Tên đăng nhập:
Bạn đã có tài khoản chưa?
Quên mật khẩu?
  • Đăng nhập / Ghi danh

    Trang 2/3 đầuđầu 123 cuốicuối
    kết quả từ 11 tới 20 trên 26

    Ðề tài: Danh nhân

      1. #11
        Tham gia ngày
        Feb 2012
        Bài gửi
        140
        Cảm ơn
        28
        Được cảm ơn: 57 lần
        trong 44 bài viết

        Default

        Tinh thần nhân viên

        Đa số công sở rất dơ dáy, lộn xộn, nhân viên nấu ăn ngay trong phòng giấy. Vào nhiều công sở ta có cảm tưởng vào những nhà việc ở thôn quê Nam Việt nửa thế kỉ trước: có 3-4 bàn giấy nhưng chỉ có hai nhân viên ngồi nói chuyện phiếm bên một bình trà, mấy cái chén, chỉ khác là có thêm một bình điếu thuốc lào. Nhân viên tới giờ nào thì tới.

        Đói thì không làm việc được, công việc bê trễ, người ta chán nản, xin thôi… Xin thôi không được thì người ta cứ ngang nhiên bỏ sở; hoặc ở lại thì làm tà tà, lấy lệ… Có kẻ ỳ ra không làm gì cả.

        Hình như người ta không có một kế hoạch, chương trình gì cả, ra lệnh rồi phản lệnh liền liền mà tới giờ chót mới thông báo cho nhân viên hay; máy móc mua về đủ rồi mà vì lẽ này lẽ khác, không dùng tới, để cho nó sét. Rồi còn cái tệ dưới không tuân lệnh trên, một phần do tinh thần bè phái, một phần do chính sách địa phương tự trị… Đó là cái nạn cán nặng hơn gáo.

        Tôi không kể những cái bê bối trong công sở: đánh mất hồ sơ, thụt két, ăn cắp của công, kho vật liệu không có sổ sách, cứ ít tháng lại thấy mất đồ mà không tìm ra được thủ phạm, v.v…, vì nếu kể thì dài quá.

        Tỉnh huyện lập ra nhiều cơ quan quá thì phải xây cất thêm nhiều, tịch thu nhà cửa đất đai của dân. Theo hiến pháp, tư sản được tôn trọng. Chỉ bọn tư bản bóc lột, một số nguỵ quân nguỵ quyền có tội nặng và những người vượt biên “chui” (lén) mới bị tịch thu nhà cửa. Nhưng một số cán bộ nhỏ muốn dâng công hoặc vì tư thù, tư lợi, tịch thu bừa bãi nhà cửa, đồ đạc của dân… Còn các gia đình có mặc cảm tội lỗi thì đành chịu ức hiếp: đương đêm quân đội tới bắt dọn đồ đạc ra đường để chúng chiếm nhà. Tệ đó gây bao phẫn uất trong dân chúng, các ông lớn ở trung ương có biết cho không?


        Cán bộ cao cấp và trung cấp còn biết những sở đoản của chế độ, lẽ nào các nhà lãnh đạo và đảng không biết. Tôi cho rằng người ta biết đấy, nhưng đó là bệnh cố hữu (inhérent) của chế độ, không thể chữa được, trừ phi có một cuộc thay đổi lớn lao mà không ai dám nghĩ tới

      2. #12
        Tham gia ngày
        Feb 2012
        Bài gửi
        140
        Cảm ơn
        28
        Được cảm ơn: 57 lần
        trong 44 bài viết

        Default

        Ngân hàng - Hưu bổng - Đổi tiền
        Công việc đầu tiên của chính quyền 30-4-75 là chiếm hết các ngân hàng, các sở ngân khố. Không còn ngân hàng của tư nhân mà cũng không còn sở ngân khố…

        Ai gửi tiền ở ngân hàng quốc gia mà mua công khố phiếu (tức quốc trái, được lời nhiều hơn là gửi ngân hàng tư: 30% mỗi năm, chứ không phải là 24%) thì chính phủ không trả cho đồng nào hết, vì đó là nợ của chính phủ Nguyễn Văn Thiệu, mà Thiệu đã lưu vong, ôm hết quí kim đi rồi. Nhiều người ở trong trường hợp đó.
        Nhà tôi buồn vì chính quyền không cho lãnh tiền hưu bổng (khoảng 30 đồng mới, 15.000 đồng cũ một tháng) mà không cho hay ngay, cứ làm thinh, bắt mỗi tháng lại sở hưu bổng hỏi han, chầu chực, như vậy hai năm, tới khi thấy người ta hạ cái bảng tên sở đi mới tuyệt vọng, không trông vào số tiền dưỡng lão đó nữa.

        Còn hoàn cảnh của những nạn nhân khác thì sao?

