bài này của tác giả Thế Anh
Có rất nhiều người cho rằng “Huyền Không” tức là Huyền Không Phong Thủy . Thực ra không phải như vậy ! Có thể nói chính xác hơn Lý Khí Huyền Không Phong Thủy là Huyền Không mà Huyền Không thì không hoàn toàn là Phong Thủy Lý Khí.

Giải nghĩa theo mặt chữ thì “Huyền” tức là chỉ về “Thiên - Trời” cũng tức là vận trình biến đổi của thời gian. Không là chỉ “Địa - Đất” cũng tức chỉ về Không gian. Như vậy gộp hai chữ Huyền Không tức là sự biến đổi của Không Gian trong Thời Gian, và Thời Gian nhất định trong Không Gian. Chúng ta thường nghe nói : “Trời tròn Đất vuông!” nhưng tại sao nói như vậy ! Không phải vì thật sự trời có hình tròn, đất có hình vuông. Cái ý ẩn mật mà Chư Cổ Đức muốn nói ở đây là “Tượng trời biến đổi Xuân Hạ Thu Đông một vòng rồi lại một vòng nên gọi là tròn; Trên mặt đất vạn vật biến hóa thay đổi không giống nhau nên gọi là vuông”. Đây cũng chính là Lý do chúng ta thấy Tiên Thiên Bát Quái thì cân đối, mà Hậu Thiên Bát Quái lại có sự mất cân bằng.

Chúng ta đều biết ! Hiện nay Triết Học, Vật Lý Học hiện đại cũng đã công nhận không gian chúng ta đang sống là một không gian 4 chiều ( Cao, Rộng, Dài và 1 chiều nữa là Thời Gian). Tuy nhiên các Triết Gia và Khoa Học Gia hiện đại của Phương Tây đã rất lúng túng khi thể hiện điều đó trên hình vẽ. Trái lại các bậc Tiên Hiền, Thánh Giả phương Đông đã rất dễ dàng thể hiện điều đó trên hình vẽ. Nếu bạn đang cầm trong tay một lá số Tử Vi Đẩu Số, một tinh bàn Phong Thủy, hay một La Kinh thì đó chắc chắn là một không gian bốn chiều. Hơn thế nữa các mô hình đó còn thể hiện được Không Thời Gian 4 chiều của một con người, một cộng đồng, một vũ trụ.
“Huyền Không” tức là các tri thức về Triết Học Đông Phương Cổ Đại ! Nó là nền tảng của vô số các bộ môn văn hóa, học thuật khác ! Nó được xây dựng tổng hợp trên các nhận thức của người xưa về Vũ Trụ Quan, Nhân Sinh Quan. Cốt lõi của nó là coi Vạn Vật trên thế gian là đồng nhất thể ! Các tri thức được tổng hợp từ : Lịch Pháp, Thiên Văn, Triết Học cùng Môi Trường Tự Nhiên. Đặt con người ở vị trí trung tâm của nhận thức, dùng nhận thức đề phục vụ con người. Lấy Âm Dương, Ngũ Hành, Tiên Thiên Bát Quái, Hậu Thiên Bát Quái, Thất Tinh Bắc Đẩu làm nhận thức cơ sở ! Từ các tiêu chí này Khoa Học Huyền Không được đem áp dụng vào tất cả các bộ môn khác. Người xưa nhóm các bộ môn này vào bốn nhóm chính :

1. Sơn Thuật ( Gồm các bộ môn Tu Luyện phát huy khả năng vô hình của con người thâm nhập vào các năng lực vô hình huyền bí siêu nhiên có sức mạnh bất khả tư nghì ).
2. Y Thuật (Bao gồm các bộ môn về chữa bệnh, chế thuốc, tập luyện….nhằm duy trì cho con người một cuộc sống khỏe mạnh về cả tinh thần lẫn thể xác.)
3. Mệnh Thuật (Gồm các bộ môn xem xét và cải tạo vận mệnh của con người, cộng đồng …)
4. Bốc Thuật (Gồm các bộ môn bói toán, dự báo trước các việc trong tương lai gần hoặc xa, từ đó đề có được đường đi thích hợp.)
Chia ra làm bốn nhóm nhưng không có nghĩa là các nhóm này tách rời nhau. Trái lại nó gắn kết vô cùng chặt chẽ với nhau bổ sung, thiếu một tất sẽ không ổn. Đây là một truyền thống vô cùng quan trọng cho những người tu học các bộ môn Khoa Học Huyền Bí. Đây là “Tâm Chuyên Nhất” cuả Lão Tử, là “Tâm Vô Phân Biệt” của Phật Thích Ca Mâu Ni, là cái mà Khổng Tử nói “Dĩ Nhất Quán Chi – Lấy cái Một để thông suốt tất cả”.

