Obama giết Osama
10 năm săn thủ phạm 11- 9
Đinh Từ Thức
(PHẦN I)
Lời giới thiệu: Vụ tấn công giết gần ba ngàn người ngay trên đất Mỹ ngày 11 tháng 9, 2001 được coi quan trọng ngang tầm vụ tấn công vào Pearl Harbor cuối năm 1941. Mỹ chỉ mất gần bốn năm để tóm cổ Thủ tướng Nhật Tojo Hideki, và ba năm xét xử trước khi treo cổ ông ta. Nhưng đã mất tới mười năm để hạ sát Osama bin-Laden.

Một tuần sau vụ 11 tháng 9, tới thăm Ngũ giác đài ngày 17 tháng 9, Tổng Thống George Bush tuyên bố: “Tất cả những gì tôi có thể nói là Osama bin-Laden là nghi phạm chính”. Ông nói, “Tôi muốn công lý. Như cáo thị ở miền Tây ngày xưa từng niêm yết: Cần bắt, sống hay chết”.

Cuộc săn bắt thật ra đã bắt đầu trước 11 tháng 9, 2001, khi bin-Laden chính thức tuyên bố mở đầu cuộc thánh chiến chống lại Hoa Kỳ từ năm 1996. Nhưng cuộc săn bắt chỉ thực sự khẩn trương từ sau vụ 11 tháng 9.

Bài này đã được viết lại, và dịch lại, dựa theo nhiều tài liệu đã công bố trên Washington Post, New York Times, Reuters, nhất là các bài “The Hunt” trên Wasington Post ngày 6 tháng 5, 2011, của Peter Finn, Ian Shapira, và Marc Fisher, bài “Top Secret America: STEALTH MISSIONS” của Dana Priest và William M. Arkin, cũng trên Washington Post ngày 4 tháng 9, 2011, và đặc biệt là bài “Getting Bin Laden” trên tạp chí The New Yorker ngày 8 tháng 8, 2011, của Nicholas Schmidle. Các tác giả bài The Hunt đã viết dựa trên các cuộc phỏng vấn trên 20 giới chức cao cấp về chính trị, quân sự và tình báo từ các chính quyền Clinton, Bush và Obama. Riêng bài báo của Schmidle đã được coi như một “coup” ngoạn mục trong làng báo, với nội dung rất phong phú, gồm những chi tiết chưa hề được tiết lộ trước đó.



Ngoài lời tuyên bố sẽ bắt bin Laden đền tội trước công lý dù sống hay chết, ông Bush còn đe dọa những ai giúp đỡ hay chứa chấp thủ phạm cũng sẽ bị trừng phạt. Chế độ Taliban của Afghanistan đã chứa chấp bin Laden, không chịu nộp trùm khủng bố này theo lời yêu cầu của Washington, nên Hoa Kỳ và đồng minh đã đổ bộ Afghanistan từ ngày 7 tháng 10, 2001.

Cùng ngày 17 tháng 9, 2001, ngoài lời tuyên bố Osama bin Laden là thủ phạm chính, Tổng thống George Bush còn chỉ thị cho CIA được quyền bắt hay giết các nghi phạm khủng bố. Cuộc đột kích hạ sát bin Laden đêm 1 tháng 5, 2011, trên căn bản pháp lý, dựa vào chỉ thị còn hiệu lực này.

Dư luận đã từng được nghe nhiều về những hành tung bí mật của CIA, và khả năng phi thường của “Người Nhái” (SEAL = Sea, Air and Land), nhưng trong mười năm qua, một cơ quan cực kỳ bí mật của Mỹ chuyên về chống khủng bố, bao trùm cả CIA và SEAL, là Bộ Chỉ huy hỗn hợp các chiến dịch đặc biệt (JSOC = Joint Special Operations Command). Chính cơ quan này đã phụ trách việc săn bin Laden. JSOC được mô tả như môt thế lực đen, ra lệnh hành động, nhưng không thể nhìn thấy. Được thành lập vào năm 1980, khởi đầu chỉ gồm một toán nhỏ, và chuyến ra quân đầu tiên để cứu các con tin Hoa Kỳ tại Đại Sứ Quán Mỹ ở Tehran đã gặp thất bại nặng nề, vì hai trực thăng đụng nhau, chẳng cứu được ai, còn thiệt mạng tám người trong nhóm đi cứu. Nhưng trong mười năm qua, nhân số của tổ chức này đã tăng gấp mười lần, với địa bàn hoạt động và quyền hành rộng rãi, cũng như cực kỳ bí mật. Khi các thành viên của nhóm ưu tú này hạ sát bin Laden ở Pakistan vào tháng Năm vừa qua, cấp chỉ huy JSOC đã ăn mừng, không phải chỉ do sứ mạng thành công, mà còn vì rất ít người biết có tổ chức này, đặt bản doanh tại Fayetteville, NC.