        Biết bao người ở trong trường hợp đó, nhiều người nghèo không trông cậy vào đâu được, phải tự tử. Có người đã mất hết số tiền và tư trang gởi ngân hàng, rồi lại mất luôn tiền hưu trí, hoá điên.
        Chính sách đổi tiền của chính phủ càng thất nhân tâm hơn nữa. Vụ đổi tiền thứ nhất xẩy ra tháng chín hay tháng mười 1975, và xẩy ra rất đột ngột. Sáng sớm hôm đó dân chúng mới hay rằng phải đổi tiền nội trong 24 giờ và mỗi người dân già trẻ lớn bé được đổi một số tiền là bao nhiêu đó tôi quên rồi, chỉ còn nhớ số tiền này như gia đình tôi chỉ đủ tiêu trong một tháng hay tháng rưỡi là cùng… rất nhiều người phẫn uất, tuyệt vọng; có người tự tử, có người đốt hằng thúng giấy bạc, hoặc từ trên lầu vãi giấy bạc xuống đường, không ai thèm lượm; ở Mỹ Tho, nhiều tiệm Trung Hoa thồn giấy bạc vào cà roòng, thả trôi sông.

        Ba năm sau, năm 1978 lại đổi tiền một lần nữa, mà lần này ở khắp nước. Cũng đột ngột, cũng hạn chế số tiền được đổi, nhưng có tổ chức hơn, đỡ khổ cho dân… Vụ đổi tiền năm 1978 làm Bắc Việt xôn xao cũng bằng ở trong Nam, và cũng có đủ các tệ như ở Nam… Lần này người ta biết tin trước vài ngày: ai có nhiều tiền (ở Bắc cũng như ở Nam) cũng tung tiền ra mua vàng, xe đạp, vải, tủ lạnh, chén đĩa, bất kì thứ gì với bất cứ giá nào… Có người không biết mua gì, năn nỉ hàng xóm để lại cho con gà, con vịt. Người nghèo có từ nải chuối trở đi cũng đem đi bán. Ở Bắc có kẻ nhiều tiền quá thồn cả vào một cái bao, chở trên xe đạp, đến một chỗ vắng, làm bộ đánh rớt xuống đường rồi phóng đi như bay. Hạn chế, kiểm soát rất gắt, vậy mà ở Hà Nội ngay tối đêm mới đổi tiền, công an lại xét một nhà thấy một số tiền gấp trăm số gia đình đó được phép đổi. Và chính phủ cũng phải làm ngơ.

        Sau một phần tư thế kỉ được giáo hoá mà như vậy thì chúng ta phải kết luận ra sao? Có chế độ nào thay đổi được bản tính con người trong một hai thế kỉ không? Bao giờ mới đào tạo được con người xã hội chủ nghĩa để họ xây dựng xã hội chủ nghĩa đây, như Hồ Chủ tịch nói?

      3. #13
        Tham gia ngày
        Feb 2012
        Bài gửi
        140
        Cảm ơn
        28
        Được cảm ơn: 57 lần
        trong 44 bài viết

        Default

        Nông nghiệp

        Về nông nghiệp, hai nước cộng sản đàn anh Nga và Trung Hoa đều thất bại. Sau 60 năm làm cách mạng, Nga vẫn thiếu lúa mì, phải mua của Mĩ, mà đất đai Nga Xô rất rộng chứ; Trung Hoa thì sau 30 năm, dân vẫn thiếu gạo, thiếu thịt.

        Ông thầy của chúng ta đã thất bại thì ta làm sao không thất bại được?... Hỏi thăm các bạn ở Bắc, ai cũng bảo hợp tác xã nông nghiệp ngoài đó, xét chung, thất bại, chỉ trừ một vài nơi ở Thái Bình… Trong nhiều hợp tác xã còn đất bỏ hoang, vì khó khai phá, không có lợi… Ở trong Nam mấy năm đầu dân phải đóng thuế nặng, lúa bị thu mua nhiều quá với giá rẻ mạt, phân bón, thuốc trừ sâu, xăng nhớt lại bị cán bộ ăn cắp bán chợ đen v.v… Do đó nông dân chán ngán, không ham sản xuất.

        Chúng ta đừng nên quá tự tín, tự hào, mà nên so sánh nước mình với các nước láng giềng cũng nông nghiệp như mình, đất rộng cũng như mình, tức Thái Lan, Miến Điện… Quá tin ở sự khai phá đất hoang lại càng không nên.

