ĐỨC


A. Đức (德)

Như trên đã nói, chỗ mà Lão Tử gọi bằng danh từ Đạo, bao giờ cũng dùng với hai nghĩa: cái Đạo của bản thể và cái Đạo của nhân sự. Chữ Đức 德 cũng vậy, vẫn dùng với hai nghĩa: cái Đức của Đạo, và cái Đức của cái không phải Đạo, tức là cái Đức của sự đã mất Đạo, như Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín...

“Đại Đạo phế, hữu Nhân Nghĩa” (大道廢, 有仁義) (Ch.18) (Đạo lớn mất, mới có sanh Nhân, Nghĩa). Ông lại nói: “Thất đạo nhi hậu Đức, thất Đức nhi hậu Nhân, thất Nhân nhi hậu Nghĩa, thất Nghĩa nhi hậu Lễ...Phù Lễ giả, trung tín chi bạc, nhi loạn chi thủ...”失道而後德, 失德而後仁, 失仁而後義, 失義而後禮... 夫禮者, 忠信之薄, 而亂之首(Ch.38) (Mất đạo rồi mới có Đức, mất Đức rồi mới có Nhân, mất Nhân rồi mới có Nghĩa, mất Nghĩa rồi mới có Lễ... Lễ chỉ là cái vỏ mỏng che ngoài của lòng Trung Tín và là cái đầu mối của hỗn loạn...). Lão Tử sở dĩ trọng Đạo Đức mà khinh Nhân, Nghĩa, Lễ... là khinh cái Đức của sự đã mất Đạo. Mất đạo rồi mới có Đức, chữ Đức này là “nhân sự chi đức” (人事之德) chứ không phải là cái Đức của Đạo (本體之德)(55) . Cũng như trong câu “thượng đức bất đức” (上德不德) thì chữ “thượng đức” là ám chỉ cái Đức của Đạo, còn chữ “bất đức” (不德) ám chỉ cái Đức của nhân sự, cái Đức của sự “mất Đạo Đức”.

Đức, thuộc về cái Đức của bản thể (本體之德) là để dùng ám chỉ cái Động hữu hình của Đạo, bắt nguồn nơi Đạo, tức là cái nguyên lý tối cao tối đại và tuyệt đối, nguồn gốc của vạn vật, luôn luôn “thường tồn bất biến”. Cái Đức của nó sanh ra Vạn Vật Trời Đất. Trong những câu mà ông dùng đến chữ “thượng” như trên đây đã nói: “Thượng đức bất đức”... hoặc “bất tranh chi đạo, nhược xưng thượng đức”; “kỳ đạo nãi chân… thị vị bất tranh chi Đức” (Ch.68) v.v…, đó là ông dùng chữ Đức của Đạo, cái Đức của vua “Vô Vi”, của “bất ngôn chi giáo”, của “bất tranh nhi thiện thắng”, tức là cái Đức theo Đạo Trời, theo Đại Đạo, cái Đức của “Bản thể”, duy cái nghĩa thì tùy chỗ dùng mà có sâu cạn khác nhau thôi. Còn như khi ông bảo: “dĩ đức báo oán”, thì đức đây là chỉ về “nhân sự chi đạo” gần với những đức Nhân, Nghĩa thông thường (xem các chương 21, 23, 28, 38, 41, 54, 59, 60, 63, 68). Dù sao chữ Đức của Lão Tử dùng cũng nặng về siêu hình hơn.