Tiền mặt là vũ khí

Mỹ bắt đầu cuộc chiến Afghanistan chỉ bốn tuần sau 11 tháng 9, với rất nhiều khó khăn, vì quá xa lạ, và thiếu người thông hiểu ngôn ngữ cũng như lịch sử và phong tục tập quán Afghanistan. Nhất là tại một nơi vẫn còn trong tình trạng bộ lạc. Công tác đầu tiên là phải tìm ra những ai là tù trưởng có thế lực, gặp họ, và khi gặp, phải mang theo quà. Thông điệp đưa ra: “Chúng tôi là bạn của quý vị, là bạn của mọi người. Những ai tốt với chúng tôi, thì được nhận đô la Mỹ”.

Berntsen của CIA chỉ huy một nhóm với nhiệm vụ săn bin Laden, làm việc tại một nhà khách ở Kabul, chứa hàng triệu đô la tiền mặt, để trong những hộc bằng plastic, sẵn sàng chi bạc ngàn cho những ai đưa tin về nơi trú ẩn của bin Laden. Berntsen nói, có khi nhận được tám báo cáo cùng một lúc, cho biết bin Laden đang ở làng này, hay làng kia. Thật ra, chẳng ai biết rõ bin Laden đang ở đâu.

Sau này, theo tin mật do WikiLeaks tiết lộ, căn cứ vào lời khai của những nghi can khủng bố bị bắt, ngay sau ngày 11 tháng 9, bin Laden và nhân vật thứ nhì của Al Qaeda là Ayman al-Zawahiri vẫn đi lại bằng xe khắp Afghanistan, hành động như một nguyên thủ quốc gia lưu vong, tiếp các bộ hạ tại Afghanistan, cũng như từ ngoại quốc.

Đầu tháng 10, 2001, vào lúc Mỹ bắt đầu tấn công Afghanistan, bin Laden được một vị trưởng lão Afghanistan là Yunis Khalis mời về nương náu tại Jalalabad, gần vùng hầm hố hiểm trở Tora Bora. Khalis 82 tuổi, là một trong những nhà lãnh đạo quan trọng của Afghanistan, ông đã từng nhận được hàng chục triệu đô la võ khí do CIA cung cấp để chống Nga. Chính Khalis đã giới thiệu bin Laden với thủ lãnh Taliban là Mohammad Omar. Nhưng khi Mỹ bắt đầu tấn công Afghanistan, Khalis kêu gọi chống Mỹ.

Tới ngụ tại Jalalabad vào tháng 11, 2001, bin Laden cũng vung tiền ra cho các bộ tộc địa phương. Vô hình chung, CIA và bin Laden đã đánh nhau bằng tiền. Nhưng ngoài tiền, Mỹ còn có bom. Khi những cuộc ném bom gia tăng, bin Laden tới ẩn náu tại vùng núi hiểm trở Tora Bora. Tại đây, người của Berntsen đã kiếm ra dấu vết của bin Laden. Vào tháng 12, 2001, Mỹ sử dụng cả pháo đài bay B-52, và chiến đấu cơ F-15, mở cuộc tấn công liên tục kéo dài gần 60 giờ; ngoài ra, một trái bom khổng lồ (BLU-82), được thả xuống từ một phi cơ vận tải C-130, tàn phá một vùng rộng bằng năm sân túc cầu, giết nhiều chiến binh Qaeda, và Berntsen nghĩ rằng trong số có cả bin Laden. Nhưng sáu ngày sau, người của Berntsen nghe được tiếng bin Laden ra lệnh cho thuộc hạ của mình, qua máy radio trên người một tử sĩ Al Qaeda. Bin Laden đã chạy thoát vào sâu trong núi.