        Tóm lại tôi nghĩ rằng hoà bình trở lại, lo sản xuất lúa gạo để đủ nuôi dân đã là may, không mong gì làm giàu được. Năm 1975 tôi trình bày lại ý đó với một cán bộ cách mạng, họ cho tôi là bi quan, bảo: “Dân tộc mình thắng được Mĩ, hùng cường thứ nhì Đông Á, chỉ 5 năm nữa thì kinh tế mình sẽ thịnh, hai chục năm nữa sẽ đuổi kịp Nhật rồi vượt họ.”… Có những người dễ tin bánh vẽ quá. Họ thật sung sướng, tối chắc ngủ ngon.

        Một nguyên nhân thất bại nữa của chính sách nông nghiệp là thiếu kĩ thuật gia giỏi… từ ngày 30-4-75, các công tác thuỷ lợi hầu hết do các cán bộ nông thôn mới học hết cấp I (hết tiểu học) điều khiển. Các đồng chí ấy bất chấp kinh nghiệm của nông dân, đã dốt mà lại độc đoán… Cán bộ của mình không được học, không biết tính toán gì cả (một cán bộ tài chánh xã mà không biết chia 72 cho 24), mạnh làng nào làng ấy đào, chẳng hề xét hậu quả gì bất lợi cho làng bên hay không; và kết quả nhiều khi trái ngược với ý muốn… Người ta đào kinh rất nhiều, miền nào cũng khoe đào được mấy chục con kinh, mấy trăm cây số kinh trong một mùa nắng. Có tốn kém gì đâu. Chỉ cần bắt thanh niên làm xâu, làm càng nhiều càng được tiếng “vinh quang”. Tới nỗi có miền dân phải ta thán, đặt ra câu ca dao này:

        Mồ cha thằng Thiệu dời dinh,
        Để tao ở lại đào kinh suốt đời.

        Tập cho thanh niên lao động chân tay, góp sức vào việc kiến thiết quê hương là điều tốt, nhưng người ta phí sức dân quá. Dân do đó thấy tủi cho thân phận mình: trong thời chống Pháp, chống Mĩ, dân hi sinh cho anh em kháng chiến, bây giờ bị coi như nô lệ.

      4. #14
        Tham gia ngày
        Feb 2012
        Bài gửi
        140
        Cảm ơn
        28
        Được cảm ơn: 57 lần
        trong 44 bài viết

        Default

        Phân phối

        Xuất cảng chỉ còn than đá, xi măng, cao su – hơn hay kém trước tôi không biết - những hàng lặt vặt như bia, đồ hộp, tranh sơn mài, tôm… thì không đáng kể, mà mỗi năm một suy như đã nói ở trên. Nhập cảng cũng rất ít vì thiếu ngoại tệ, cho nên thứ gì cần lắm như xăng, nhớt, bột mì, máy móc mới bất đắc dĩ phải nhập khẩu; ngay đến dược phẩm cũng đành chịu thiếu thốn.
        Đánh tư bản

        Hồi 30-4-75, ai cũng biết tư bản sẽ bị đập, thương mãi bị dẹp. Cho nên khi chính quyền ra lệnh các nhà buôn, nhà kinh doanh có môn bài, cửa tiệm phải đăng kí (kê khai), còn những thứ hàng nào, mỗi thứ bao nhiêu, giá bao nhiêu… (các người cho thuê nhà cũng phải khai) thì những người thức thời làm bản kê khai rồi tặng chính phủ. Trái lại, một nhà xuất bản và nhà sách khác lớn hơn nhiều, tin rằng mình làm ăn đứng đắn, quen nhiều nhà văn cách mạng, sẽ được yên, nên chỉ tặng chính phủ một phần nhỏ tài sản thôi và rốt cuộc mất gần hết nhẵn mà lại phải đi cải tạo mấy năm…

        Chiến dịch kiểm kê đầu tiên để đập tư bản xẩy ra cuối năm 1976. Chính phủ đã chuẩn bị kĩ lưỡng, dùng rất nhiều sinh viên, thanh niên, nhốt họ trong trường hay trong cơ quan, không cho về nhà, không cho tiếp xúc với người ngoài, dạy cho họ trong một tuần (?) cách thức kiểm kê ra sao, phát giác những chỗ giấu đồ ra sao - nhất là vàng, kim cương - của bọn tư bản. Thành phố xôn xao dữ dội… Sau vụ đó, một số người bỗng hoá ra giàu. Hậu quả là tài sản của giới này chuyển qua giới khác một phần lớn, chính phủ được hưởng một phần nhỏ.

        Phân phối nhu yếu phẩm

        Năm 1975, trong nước còn nhiều sản phẩm nên mỗi tháng mỗi người dân ở thành phố được mua đủ gạo ăn, một hay nửa kí đường, một ít thịt cá, xà bông, dầu lửa…

        Năm 1979, sản phẩm trong nước cạn dần, chính phủ phân phối cho dân được rất ít: gạo, bo bo, mì sợi may ra còn được đủ, còn những thứ khác thì năm thì mười hoạ mới được một chút ít… nhưng hạng cán bộ cao cấp có tiêu chuẩn riêng, có “bìa”, thì được phân phối quá đầy đủ…

        Đó là chính sách chung của các nước trong phe chủ nghĩa xã hội… Việt Nam y hệt Nga và còn thua Trung Hoa một bực. Ở Trung Hoa, Mao chia giới cán bộ thành 30 cấp (thời Chiến quốc, Trung Hoa chỉ có 10 cấp thôi, theo sách tả truyện), mỗi cấp có tiêu chuẩn, đặc quyền riêng..

