Như vậy, ta có thể nói rằng người đã đạt đến trạng thái Huyền Đồng, nghĩa là người đã diệt được Bản Ngã, đã đồng hóa với Đạo rồi, thì sẽ giải quyết ngay được các mâu thuẫn to tát nơi tâm hồn, không còn thấy sự đèo bòng tham muốn cái bên ngoài, những dục vọng chiếm đoạt làm của riêng, đề cao mình để phủ nhận kẻ khác, không còn tự ti cũng chẳng tự tôn, đó là người đã nhờ phép Huyền Đồng mà được cái đức Huyền của Đạo (玄德). Nên mới nói: “Đạo sanh chi, Đức súc chi. Trưởng chi dục chi, đình chi độc chi, dưỡng chi phúc chi. Sanh chi bất hữu, vi nhi bất thị, trưởng nhi bất tể, thị vị Huyền đức” (Đạo sanh đó, Đức nuôi đó, cấp dưỡng đó, nuôi nấng đó, đùm bọc đó. Bồi sức đó, dưỡng nuôi đó, chở che đó. Sanh mà không chiếm làm của mình, làm mà không cậy công, làm bậc trên mà không làm chủ, gọi là Huyền Đức). Đạo và Đức có công sanh và thành vạn vật, nhưng không vì sanh mà chiếm làm của riêng của mình, không vì gia ân mà cậy công và khoe khoang, không vì là kẻ bề trên mà áp bức kẻ dưới phải nghe theo mình, ra mặt là người trên trước. Cho nên người được cái đức Huyền của Đạo thì hành động có khác với người đời: “họ sanh mà không chiếm làm của riêng, họ làm mà không cậy công, họ là bậc trên mà không ra mặt là người chủ tể... Họ là người vô kỷ, vô công và vô danh”.

Người chưa đi đến cái đức Huyền của Đạo (Huyền Đức) không làm như vậy: họ làm và kể công, chứ không làm để mà làm một cách không tư tâm, không vị kỷ. Hễ họ có công sanh, công dưỡng thì họ lại cố chiếm lấy làm của riêng, sai sử theo ý muốn, lợi dụng đủ mọi phương diện. Nếu họ là bậc trị nước, thì họ thích lên mặt là người trên, ép buộc người dưới phải phục tùng quỳ lụy... kẻ nào không nghe lời họ là kẻ bội nghịch đối với họ.
*
* *
Tóm lại, Huyền Đồng là phương tiện mà Huyền Đức là cứu cánh. Huyền Đức là để xử Kỷ, mà Huyền Đồng là để tiếp vật. Hai chữ Huyền Đồng đây có thể gọi là cứu cánh tuyệt đối của học thuyết Lão Tử. Hễ thực hiện được nó nơi lòng mình rồi một cách tự nhiên và vĩnh viễn, đó là người Đắc Đạo (得道) vậy. Và cũng chính vì không nhận thấy rõ chỗ cứu cánh này mà người ta mới gán cho cái học của Lão Tử (cũng như của Trang Tử) là cái học yếm thế hay xuất thế. Trong khi vấn đề Nhĩ Ngã, Ta và Đời, đối với Lão Trang, không còn là hai, mà là Một (物我為一)100. Đó là một lầm lạc to tát, do sự so sánh thiển cận với những học thuyết xã hội của Nho, Mặc.
*
* *
Đối với thuyết Huyền Đồng (玄同), Lão Tử bác cái thuyết Thần quyền, và chủ trương thuyết Vạn Vật Nhất thể (panthéisme), tức là bác tất cả các Thần tượng bên ngoài bất cứ dưới hình thức nào, nghĩa là bác tất cả mọi sự thờ phụng lễ bái.
Sao nói rằng không thể thực hiện được sự Huyền Đồng? Lấy thí dụ người thợ lặn, sở dĩ họ lặn dưới nước như loài thủy tộc là vì họ đã quên (忘) rằng họ là họ khác biệt với nước, mà đã cùng với nước là một. Trang Tử, giải nó trong câu chuyện ngụ ngôn lý thú và sâu sắc sau đây: “Khổng Tử đứng xem thác nước Lữ Lương. Thác ấy cao độ ba bốn chục lần bề cao con người. Nước đổ xuống thành một dòng sôi bọt, chảy cuồn cuộn trong một cái lạch dài hơn bốn mươi dặm. Dòng nước lộn nhào đến đỗi rùa cá cũng không ở đặng. “Bỗng Khổng Tử thấy một người vận chuyển trong nước xoáy. Cho là một người thất chí muốn tự trầm nên bảo đệ tử đi theo bực thẳm đặng coi có thể nào cứu vớt. Cách ít trăm bước dưới nguồn, người ấy bèn lên khỏi nước, xổ đầu tóc ra phơi, vừa đi vừa ca hát... Khổng Tử theo kịp hỏi: “Tôi hòng cho Ngài là Thần Thành chi, mà bây giờ rõ Ngài là người. Làm sao mà vận chuyển được trong nước dễ dàng như thế? Xin cho tôi biết cái pháp của Ngài?”
“Người đó nói: “Tôi không có pháp gì cả. Ban đầu, tôi khởi sự lội theo nề nếp, rồi sự lội ấy thành ra tự nhiên cho tôi; bây giờ tôi linh đinh như loài thủy tộc kia, bởi vì tôi đã đồng làm Một cùng tánh nước, không còn thấy tôi riêng với nước nữa. Tôi xuống với nước xoáy, tôi lên với nước vận, tôi luân chuyển theo sự luân chuyển của nước chứ không luân chuyển theo ý riêng của tôi nữa... Tôi ở trong nước như tôi ở trong chỗ tự nhiên của tôi. Nước gánh lấy tôi, vì tôi cùng nó là Một”. (Đạt Sinh)
*
* *
“Huyền đồng” của Lão Tử tức là Tề Vật của Trang Châu, là “Bát Nhã Bình Đẳng” của Phật Giáo Đại thừa. Người mà thực hiện được “Huyền đồng”, thì tất cả quan năng trong con người đều được thống nhất... Như Giáo sư E. Herrigel đã nói trong quyển “Le Zen dans l’art chevaleresque du tir à l’arc...”: … “sự hoàn thiện trong nghề đánh kiếm là cái tâm của người đánh kiếm phải đừng náo động vì ý niệm chia phân nhĩ ngã, đừng còn thấy có Ta có Người, đừng còn thấy có người địch thủ với ngọn kiếm của nó, đừng nghĩ gì đến cây kiếm của mình và cách xử dụng nó nữa, và cũng đừng bận gì đến vấn đề sinh tử...” “Giải thoát được khỏi cái ý niệm ham sống sợ chết, tức là cặp mâu thuẫn Sinh và Tử... Đó là đạt đến cái nghệ thuật cao nhất của phép đánh kiếm rồi vậy”.… “Người thợ lặn giỏi, là người không còn thấy mình khác với nước nữa; người bắn hay là người bắn mà không thấy mình khác với cái đích của mình bắn; người thợ vẽ hay, là người thợ vẽ không thấy mình khác với vật mình vẽ... nghĩa là không còn để ý đến ngoại vật, đến cái việc làm của mình nữa! Đó là đã đến mức Huyền Đồng rồi vậy!”.