Việc hệ trọng không nên nhờ người ngoài

Trở về Kabul, Gary Berntsen đề nghị: muốn bắt bin Laden, oanh tạc bằng máy bay chưa đủ, mà cần phải có 800 biệt động quân mở cuộc lùng bắt, mới có thể thành công. Yêu cầu tấn công bằng bộ binh không được đáp ứng, vì khi đó, đã có dự tính dùng quân cho mặt trận Iraq.

Vẫn cố bám sát bin Laden, CIA đã tuyển được một người Afghanistan vào sâu trong núi, đem cho bin Laden và thuộc hạ thực phẩm và nước uống. Người này đã nhìn thấy bố con bin Laden, và trong cơn túng quẫn, bin Laden cũng không chê đồ ăn, nước uống.

Không đủ quân để tảo thanh vùng hiểm trở Tora Bora, một toán đặc nhiệm tinh nhuệ chọn lọc gồm 30 người thuộc lực lượng Delta, được trao nhiệm vụ đột kích nơi nghi là sào huyệt của bin Laden từ Pakistan, là phía sau ít được phòng thủ. Toán đặc nhệm phải mang theo bình dưỡng khí, vì phải vượt qua mỏm núi cao tới 14 ngàn bộ. Theo dự trù, cuộc đột kích này có sự phối hợp với quân của cả Pakistan và Afghanistan.

Theo lệnh trên, toán đặc nhiệm Delta ngừng tại phía biên giới thuộc Afghanistan để cho quân Afghanistan tiêu diệt bin Laden, trong khi quân Pakistan trấn giữ kín biên giới của mình. Nhưng theo vị thiếu tá chỉ huy toán đặc nhiệm (nay đã về hưu, viết sách với bút hiệu Dalton Fury), quân Afghanistan thiếu tinh nhuệ và sự hăng say chiến đấu, trong khi phía quân Pakistan đã lỗi hẹn, không có mặt. Ngày 10 tháng 12, 2001, được tin báo chỗ ở của bin Laden ở vùng Tora Bora, toán đặc nhiệm mở cuộc tấn công chớp nhoáng, nhưng khi thấy bị các đồng minh Afghanistan bỏ rơi đàng sau lằn ranh của địch quân, toán này phải ngừng tiến quân, bỏ ra hai giờ để cứu đồng đội. Cuộc tấn công bị hủy bỏ. Mùa Hè năm sau, người của Fury trở lại Tora Bora với một toán giảo nghiệm, đào 80 ngôi mộ chiến binh al-Qaeda, nhưng không tìm thấy ai mang dấu tích của bin Laden.

Toán săn bin Laden tiếp tục công tác. Tháng 12 ngăm 2002, họ mở một cuộc tấn công ban đêm vào Tora Bora, bắt được một người chăm sóc sức khỏe cho bin Laden. Người này nói bin Laden đã đi khỏi nơi này từ lâu. Kể từ đó, coi như bặt tin, trừ khi thỉnh thoảng bin Laden lại xuất hiện qua các đoạn băng video để tuyên truyền.

Theo các giới chức hàng đầu về tình báo, qua kinh nghiệm săn hụt bin Laden, Hoa Kỳ đã học được một bài học, là không nên nhờ người ngoài làm hộ chuyện quan trọng như giết bin Laden.

Mấy tháng sau Tora Bora, trong khuôn khổ chuẩn bị chiến tranh Iraq, chính quyền Bush rút bớt lực lượng đặc nhiệm và CIA từng được dùng để săn bin Laden ở Afghanistan. Ngay cả những máy bay không người lái (drones) vốn dùng để theo dõi những người qua lại ở vùng núi non hiểm trở tại Afghanistan cũng được dùng để chuẩn bị mặt trận Iraq. Trung tướng John Vines từng nói với Washington Post vào năm 2006 rằng: có lần, quân của ông chỉ còn cách nửa giờ là đuổi kịp bin Laden, ông xin máy bay không người lái theo dõi ba đường tẩu thoát. Nhưng chỉ có một máy bay sẵn sàng, những chiếc khác đã được gửi tới Iraq. Mục tiêu chạy thoát.