      5. #15
        Tham gia ngày
        Feb 2012
        Bài gửi
        140
        Cảm ơn
        28
        Được cảm ơn: 57 lần
        trong 44 bài viết

        Default

        Giáo dục – văn hoá

        Giáo dục

        Chính quyền rất coi trọng giáo dục, mở rất nhiều nhà trẻ, trường học từ mẫu giáo tới đại học. Giáo dục mới đầu hoàn toàn miễn phí, do đó có vẻ rất bình đẳng. Ở đại học, sinh viên nào cũng được trợ cấp mỗi tháng 18 đồng, tuy không đủ, nhưng cũng đỡ cho cha mẹ. Dĩ nhiên phải như vậy, nếu không thì không ai cho con học đại học được. Các đồng bào thiểu số cũng được dạy dỗ như người Kinh, đó cũng là điểm đáng khen nữa.

        … sách giáo khoa mà sai – và vẫn thường sai - chẳng hạn bảo Sài Gòn nằm trên bờ sông Cửu Long thì tất cả các giáo viên cũng phải dạy sai như vậy, không được phép sửa; rồi báo cáo lên ti, ti lên bộ. Chỉ có bộ mới có quyền sửa sai, và phải hai ba năm sau, in sách mới, người ta mới sửa. Tôi thấy kì cục quá, không tin nổi, năm sau hỏi một giáo sư đại học Hà Nội, ông xác nhận là đúng: cái gì Bộ Giáo dục in thì phải coi là pháp điển, phải tuân theo triệt để.

        Tôi hiểu chính sách của người ta rồi: luyện tinh thần kỉ luật, làm tiêu ma óc phán đoán, ý chí cá nhân; và tôi không trách một đứa cháu tôi ở Hà Nội, một cán bộ cao cấp, vào hạng trí thức, năm nay trên 60 tuổi, có tú tài Pháp hồi thế chiến thứ nhì mà không có một chút tinh thần phê phán nào hết, trên nói sao thì tin vậy, đúng như người Pháp nói; có thể “avaler touts sorts de couleuvres”.

        Muốn vô đại học thì sức học không quan trọng bằng lí lịch… Ra trường chắc chắn được bổ dụng… Thủ trưởng bắt làm gì cũng phải làm: cán sự điện tử mà làm lao công, dược sĩ mà giữ kho… Vì tất cả những lẽ trên, ở Nam thanh niên chán học, số học sinh lớp 12 kém xa năm 1974…

        Một điểm tấn bộ là chính quyền mở nhiều lớp bổ túc văn hoá cho công nhân viên, cán bộ… Có đủ các cấp I, II, III. Vài cán bộ y sĩ, dược sĩ bốn năm chục tuổi, thời kháng chiến không được học, nay học bổ túc từ lớp tư, lớp năm… Học xong mỗi khoá phải thi. Nhưng thi rất dễ. Nghe nói có thầy đọc câu trả lời cho thí sinh chép, vì bắt những cán bộ mấy chục tuổi đảng thi lại hoài thì cũng kì, mà lại bị cấp trên trách là không biết dạy. Tiện hơn hết là cho đậu bừa đi. Ai cũng biết đó chỉ là hình thức. Có dược sĩ trình độ mới tới lớp tư, học rút trong hai năm hết lớp 10, như vậy đủ rồi. Một nhân viên công an cấp cho tôi giấy phép đi đường một tháng mà đề từ 31-1 đến 31-2-1980.

      6. #16
        Tham gia ngày
        Feb 2012
        Bài gửi
        140
        Cảm ơn
        28
        Được cảm ơn: 57 lần
        trong 44 bài viết

        Default

        Văn hoá

        Một trong công việc đầu tiên của chính quyền là huỷ tất cả các ấn phẩm (sách, báo) của Bộ Văn hoá nguỵ, kể cả các bản dịch tác phẩm của Lê Quí Đôn, thơ Cao Bá Quát, Nguyễn Du; tự điển Pháp, Hoa, Anh cũng bị đốt.

