Chào các bạn. Lâu quá dhai06 không ghé thăm diễn đàn. Nay ghé lại thấy mọi người vào đông quá cũng vui. dhai06 xin gởi bài này đến các bạn cùng nhau suy nghĩ
[IMG]http://d.f6.photo.zdn.vn/upload/original/2011/09/19/17/03/13164266101726387891_574_0.jpg[/IMG]
THÍ NGHIỆM TURING

Xưa nay, loài người luôn yên chí rằng mình là những sinh vật ‘thượng đẳng”, hơn hẳn mọi giống loài khác. Nhưng niềm tin ấy đang bị đe doạ bởi sự xuất hiện của một “giống loài” mới: robots với bộ óc là computer!

Ngay từ những năm 1950, Alan Turing, một trong những cha đẻ của computer, đã khẳng định rằng sẽ đến lúc computer thông minh như con người. Thực tế diễn ra có vẻ như còn chứng tỏ computer có thể “thông minh hơn” con người: Năm 1997, máy tính Deep Blue đã đánh thắng vua cờ Garry Kasparov! Đó là lúc trường phái “trí thông minh nhân tạo” – AI (Artificial Intelligence) – ăn mừng. Nhưng không chỉ AI ăn mừng: rất nhiều người khác cũng bị lây nhiễm tâm lý sùng bái computer, sùng bái khoa học, sùng bái máy móc. Số người này rất đông đúc (có lẽ chiếm đa số), bao gồm cả những người giỏi giang nhất, uy tín nhất, tạo nên một xu thế thời đại khó cưỡng nổi – thời đại kỹ trị. Trong thời đại này, khoa học vật chất được tôn lên thành “chúa tể” của tri thức, đẩy các lĩnh vực văn hoá nhân văn vào thế lép vế, dẫn tới một sự mất cân bằng nghiêm trọng trong đời sống nhân loại. Mất cân bằng sinh thái, bầu khí quyển bị hâm nóng, thiên nhiên nổi giận, môi trường bị ô nhiễm, năng lượng hạt nhân trở thành mối đe doạ, GDP tăng trưởng nhưng đạo đức suy đồi, khủng hoảng tội ác, phân hoá giầu nghèo đến mức cùng cực – trong khi có những kẻ cất giữ hàng tỷ đô-la trong ngân hàng, của cải đổ đi không hết thì vẫn có trên 1 tỷ người trên thế giới đang sống trong tình trạng đói rét, bệnh tật, …

Nguồn gốc sâu xa của tình trạng mất cân bằng đó là sự thiếu hiểu biết về bản chất con người.

Con người đơn thuần chỉ là kết quả của sự tiến hoá sinh học hay là một thực thể tâm linh – “một cây sậy có tư tưởng” như Pascal định nghĩa ?

Liệu học thuyết Darwin và những lý thuyết tiến hoá hiện đại khác có giúp chúng ta hiểu rõ bản tính người hay không? Bản tính người thực sự là cái gì?

Thuyết tiến hoá nói rằng đặc trưng của loài người là ở chỗ biết sáng tạo ra công cụ lao động. Nhưng lý thuyết này đang trở nên quá nghèo nàn trước những thành tựu của khoa học computer, bởi việc chế tạo ra công cụ thực ra chỉ là một biểu hiện của trí thông minh vượt trội, mà computer cũng sẽ thông minh không thua kém con người. Vậy chỗ đứng thật sự của con người ở đâu?
[IMG]http://d.f6.photo.zdn.vn/upload/original/2011/09/19/17/06/1316426778305956914_574_0.jpg[/IMG]
Douglas Hofstadter, trong cuốn sách nổi tiếng từng đoạt Giải Pulitzer năm 1980 của ông, “Gödel, Escher, Bach”, đã tìm ra một phản đề tuyệt vời: “Khi một hoạt động trí não nào đó đã được chương trình hoá thì người ta sẽ mau chóng ngừng coi nó như một thành phần chủ yếu của tư duy thực sự”. Nói một cách dễ hiểu: đâu là chỗ của máy móc thì đó không phải là chỗ để tính người lộ rõ.

Từ phản đề ấy, lập tức suy ra rằng tư duy đánh cờ không còn nằm trong vùng tư duy đặc trưng nhất của tính người nữa, vì Deep Blue đã đánh thắng vua cờ! Đây là một sự kiện làm đảo lộn vai trò của cờ vua nói riêng và là một cột mốc quan trọng trong lịch sử nhận thức của con người về chính bản thân mình. Xem thế đủ thấy việc hiểu bản chất thật sự của con người hoá ra không đơn giản như ta tưởng.

Chính vì không hiểu rõ chính mình là gì nên con người mới sùng bái những tri thức khoa học vật chất đến mức thái quá, từ đó tạo ra một thế giới mất cân bằng nghiêm trọng như hiện nay. Dường như linh cảm được điều đó nên từ cách đây hơn nửa thế kỷ, Albert Einstein đã lên tiếng cảnh báo: “Hãy thận trọng đừng biến tri thức thành chúa tể của chúng ta, nó có … sức mạnh cơ bắp nhưng không có nhân tính”[1].