Huyền Không Phong Thủy Và Tử Vi Đẩu Số

Ở Việt Nam chúng ta hiện nay do thiếu các tài liệu về các chuyên ngành nghiên cứu Mệnh Lý học cổ Đông Phương ( Do bị bí truyền hoặc hạn chế về Hán Văn ) nên hầu như có rất ít người biết rằng hai bộ môn Tử Vi Đẩu Số và Huyền Không Địa Lý có liên quan chặt chẽ với nhau. Thật ra là hai bộ môn này vốn dĩ là một, chỉ do mục đích sử dụng mà vẻ bên ngoài khác nhau. Cũng vì chưa hiểu hết nguồn gốc mà người học Huyền Không Địa Lý thì ít chịu nghiên cứu thêm Tử Vi Đẩu Số hoặc ngược lại. Thảng như có ai đó học cả hai thì hầu như vẫn cho nó là hai bộ môn riêng biệt.

Đứng về phương diện lịch sử, chúng ta có thể thấy trong các tài liệu của hai môn học đều ghi lại dấu ấn từ một người đã rất nổi tiếng trong lịch sử Triết Học cùng các bộ môn Huyền Học của Trung Hoa. Đó là Đạo sĩ Trần Đoàn. Ông sống vào đầu đời nhà Tống, là người thông cả Tam Giáo ( Nho, Phật, Đạo), cũng chính ông khởi đầu của Tống Nho, khởi nguồn của các quan điểm Hình Nhi Thượng về Lý, Khí của Tống Nho kéo dài rực rỡ qua Thiệu Khang Tiết, Trình Di, Trình Hạo, Chu Hy cho tới Vương Dương Minh đời nhà Minh. Ông chính là người được các sử sách của các ngành học Huyền Không Địa Lý và Tử Vi Đẩu Số ghi lại rằng đã đưa ra công khai hai bộ môn trên. Tuy nhiên do tính chất nguy hiểm của bộ môn Huyền Không Địa Lý ( Có thể làm hại cả một dòng tộc, một cộng đồng, một quốc gia ) nên nó hầu như được mật truyền. Riêng Tử Vi Đẩu Số do chỉ có tác dụng cho một cá nhân nên được công khai phát triển rộng rãi trong nhân gian. Thật ra có đúng là hai bộ môn trên đều do Trần Đoàn sáng tạo ra hay không thì còn nhiều tranh luận. Tuy nhiên công lao to lớn tham ra góp mặt trong sự phát triển hai bộ môn của ông thì cả hai bộ môn này đều công nhận.

Về mặt kỹ thuật thì sự liên hệ càng chặt chẽ hơn. Cả hai bộ môn đều được đặt trên cơ sở triết học là Kinh Dịch và thuyết Ngũ Hành Sinh Khắc. Cả hai đều có Tinh Bàn và lấy sự chuyền động của các sao trên Tinh Bàn để lập thành phương trình luận đoán. Cả hai đều coi trọng kết hợp cả Không Gian và Thời Gian để nhìn nhận vấn đề trong một tư duy biện chứng.

Về hình thức thì Huyền Không Địa Lý lấy gốc là 24 Sơn, còn Tử Vi Đẩu Số lấy 12 Cung để tính toán. Nhưng thực ra thì không hề khác biệt. Bởi tất cả đều lấy Khí Trường chia làm 12 phần – tức 12 tuyến khí trọng yếu. Còn ở Huyền Không Địa Lý có thêm 8 Thiên Can, 4 Góc thì cũng chỉ là các tuyến giao của 12 tuyến khí chính của Khí Trường. Và khi các tuyến giao đó đến làn ranh giới thì chúng ta có các tuyến Không Vong Long ( Vô Khí hoặc Khí rất hỗn tạp ) tại chính giữa 4 góc, 8 Thiên Can.

Hơn nữa trong Tiên Thiên Bài Long Quyết thì Huyền Không Phong Thủy cũng quy 24 Sơn trở về 12 Địa Chi đề phân định tốt xấu. Ở Việt Nam hầu như chúng ta ít biết về Tiên Thiên Bài Long Quyết.
Bởi lẽ do Huyền Không Địa Lý sử dụng trên các quy mô lớn nên sự tính toán có phần chi tiết hơn về không gian nên việc chia nhỏ không gian để tính phương vị là cần thiết. Còn Tử Vi Đẩu Số là tác động đến một con người nên chỉ cần lấy các tuyến khí chính là được.
Bù lại Tử Vi Đẩu Số tính toán chi tiết ( Hơn 100 Sao ) tới các tác động qua lại giữa các tính chất của các tuyến khí để tạo ra tính cách, thể chất, xu hướng tư duy, vận mệnh phức tạp của con người. Huyền Không Địa Lý thì đơn giản hơn, chỉ có 9 yếu tố ( Cửu Tinh ) để đo lường sự tốt xấu của một Cục Trường. Cũng bởi Cục Trường đó có tác động động đến nhiều người ( Mỗi người mỗi khác ) nên nếu tính chất đi quá sâu vào chi tiết dễ dẫn đến sai lầm.

Các điều trên cho thấy một tư duy thực tiễn rất biện chứng của người xưa khi áp dụng các lý thuyết cho từng trường hợp cụ thể để tính toán. Và chúng ta có thể kết luận hai bộ môn này thực chất là một. Trong các môn phái chính truyền như Huyền Không Trung Châu, Vô Thường Phong Thủy đều kết hợp Tử Vi để luận đoán Phong Thủy. Hai Sao chủ mệnh, chủ thân mà chúng ta thường thắc mắc không biết để làm gì chính là dùng vào Phi Tinh Phong Thủy....
(còn tiếp)