        Năm 1975, Sở Thông tin Văn hoá TP Hồ Chí Minh đã bắt các nhà xuất bản hễ sách nào còn giữ trong kho thì phải nạp hai hay ba bản để kiểm duyệt… ra chỉ thị cho mỗi quận phái thanh niên đi xét sách phản động, đồi truỵ trong mỗi nhà để đem về đốt. Bọn thanh niên đó đa số không biết ngoại ngữ, sách Việt cũng ít đọc, mà bảo họ kiểm duyệt như vậy thì tất nhiên phải làm bậy. Họ vào mỗi nhà, thấy sách Pháp, Anh là lượm, bất kì loại gì; sách Việt thì cứ tiểu thuyết là thu hết, chẳng kể nội dung ra sao. Họ không thể vào hết từng nhà được, ghét nhà nào, hoặc công an chỉ nhà nào là vô nhà đó.

        Lần thứ nhì năm 1978 mới làm xôn xao dư luận. Cứ theo đúng chỉ thị “ba huỷ”, chỉ được giữ những sách khoa học tự nhiên, còn bao nhiêu phải huỷ hết, vì nếu không phải là loại phản động (một huỷ), thì cũng là đồi truỵ (hai huỷ), không phải phản động, đồi truỵ thì cũng là lạc hậu (ba huỷ), và mỗi nhà chỉ còn giữ được vài cuốn, nhiều lắm là vài mươi cuốn tự điển, toán, vật lí…

        … năm 1978, chính quyền Bắc chẳng những tán thành công việc huỷ sách đó mà còn cho là nó chưa được triệt để, ra lệnh huỷ hết các sách ở trong Nam, trừ những sách về khoa học tự nhiên, về kĩ thuật, các tự điển thôi; như vậy chẳng những tiểu thuyết, sử, địa lí, luật, kinh tế, mà cả những thơ văn của ông cha mình viết bằng chữ Hán, sau dịch ra tiếng Việt, cả những bộ Kiều, Chinh phụ ngâm… in ở trong Nam đều phải huỷ ráo.

        Một độc giả lập một danh sách các tác phẩm của tôi mà ông ta có trong nhà, đem lại Sở Thông tin hỏi thứ nào được phép giữ lại, nhân viên thông tin chẳng cần ngó tên sách, khoát tay bảo: Huỷ hết, huỷ hết.

        Sau ngày 30-4-75, tôi muốn tìm hiểu cách mạng Nga từ 1917 đến 1945, nhờ mấy bạn cách mạng tìm sách cho, họ bảo chính họ cũng không được đọc vì không thấy một cuốn nào cả. Sau tôi mới biết rằng loại đó ngay ở Nga cũng không ai được phép viết. Như vậy kiến thức hạng trí thức ngoài đó ra sao, ta có thể đoán được…

        Một cán bộ khác cho tôi hay ở Hà Nội người nào có được 50 cuốn sách là nhiều rồi. Anh ta mới thấy ba trong số 9 tủ sách của tôi đã bảo nhà tôi nhiều sách như một thư viện. Nhà bác học Sakharov trong một bài báo tôi đã dẫn, bảo ở Nga không có đời sống tinh thần (vie intellectuelle). Chúng ta có thể tin lời đó được.

        Và đây là trí thức của tầng lớp cán bộ văn hoá chỉ huy:

        Một nhà văn hợp tác với Viện Khoa học Xã hội lại nhờ tôi giới thiệu cho mươi nhà văn, học giả giỏi tiếng Anh và tiếng Việt để dịch cho viện bộ Bách khoa tự điển Anh gồm 25 cuốn, mà phải dịch gấp vì đó là chỉ thị của một ông “bự”. Tôi bảo có 50 nhà dịch cũng không làm nổi vì phải tạo hằng ức danh từ mới (riêng ngành Informatique trong 30 năm nay đã có một vạn thuật ngữ rồi); mà ví dụ có dịch nổi thì cũng phải mất ít nhất mười năm mới xong; xong rồi lại phải dịch lại hoặc bổ túc rất nhiều vì lỗi thời mất rồi: ở Anh, mỗi năm người ta sửa chữa, bổ túc, in lại một lần; rồi lại phải bỏ cả chục năm nữa, không biết có in xong được không. Xong rồi, bán cho ai, ai đủ tiền mua? Cán bộ văn hoá vào hàng chỉ huy mà dốt tới mức đó!

        Trị dân mà không biết một chút gì về tình cảnh của dân cả. Họ có vận dụng trí óc của họ không?

        Còn hạng nông dân ngoài Bắc thì khờ khạo, ngớ ngẩn so với nông dân trong này không khác gì một người ở rừng núi với một người ở tỉnh. Mấy anh bộ đội bị nhồi sọ, trước 1975 cứ tin rằng miền Nam này nghèo đói không có bát ăn, sau 30-4-75, vô Sài Gòn, loá mắt lên, mới thấy thượng cấp các anh nói láo hết hoặc cũng chẳng biết gì hơn các anh.

