Sở dĩ Phật phải đi qua khổ hạnh cùng cực để rồi từ bỏ, thứ nhất là câu trả lời hùng hồn cho khuynh hướng đương thời cứ xem khổ hạnh là cao quý hơn các công hạnh khác; thứ hai là tránh cho đệ tử Phật về sau bị áp lực phải sống cực khổ quá đáng không cần thiết.

Phật quay lại tìm sự giác ngộ bằng thiền định. Ngài dùng thực phẩm trở lại để có sức khỏe rồi dồn nỗ lực vào thiền định. Chúng ta không xứng đáng để bàn về công phu thiền định của Phật vì chúng ta làm sao chứng đạt điều gì để hiểu được tâm chứng của Phật! Ở đây chúng ta nếu vì tôn vinh Phật mà diễn tả các từng bậc thiền định cũng chỉ là dựa vào kinh điển và luận giải của các vị Thánh nhân ngày xưa. Phật trải cỏ lót chỗ ngồi dưới gốc cây mà ngày nay ta gọi là cây Bồđề. Ngài ngồi theo thế kiết già hoa sen, và bắt đầu nhập lại các mức thiền trước kia Ngài đã chứng. Trước hết là sơ thiền.

Sơ thiền là mức thiền chứng được đầu tiên. Nơi mức thiền này, tâm tự động giữ lấy chính nó trong định. Miễn là hành giả đừng tác ý xuất định thì tâm cứ tự động sáng tỏ, thanh tịnh, rỗng rang. Những ý niệm tế về đạo lý vẫn còn xuất hiện, nhưng sẽ tự động bị sức tỉnh giác của tâm trừ diệt. Hành giả không cần phải làm gì cả. Cứ duy trì lâu dài Sơ thiền cộng với những công đức khác trong đời sống, hành giả sẽ nhập Nhị thiền.

Nhị thiền tắt hẳn vọng tưởng, tâm tự tại phủ trùm trời đất, có một số thần thông vừa phải, kiến giải lanh lợi, đôi khi cho mình đã chứng được chân ngã theo quan niệm của Yoga Ấn giáo.

Tam thiền là cả một thế giới khác hẳn. Người chứng Tam thiền thành tựu thần thông quảng đại, thấy cả thế giới làm bằng chất liệu của tâm chứ không còn là vật chất như trước nữa. Sắt đá gỗ đất cũng đều làm bằng tâm như những ý nghĩ. Ý nghĩ và vạn vật đều là tâm như nhau. Vì vậy người chứng tam thiền có thể điều khiển vật chất bằng ý nghĩ, có thể đi xuyên qua tường vách như không khí. Còn chúng ta có bắt chướt xem bức tường này là tâm thì chỉ u đầu sứt trán chứ không thể đi xuyên qua được.

Tứ thiền là tận cùng của tâm thức. Nơi tứ thiền này, Phật đã khởi tác ý nhớ lại vô lượng kiếp quá khứ của mình, thành tựu túc mạng minh. Ngài cũng tác ý quan sát sự lưu chuyển của chúng sinh qua các nẻo luân hồi theo nghiệp duyên thiện ác, thành tựu thiên nhãn minh. Ngài đã bứng nhỗ tận cùng gốc vô minh, ngã chấp sâu thẳm nhất để thành tựu lậu tận minh. Ngài trở thành một Đấng Giác Ngộ của thế giới sau nhiều thời đại không có một đức Phật nào đã xuất hiện.


Nơi cảnh giới chứng ngộ niết bàn tuyệt đối này, không gian vô biên dường như chỉ là một điểm, nhưng ở đâu vẫn là ở đấy không lẫn lộn với nhau. Ví dụ Trái đất và sao Hỏa cách nhau 60 ngày bay; nhưng với cái nhìn của Phật thì hai chỗ đó chỉ là một, nhưng vẫn không lẫn lộn với nhau. Thới gian vô tận cũng như chỉ là một điểm nơi Niết bàn này, dù vẫn không lẫn lộn với nhau. Ví dụ thời điểm cách đây 5 ngàn năm văn minh Ai cập với bây giờ cũng như là đồng thời, dù vẫn không lẫn lộn với nhau.

Thiền sư Mật Ấn nói một thiền ngữ rất thú vị về ý niệm này rằng: ”Ai cũng biết một giọt nước gieo vào hồ to, mấy ai biết cả đại dương gieo vào giọt nước.” Chúng ta gượng gạo trình bày một phần nào để cảm nhận được tâm chứng vĩ đại của Phật, để thấy cái nhỏ bé tầm thường của mình. Nếu Phật là một đại dương, mình chưa là một giọt nước; nếu Phật là ngọn cao sơn, mình chưa là hạt bụi nhỏ. Vì vậy lòng tôn kính Phật bao nhiêu cũng không đủ.

Có một chú cư sĩ là giáo viên cấp 3 phổ thông trung học, mùa hè rảnh rỗi đến ngôi chùa quê vắng vẻ để công quả tu hành. Sau này gặp một tu sĩ khác, chú than rằng vị thầy trụ trì tại ngôi chùa quê đó không tinh tấn tu hành bằng chú vì từ khi có chú, thầy đó thường xuyên để chú công phu bái sám một mình. Người tu sĩ kia bênh vực chống chế rằng tại vì quý thầy tu từ nhỏ tụng kinh lạy Phật nhiều quá rồi nên bây giờ nghỉ ngơi chút đỉnh có sao đâu. Thật ra đó chính là nhược điểm của người xuất gia, vì không đủ lòng tôn kính Phật nên tự cho rằng lễ Phật bấy nhiêu năm là đủ rồi. Dù cho chúng ta có lễ Phật muôn ngàn kiếp cũng không tôn vinh hết được thánh tính vĩ đại của Phật. Chính vì không hiểu được thánh tính cao siêu vĩ đại của Phật mà ta đã không phát tâm thiết tha lễ bái Phật thật nhiều. Nếu không lễ bái cung kính Phật thường xuyên tha thiết, phước tu hành của chúng ta sẽ cạn dần. Người xuất gia mà hết phước thì sẽ bị hoàn tục. Còn giữ được màu áo tu, còn được người quý trọng vì còn phước; nếu hết phước thì mọi chuyện đó chấm dứt.