Tinh thần nhân viên

Đa số công sở rất dơ dáy, lộn xộn, nhân viên nấu ăn ngay trong phòng giấy. Vào nhiều công sở ta có cảm tưởng vào những nhà việc ở thôn quê Nam Việt nửa thế kỉ trước: có 3-4 bàn giấy nhưng chỉ có hai nhân viên ngồi nói chuyện phiếm bên một bình trà, mấy cái chén, chỉ khác là có thêm một bình điếu thuốc lào. Nhân viên tới giờ nào thì tới.

Đói thì không làm việc được, công việc bê trễ, người ta chán nản, xin thôi… Xin thôi không được thì người ta cứ ngang nhiên bỏ sở; hoặc ở lại thì làm tà tà, lấy lệ… Có kẻ ỳ ra không làm gì cả.

Hình như người ta không có một kế hoạch, chương trình gì cả, ra lệnh rồi phản lệnh liền liền mà tới giờ chót mới thông báo cho nhân viên hay; máy móc mua về đủ rồi mà vì lẽ này lẽ khác, không dùng tới, để cho nó sét. Rồi còn cái tệ dưới không tuân lệnh trên, một phần do tinh thần bè phái, một phần do chính sách địa phương tự trị… Đó là cái nạn cán nặng hơn gáo.

Tôi không kể những cái bê bối trong công sở: đánh mất hồ sơ, thụt két, ăn cắp của công, kho vật liệu không có sổ sách, cứ ít tháng lại thấy mất đồ mà không tìm ra được thủ phạm, v.v…, vì nếu kể thì dài quá.

Tỉnh huyện lập ra nhiều cơ quan quá thì phải xây cất thêm nhiều, tịch thu nhà cửa đất đai của dân. Theo hiến pháp, tư sản được tôn trọng. Chỉ bọn tư bản bóc lột, một số nguỵ quân nguỵ quyền có tội nặng và những người vượt biên “chui” (lén) mới bị tịch thu nhà cửa. Nhưng một số cán bộ nhỏ muốn dâng công hoặc vì tư thù, tư lợi, tịch thu bừa bãi nhà cửa, đồ đạc của dân… Còn các gia đình có mặc cảm tội lỗi thì đành chịu ức hiếp: đương đêm quân đội tới bắt dọn đồ đạc ra đường để chúng chiếm nhà. Tệ đó gây bao phẫn uất trong dân chúng, các ông lớn ở trung ương có biết cho không?


Cán bộ cao cấp và trung cấp còn biết những sở đoản của chế độ, lẽ nào các nhà lãnh đạo và đảng không biết. Tôi cho rằng người ta biết đấy, nhưng đó là bệnh cố hữu (inhérent) của chế độ, không thể chữa được, trừ phi có một cuộc thay đổi lớn lao mà không ai dám nghĩ tới