        Tóm lại, chính sách là chỉ cho dân được nói theo một chiều, trông thấy một hướng; nên chỉ một số rất ít giữ được tinh thần phê phán, nhưng chẳng thi thố được gì, sống nghèo khổ, bất mãn.

      7. #17
        Tham gia ngày
        Feb 2012
        Bài gửi
        140
        Cảm ơn
        28
        Được cảm ơn: 57 lần
        trong 44 bài viết

        Default

        Y tế

        Dân trong ấp, xã bị bệnh thì lại họ (nhân viên y tế nông thôn) trước, họ không trị được thì đưa ngay lên quận; quận có bác sĩ đa khoa, trị không được thì đưa ra tỉnh; tỉnh có bác sĩ chuyên khoa, đủ dụng cụ, đủ thuốc… Lần lần nhân viên y tế nông thôn vừa làm việc vừa học thêm, có thể lãnh trách nhiệm quan trọng hơn, đưa lên giúp việc ở quận. Chính sách đó rất họp lí và chính quyền mình cũng đã áp dụng nó. Đó là một điểm tấn bộ.

        Trình độ nhân viên y tế:

        Nhưng vì chiến tranh, nhân viên y tế các cấp của mình da số ít được học, nên chúng ta thấy những y sĩ (y sĩ Bắc có quyền ra toa, nhưng kém bác sĩ một bực), học chỉ tới lớp năm (hết cấp I), chỉ biết dăm chục tên thuốc, không biết đo huyết áp, không biết thế nào là đau mắt hột… chỉ đáng làm một nhân viên y tế nông thôn thôi. Còn bác sĩ được đào tạo ở Bắc thì xét chung, sự hiểu biết cũng kém xa bác sĩ đào tạo ở Nam… Nhân viên y tế nông thôn cũng thiếu, tinh thần trách nhiệm rất thấp: một huyện nọ người ta tiêm thuốc ngừa dịch tả cho ba người lớn và chín trẻ em thì tám trẻ chết.
        Tệ nhất là nạn thiếu thuốc, thiếu cả thuốc đỏ, thuốc tím, do đó sinh ra nạn ăn cắp thuốc, ra toa cho người không có bệnh để họ bán thuốc chợ đen.

        Cũng may mà có hằng trăm ngàn kiều bào ở ngoại quốc gửi thuốc về giúp thân nhân, nếu không sức khoẻ của dân sa sút không biết tới đâu.

        Tệ nhất là nạn thiếu vệ sinh… từ cơ quan tới đường sá, tư gia, đâu đâu cũng dơ dáy… Nhiều cơ quan nuôi gà, heo ngay trong phòng của họ, và từ trên lầu thượng họ trút nươc dơ xuống đường. Phòng bệnh nhân trong các bệnh viện hôi hám không chịu nổi; phải bịt mũi khi đi tới gần cầu tiêu… người ta phóng uế đầy đường.

        Gần cuối kế hoạch năm năm đầu tiên (1976-1980), người ta làm một “chiến dịch” vệ sinh để “dứt điểm” và người ta lựa ngay khu sạch sẽ nhất trong thị xã làm “thí điểm”, phái một nhóm người đi xịt thuốc DDT cho từng nhà; thuốc đã pha loãng nhiều rồi mà lại chỉ xịt vài phòng tối, vài bụi cây thôi. Không cần xem xét chỗ chứa rác, cầu tiêu. Thế là xong chiến dịch, có thể báo cáo lên trung ương là đã dứt điểm.

        Chính sách, đường lối tuy đúng mà thiếu người, thiếu phương tiện, thiếu tinh thần thì cũng hoá dở.

      8. #18
        Tham gia ngày
        Feb 2012
        Bài gửi
        140
        Cảm ơn
        28
        Được cảm ơn: 57 lần
        trong 44 bài viết

        Default

        Tư pháp

        Từ năm 1975, trường luật bị bãi bỏ. Sinh viên luật có thể xin chuyển qua ngành kinh tế, ra làm các ngân hàng. Nhưng đa số bỏ học, làm phu khuân vác, đạp xích lô… Đó là chuyện 1975. Nay thì thanh niên trí thức làm đủ các việc lao động rồi, bổ củi mướn, chở cát, vác gạo…, không ai ngạc nhiên, mà cũng không ai thương hại cho họ nữa, họ dễ dàng kiếm được vài ba chục đồng một ngày mà lại tự do, chứ không làm thư kí ngân hàng 40 đồng một tháng thì sống sao nổi. Vả lại lao động là vinh quang mà. Nữ sinh viên thì bán thuốc lá rời hoặc quần áo cũ ở lề đường.

        Trong Nam trước năm 1975 chưa có bộ luật mới, tạm dùng bộ luật cũ. Còn ở Bắc bỏ luật cũ mà không có luật mới (nghe nói năm 1981 người ta mới tính thảo bộ luật mới), không có trường luật thì tôi không hiểu người ta dạy xử án ra sao.

