TỰ NHIÊN
自然


Chương 17: “Công thành sự toại, bách tánh giai vị ngã Tự Nhiên” (功成事遂,百姓皆謂我自然) Làm xong công việc cho dân, mà dân cứ tưởng tự nhiên tự mình làm.
Chương 23: “Hi ngôn Tự Nhiên” (希言自然) Ít nói, để tự nhiên.
Chương 25: “Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên” (人法地, 地法天, 天法道, 道法自然) Người bắt chước đất, đất bắt chước Trời, Trời bắt chước Đạo, Đạo bắt chước Tự Nhiên.

Chương 64: “Học bất học, phục chúng nhân chi sở quá, dĩ phụ vạn vật chi Tự Nhiên, nhi bất cảm vi” (學不學, 復眾人之所過, 以輔萬物之自然, 而不敢為) Học cái không học, giúp chúng nhơn hối mà trở về. Giúp vạn vật sống theo Tự nhiên, mà không dám mó tay vào. “Bất học” ở đây đồng nghĩa với chữ “Tự nhiên”, tức là Đạo.

Trở lên bốn khoản bàn về hai chữ “tự nhiên”. Nhưng chương 25 và 64 là nói về Tự Nhiên thuộc “bản thể chi đạo” (本體之道). Còn chương 17 và 23 thì bàn về “nhân sự chi đạo”(人事之道). Hay nói một cách khác, chữ Tự Nhiên dùng nơi hai chương 17 và 23 là dùng theo nghĩa thông thường. - trái lại Tự Nhiên dùng ở chương 25 và 64 là ám chỉ về đạo.“Đạo pháp Tự Thiên”, chữ Tự Nhiên ở đây đồng một nghĩa với Bản Thể của Đạo, thường được gọi là Đạo Thể (道體).

Hùng Lý Liêm 熊李廉 nói: “Pháp giả hữu sở phạm vi nhi bất khả quá chi vị” (法者有所範圍而不可過之謂). Bắt chước, tức là có chỗ ranh hạn không thể vượt qua được. Theo đó, ta thấy rằng Trời không thể vượt ra khỏi Đạo. Đạo không thể vượt ra ngoài Tự Nhiên. Hay nói một cách khác: Tự Nhiên sinh ra Đạo, Đạo sinh vũ trụ. Như thế ta thấy rằng bàn về nguyên lai của Vũ Trụ, Lão Tử chủ trương Vô Thần luận (無神論).
*
* *
Câu “pháp Tự Nhiên” (法自然) người đời thường hiểu rất là sai lạc: cho rằng không làm gì, để mặc tới đâu hay đó và cho đó là bắt chước Tự Nhiên.
Theo Lão Tử, Tự nhiên cũng được tượng trưng trong những cái mà ta gọi là “luật tự nhiên” của sự sống mà bất cứ một vật nào trên đời không thể vượt qua, mà sống đặng. Có sanh rồi có tử, đó là Tự nhiên. Đói thì ăn, khát thì uống, đó là Tự nhiên. Nhưng ăn uống có chừng, uống cũng có mực. Vượt qua chừng mực, là vượt quá Tự nhiên, không thể còn gọi là Tự nhiên được nữa. Bất cập hay thái quá trong việc uống ăn, cũng như trong tất cả mọi hành vi đều là sái với Tự nhiên cả. Đang cần ăn mà không ăn, đang cần không nên ăn mà ăn, đang cần phải ngủ mà không ngủ, đang cần không nên ngủ mà ngủ. Tất cả những gì sái thời lỗi tiết đều là trái với Tự nhiên, đều là những nguyên nhân làm cho thương sinh đau khổ cả.
Người đời thường hiểu “Tự Nhiên” là cứ để y nguyên sự việc muốn xẩy ra thế nào thì hay thế đấy, phải cũng như quấy, lành cũng như dữ, tự do bành trướng ra sao cũng mặc, không cần can thiệp đến, sống mai danh ẩn tích, nghêu ngao vui thú yên hà... nghĩa là họ hiểu tự nhiên tức là không làm gì cả... Phải chăng đó là vu oan cho Lão Tử, người đã chủ trương “khứ thậm, khứ xa, khứ thái”, nghĩa là trừ khử những gí thái quá, đồng thời nâng đỡ những gì bất cập, để lập lại thế quân bình của Đạo, vì Tự Nhiên, đồng với luật quân bình... Bắt chước nó, thì phải lập lại quân bình tức là “tổn hữu dư, bổ bất túc”, đó há không phải là những việc làm của những nhà Đại Cách Mạng từ xưa đến nay trong lịch sử để lập lại công bình, hay nói đúng hơn, lập lại quân bình trong xã hội sao!
Hành động Tự Nhiên theo Lão Tử lại cũng có nghĩa là hốt nhiên mà làm, không cố gắng, không miễn cưỡng, không cân nhắc, nghĩa là hành động đã đến mức vô tâm... không còn lệ thuộc đến một nguyên tắc hay phạm vi nhất định nào của luân lý đạo đức hay giáo lý nào bên ngoài nữa cả.

Tự nhiên đây, tóm lại, là vô tâm, vô vi: làm mà không cần để ý đến việc mình làm nữa, như người lội mà không cần để ý tranh đấu với nước, không còn để ý đến việc lội của mình nữa. Đó là hành động đến mức hoàn thiện rồi vậy. Người đời khi hành động bao giờ cũng kể đến lợi hại, phải quấy, cố gắng theo một quy củ nào, miễn cưỡng tránh những nguyên tắc nào, để cho đúng theo một khuôn mẫu bắt buộc nào... Họ là người làm mà còn để ý đến việc làm của mình.

