Qua đó có thể kết luận: tư duy của não trái thiên về tư duy computer, tư duy não phải thiên về tư duy người. Phần người nhất trong con người nằm ở não phải – linh hồn con người nếu phải tìm chỗ trú ngụ, nó sẽ chọn ngôi nhà chủ yếu ở não phải!

Tuy nhiên sẽ là một nhầm lẫn lớn nếu tuyệt đối hoá việc tách bạch hai loại tư duy thành hai khu vực hoàn toàn tách rời nhau. Thực tế hai bán cầu não thường phối hợp hoạt động với nhau để có được một tư duy đầy đủ nhất – giống như một hoạ sĩ lập thể có thể thể hiện một đối tượng với nhiều hình chiếu cùng xuất hiện một lúc trên một bức tranh, cái mà nghệ thuật phối cảnh cổ điển không thể có.

Đến đây có lẽ chúng ta sẽ dễ dàng đồng ý với nhau rằng tư duy thơ ca, nghệ thuật sẽ hoạt động chủ yếu ở não phải, và đó là tư duy nằm trong phần đặc trưng cho tính người. Vậy tư duy khoa học thì sao?

Phải chăng tư duy khoa học là tư duy computer, và do đó kém tính người hơn tư duy văn chương, nghệ thuật?

Không, đó là một ý nghĩ hồ đồ, kém hiểu biết về bản chất của khoa học.

Nếu so sánh khoa học với các lĩnh vực văn chương, nghệ thuật, thì phải thừa nhận rằng khoa học chứa đựng nhiều tư duy máy móc hơn. Tuy nhiên sẽ là sai lầm nếu tuyệt đối hoá kết luận đó. Thực tế những nhà khoa học chân chính cũng đồng thời là những nghệ sĩ, theo đúng nghĩa của từ này. Còn ai nghệ sĩ hơn Albert Einstein khi ông tuyên bố: “Trí tưởng tượng quan trọng hơn tri thức” (The imagination is more important than knowledge). Thực ra Einstein và Picasso cùng tìm kiếm một chân lý như nhau, nhưng chỉ khác nhau ở phương pháp tiếp cận mà thôi. Đó là lý do giải thích vì sao Einstein rất mê Hình học Euclid. Ông gọi đó là cuốn “Hình học thiêng liêng” (The Holy Geometry). Tư tưởng hình học xuyên suốt đời ông, và có thể nói không ngoa rằng Thuyết tương đối tổng quát của ông chính là một lý thuyết “Hình học vật lý”. Cảm xúc hình học thiên về cảm xúc người, cảm xúc đại số thiên về tư duy của computer. Đó là lý do để Gottlob Frege, một nhà toán học lớn của Đức đầu thế kỷ 20, đã thốt lên vào lúc cuối đời, rằng “Thực ra toàn bộ toán học là hình học”[7].

Đáng tiếc là phần lớn các nhà giáo dục không hiểu điều Frege nói. Muốn hiểu Frege, phải tìm hiểu lịch sử toán học thế kỷ 20, đặc biệt phải hiểu Chủ nghĩa toán học hình thức là gì, và không thể không biết “thảm hoạ giáo dục” trên thế giới những năm 1960 dưới danh hiệu “Toán học mới” (New Mathematics) mà tác hại của nó vẫn còn tới hôm nay. Tất cả những chuyện đó xin dành cho bài kỳ sau:

“Tôi cảm thụ, vậy tôi tồn tại!”