        Năm 1975 có lần tổ chúng tôi họp để xử một người trong tổ mắc một tội nào đó tôi không nhớ. Ông tổ trưởng đề nghị hai cách trừng trị… Cách nào được nhiều người đồng ý thì theo cách đó… Khi phường có toà án nhân dân rồi (năm 1978?) thì để toà xử. Một “ông toà” là học trò cũ của một bạn tôi. Tôi hỏi cậu ta: “Cháu xử theo luật nào?” Cậu ta cười, đáp: Cháu đặt ra luật để xử - Thực vậy sao? - Dạ, bây giờ ai đặt luật cũng được. Vì có bộ luật nào đâu?

        Tuy nhiên:

        Cũng có luật sư do chính quyền chỉ định để bênh vực cho bị cáo… Chính phủ bênh vực giai cấp vô sản; hạng bần dân dù bị tội nặng cũng xử nhẹ - trừ tội phản động dĩ nhiên.

        Và:

        Hiến pháp vẫn trọng quyền tư hữu nhỏ, nhưng đảng còn trọng lập trường giai cấp hơn. Giai cấp được trọng nhất là giai cấp đảng viên, như giai cấp quí tộc đời Chu ba ngàn năm trước… Giai cấp yên thân nhất là giai cấp vô gia cư, vô nghề nghiệp.

      9. #19
        Tham gia ngày
        Feb 2012
        Bài gửi
        140
        Cảm ơn
        28
        Được cảm ơn: 57 lần
        trong 44 bài viết

        Default

        Xã hội sa đoạ

        Ở tỉnh nào cũng có một số cán bộ tham nhũng, cấu kết với nhau thành một tổ chức ăn đút ăn lót một cách trắng trợn, không cần phải lén lút. Có giá biểu đàng hoàng…

        Nếu một cán bộ nào bị dân tố cáo nhiều quá thì người ta cũng điều tra, đưa cán bộ đó tới một cơ quan khác (có khi còn dễ kiếm ăn hơn cơ quan cũ), đem người khác (cũng tham nhũng nữa) lại thay. Ít tháng sau dân chúng nguôi ngoai rồi, người ta lại đưa kẻ có tội về chỗ cũ. Người ta bên vực nhau (cũng là đảng viên cả mà) vì ăn chịu với nhau rồi. Dân thấy vậy, chán, không phí sức tố cáo nữa. Có người còn bảo: “Chống chúng làm gì? Nên khuyến khích chúng sa đoạ thêm chứ để chúng mau sụp đổ…”

        Lớn ăn cắp lớn, nhỏ ăn cắp nhỏ. Ăn cắp nhỏ thì chỉ bị đuổi chớ không bị tội, vì “họ nghèo nên phải ăn cắp”, mà nhốt khám họ thì chỉ tốn gạo nuôi… Ăn cắp lớn, không thể ỉm được thì phải điều tra, bắt giam ít lâu, rồi nhân một lễ lớn nào đó, ân xá; không xin ân xá cho họ được thì đồng đảng tổ chức cho vượt ngục rồi cùng với gia đình vượt biên yên ổn.

        Và vô số những tệ nạn khác:

        Nạn “phe phẩy” (buôn lậu, làm chợ đen) còn bành trướng hơn nữa… Người ta nói đã có những vụ buôn lậu thuốc phiện; nếu cò thì cũng nhỏ thôi, kém xa thời Mĩ, Thiệu. Nhưng đồ lậu như vải, thuốc thơm, thuốc tây… thì khoảng một năm nay lan tràn thị trường…

        Có đồ lậu thì luôn luôn có đồ giả… nhiều nhất là dược phẩm Tây phương, vì thứ này vừa hiếm vừa đắt… Chỉ khổ dân quê…

        Nạn cờ bạc không công khai như trước, nhưng nạn “xổ số đuôi” thì công khai rồi…

        Nạn cho vay nặng lãi cũng kinh khủng… Bạn hàng ở chợ không chơi hụi tháng như xưa nữa, mà chơi hụi tuần, hụi ngày!

        Nạn đĩ điếm đã hết đâu. Ngay cuối năm 1975, một cán bộ cách mạng đã bảo các bạn kháng chiến ở bưng về mắc bệnh hoa liễu hết rồi; một số cán bộ rất nghiêm trang đạo mạo – có kẻ ngoài 70 tuổi - từ Hà Nội vào, năn nỉ các bạn trong Nam chỉ chỗ cho họ hưởng thú mê li một lần cho biết mùi… Họ rất thích sách khiêu dâm…

      10. #20
        Tham gia ngày
        Feb 2012
        Bài gửi
        140
        Cảm ơn
        28
        Được cảm ơn: 57 lần
        trong 44 bài viết

        Default

        Con người mất nhân phẩm

        Trong một xã hội như vậy, con người dễ mất hết nhân phẩm, hoá ra đê tiện, tham lam, bất lương, nói láo, không còn tình người gì cả.