Làm cho người mà làm vì cân nhắc lợi hại, vì thương riêng, vì nhân đạo, vì tôn giáo bắt buộc, giáo lý cưỡng ép, làm để được tiếng khen, tránh tiếng chê... thì không còn phải là tự nhiên nữa. Hành động tự nhiên theo Đạo không phải thế, là hành động “Vô Vi” của cành hoa nở vì nở, và không thể không nở đặng, bởi đã đến thời k ỳ phải nở. Tự Nhiên đây, là “bất đắc bất nhiên” (không vậy không đặng).

Mọi vật đều có cái “đức” của nó. Cái “đức” của mỗi vật tức là cái tánh “tự nhiên” của nó, cái bất đắc dĩ mà nó phải làm vì không thể không làm cho đặng.Vì vậy, Lão Tử cực lực phản đối những gì trở ngại sự phát triển tự nhiên ấy dù là luân lý, chế độ, tôn giáo hay giáo dục, không hợp với bản tánh tự nhiên của con người, nghĩa là Lão Tử đề cao vấn đề “ tự do” của cá nhân.Và cũng vì thế mà có người cho chủ nghĩa Lão Trang là “chủ nghĩa cá nhân ích kỷ”!

Trang Tử trong Nam Hoa Kinh, có dành riêng một chương Tiêu Diêu Du để giải thích cái nghĩa của Tự nhiên tức là Tự Do sống theo bản tính hết sức rõ ràng (62) . Vạn vật dưới trời, vật nào cũng có cái tính tự nhiên của nó. Phải biết chịu chỗ đó, tức là ta phải nhận sự “bất đồng đẳng” tự nhiên ấy của sự vật. Biết nhận sự “bất đồng đẳng” giữa vạn vật, thì ta phải biết kính trọng cái chỗ riêng biệt của mỗi vật, tức là cái tính tự nhiên của mỗi vật mà không xen vào làm trở ngại hay hư hoại sự phát triển tự nhiên của nó. Không xen vào làm trở ngại hay hư hoại cái tính tự nhiên của mỗi vật là để cho mỗi vật được sống tự do
cái sống của nó, nghĩa là được tự do phát triển cái tính của nó.

Cái mà ta gọi là văn minh, phần nhiều phải chăng là những khuôn khổ cần thiết đặt ra để hạn chế ngăn ngừa những hành động cá nhân ích kỷ quá khích của con người. Dĩ nhiên, tới mực nào, nó có chỗ hay của nó, là tránh cho con người những sự dẫm lên tự do cá nhân của kẻ khác, nhưng nếu quá mức, nó sẽ trở thành những cưỡng ép bó buộc làm đau khổ cho con người. Một nhà văn Tây Phương ngày nay có nói: “Une même loi pour le lion et pour le boeuf, c’est l’oppression” (W. Blake) (Một cái luật thiết lập chung cho cả loài sư tử và trâu bò, đó là áp chế).

Chương 19 Lão Tử nói: “Kiến Tố, bảo Phác, thiểu tư quả dục” (63) (見素, 抱樸,少思寡欲) (Tỏ lòng đơn giản, giữ tính tự nhiên, ít riêng tây, ít tham dục). Đó cũng là bảo phải trở về với Tự nhiên. “Kiến Tố, bảo Phác” là gì? “Phác” 樸, là gỗ mà còn tự nhiên, chưa đẽo gọt, chưa cưa dùng. Theo Lão Tử, thì chữ “Phác” dùng để ám chỉ Đạo, cái thể “thuần phác lúc ban đầu”, cái trạng thái bản nguyên của tâm hồn (état primordial), chưa bị ảnh hưởng của xã hội làm sai lệch. Hay nói một cách khác, chưa bị luân lý, học thuyết, tập quán mà ta gọi chung là văn hóa hay văn minh làm sai lạc... bản tính. “Phác” 樸 ở đây
cũng đồng nghĩa với Tự nhiên...

Nhận thức được cái Bản tính đơn thuần (Tố) rồi, và mãi ôm giữ cái Bản tính tự nhiên ấy... đó là mục đích cuối cùng của ngưới học Đạo; và nhờ vậy mà lòng trở nên “ít riêng tây, ít tham dục”, mới “bảo phác” (mới giữ được cái tính thuấn phác tự nhiên), mới “kiến tố”, nghĩa là mới nhận thấy được tấm lòng trong trắng đơn thuần chưa bị ngoại giới nhuộm thêm màu sắc, hay sửa đổi thể chất, tức là Bản tính. Chữ “Tố” 素 đây, nghĩa đen là một thứ tơ thuần chất trong trắng, dùng để ám chỉ lòng đơn thuần chưa bị ngoại cảnh tập nhiễm. Bởi vậy mới nói: “Tuyệt thánh khí trí... Tuyệt nhân khí nghĩa… Tuyệt xảo khí lợi... Thử tam giả dĩ vi văn bất túc”(XXI) (絕聖棄智… 絕仁棄義… 絕巧棄利…
此三者以為文不足). Tại sao gọi rằng tuyệt ba điều đó là chưa đủ? Là vì làm được ba điều đó, bất quá là những hành động tiêu cực, chỉ trị được cái ngọn mà không trị được cái gốc, tức là dứt được cái nguồn khêu gợi mà chưa dứt được cái lòng tham dục do sự mê chấp nhị nguyên gây nên. Tóm lại, cố ôm giữ được Đạo thì mới nhận thấy được lòng trong trắng đơn thuần và nhân thế mới bớt được sự riêng tây, bớt lòng tham dục.
*
* *