy rằng nếu được trả tiền thì bao nhiêu cái hay sẽ mất hiệu nghiệm và việc làm của các thầy sẽ không còn phải là cứu nhân độ thế nữa. Mỗi khi khách có tang gia bối rối, lần mò vào được nhà thầy, liền bị người nhà ra mời đi, nói rằng thầy lúc này đã muốn nghỉ ngơi, các quý khách đã rước thầy đi ngao du sơn thủy, đâu có ở nhà mà giúp bà con được! Nhưng rồo cuối cùng thầy cũng giúp cho, và thân chủ phải nghĩ sao cho phải thì thôi, để gọi là lòng thành lễ bạc! Nhiều giai thoại về tài nhìn thấy vị lai của thầy đã được truyền tụng. Ngoài ra, thầy Diễn còn có tài địa lý, nhìn hướng nhà mà biết nhà có hợp để ăn nên làm ra không, cửa trổ về hướng nào thì có lợi. Những giai thoại về thầy Diễn cũng nhiều, nhưng xét ra cũng tương tự như các thầy khác.

Điểm đặc biệt là thầy được coi như một người có khả năng xuất hồn, chứ không phải chỉ bói toán tử vi hay địa lý. Cũng như thầy Chiêm ở Đà Lạt, thầy Diễn xuất hồn để tiếp xúc với hồn người quá vãng. Thầy Chiêm cầm ống điện thoại cũng kêu hêlô, hêlô và hai bên đối thoại, có cả những tiếng OK,OK nữa. Còn thầy Diễn thì thế nào, kẻ viết bài này chưa được chứng kiến.

Thầy Khánh Sơn: Có lẽ so với tất cả các thầy đã được kể trên, thì thầy Khánh sơn là người nổi tiếng nhiều nhất và lâu nhất.

Từ những năm nước nhà còn Pháp thuộc, các bậc tiên sinh đã nghe danh thầy, tự xưng là Mét (Maitre). Mét Khánh Sơn. Báo chí thời tiền chiến đã đăng hình thầy: đẹp trai, đeo kính trắng trí thức, một ngón tay chỉ vào cái chìa khóa, tượng trưng cho sự khám phá mọi điều huyền bí chăng? Mét đã hành nghề đâu từ những năm 40-45 xa xưa, sau khi tốt nghiệp bằng sư phạm tại Hà nội, chứ không phải vì thất nghiệp mà phải xoay nghề như một số các ông ở bên Tàu qua, như đã nói ở trên