        Năm 1975 đa số các cán bộ, công nhân viên ở Bắc vào thăm gia đình, họ hàng ở trong Nam, còn giữ chút thể diện “cách mạng”, bà con trong này tặng họ gì thì họ nhận, chứ không đòi; về sau họ không giữ kẽ nữa, tặng họ một thì họ xin hai, không tặng họ cũng đòi, khiến một ông bạn tôi bực mình, nhất định đóng cửa không tiếp một người bà con, bạn bè nào ở Bắc vào nữa…

        Đa số cán bộ ở Nam đã tư bản hoá rồi, một xã hội chủ nghĩa xã hội mà như vậy thì chủ nghĩa đó chỉ còn cái tên thôi.

        Một nhà văn đất Bắc làm cho một tờ báo nọ nhờ một nhà văn trong Nam viết bài, hứa sẽ trả bao nhiêu đó. Viết rồi, đưa họ, họ đăng, nhưng kí tên của họ rồi đưa cho nhà văn trong Nam nửa số tiền nhuận bút thôi, còn họ giữ lại một nửa. Vừa ăn cắp văn, vừa ăn chặn tiền. Chưa bao giờ miền Nam có bọn cầm bút bẩn thỉu như vậy. Một bạn học giả của tôi ở Bắc khuyên tôi đừng giao bản thảo của tôi cho ai hết, không tin ai được cả, họ sẽ đạo văn.

        Cái mất tình người:

        Sống dưới chế độ cộng sản, con người hoá ra có hai mặt như Sakharov đã nói: chỉ giữa người thân mới để lộ mặt thật, còn thì phải đeo mặt nạ; luôn luôn phải đề phòng bạn bè, láng giềng, có khi cả người trong nhà nữa. Người ta tính cứ 5 người thì có 1 người kiểm soát từng ngôn ngữ, hành vi của 4 người kia… Ở Nga thời Staline như vậy, ở Bắc những năm 1954-1960 cũng gần như vậy; ở Nam đỡ hơn vì đa số người trong này không chịu làm thứ mật thám chìm đó…

        Nạn làm tiền, tống tiền lan tràn khắp các ngành, cả trong ngành cứu nhân độ thế và ngành tống táng.

        Tất cả chỉ tại cái lệ chính phủ định giá, định lương rẻ quá không cho dân đủ sống, dân phải xoay xở lấy, bóc lột lẫn nhau. Cổ kim chưa một xã hội nào phi lí như vậy. Vì biết mình phi lí nên có nơi chính quyền làm ngơ cho bác sĩ làm ăn, cho phép các giáo viên nguỵ dạy thêm tại nhà.

        Nói cho ngay, thời nào trong xã hội cũng có một số người lương thiện. Và ông Phạm Văn Đồng đã nhận rằng thời này hạng đó thiệt thòi nhất. Tôi được biết một hai cán bộ trung cấp liêm khiết, chịu nghèo, nuôi heo thêm, chứ không tham nhũng. Gia đình họ phải ăn rau muống; quần áo thì vá đụp; có thể nói họ nghèo như các nông dân nghèo nhất thời xưa.

        Tóm lại sau 5 năm chúng ta không thấy chút tiến bộ nào cả mà chỉ thấy sự chia rẽ trong xã hội, sự tan rã trong gia đình, sự sa đoạ của con người, sự suy sụp của kinh tế

      Trang 2/3 đầuđầu 123 cuốicuối

      Đề tài tương tự

      1. Hỏi về công danh
        By khoi.nla2802 in forum Phòng Thảo Luận Dịch Lý
        Trả lời: 12
        Bài mới: 02-08-13, 09:07
      2. Nhà tài chính + danh cầm ghi ta = thầy địa lý
        By tieuphong in forum Xã Hội - Con Người
        Trả lời: 0
        Bài mới: 26-02-13, 16:32
      3. Cựu Lý số Đại Danh gia
        By hoa mai in forum Thư Giãn - Giao Lưu
        Trả lời: 2
        Bài mới: 17-04-11, 10:51
      4. Một kẻ vô danh tiểu tốt
        By nguoikhonghoc in forum Dịch Số
        Trả lời: 9
        Bài mới: 21-09-10, 14:32

      Tags for this Thread

      Quuyền Hạn Của Bạn

      • Bạn không thể gửi đề tài mới
      • Bạn không thể gửi trả lời
      • Bạn không thể gửi đính kèm
      • Bạn không thể sửa bài viết của mình
      •