III- Sự khác biệt giữa Lôgic học tức Logic Phật giáo và Lôgic học phương Tây

Đại diện điển hình của Lôgic học phương Tây là Lôgic học hình thức của Aristotle, sau này được bổ sung và cải tiến bởi Lôgic học của học phái Khắc Kỷ (Stoiciens) và Lôgic học toán.

Trong bài này, chủ yếu giới thiệu những nét cơ bản của Lôgic học hình thức của Aristolte. Aristotle là học trò của Triết gia Platon. Ông cũng là thầy dạy của hoàng đế Alexander vĩ đại. Ông sinh năm 382 và mất năm 322 trước Công nguyên.
Công thức luận lý hình thức của ông bắt đầu bằng hai tiền đề và từ hai tiền đề đó. Rút ra hai kết luận thích đáng.

Tiền đề thứ nhất gọi là Đại tiền đề (major premise) như nói: Tất cả mọi người đều phải chết.

Thứ hai Tiểu tiền đề (minor premise), như nói: Socrates là người

Thứ bakết luận: hay đoán án, rút ra từ hai tiền đề trên : Ví Socrates là người cho nên ông ta cũng chết.

Tất nhiên, chúng ta giả định là đại tiền đề và tiểu tiền đề đều chính xác, đó là điều kiện tiên quyết, Bởi lẽ, có trường hợp, kết luận có thể rất đúng, rút ra một cách thích đáng từ hai tiền đề. Nhưng hai tiền đề này lại sai. Một ví dụ để minh họa :

Đại tiền đề : Trái đất là hình vuông.
Tiểu tiền đề : Cái gì vuông đều tròn.
Kết luận : Do đó trái đất là tròn.

Ai cũng có thể thấy hai tiền đề sai như thế nào rồi. khi lập luận Aristotle thiên về kiểu thức các mệnh đề hay luận thức đều theo mô hình chủ ngữ - vị ngữ . Như nói: Mọi người/ đều phải chết. Mọi người là chủ ngữ, đều phải chết là vị ngữ. Hay trong câu: Socrates/ là người. Socrates là chủ ngữ, là người là vị ngữ.

Có thể vì Aristotle không thích toán học, cho nên ông không dùng mô thức toán để lập luận, đơn giản hơn.

Một con đường thẳng trên có điểm A, B, C. Và A đứng giữa B và C. Bây giờ hãy thêm một điểm D ở bên ngoài C. Chúng ta có chuỗi các điểm D, B, A, C. Chúng ta có thể kết luận ngay là A nằm giữa D và C.

Hãy đem tam đoạn luận ( syllogism) gồm ba thành tố đại tiền đề, tiểu tiền đề và kết luận của công thức Aristotle, so sánh với công thức ngũ chi tác pháp của triết phái Nyãya, và tam chi tác pháp của Dignãga, Phật giáo. Chỉ cần đưa ví dụ minh họa, là thấy ngay sự khác biệt.

Trong đại tiền đề của lập luận của Aristotle : Tất cả mọi gnười đều phải chết, rõ ràng đó là một khái quát hóa mà mọi người đều đồng thuận.

Còn trong lập luận của Nhân minh, dù là cũ hay mới, thì mệnh đề đầu tiên gọi là tôn, lại chính là đề tài tranh chấp giữa bên lập và bên phá, tức là giữa người lập thuyết và người phản bác, như nói :

Tôn : Trên núi đàng xa có lửa.
Nhưng vì đúng đàng xa làm sao thấy được có lửa, cho nên người nghe phân vân, hay ít nhất cũng nói điều nghi của mình: Lửa có thấy đâu ?

Người lập thuyết bèn nói: Bởi vì có khói um lên.
Khói là thành tố thứ hai, cũng gọi là thành tố trung gian (the middle term). Đó là thành tố quan trọng nhất của tam đoạn luận của Logic học Phật giáo, bởi vì nó chứng minh cho mệnh đề: Trên núi đàng xa có lửa.

Hai bên có đồng thuận là đồng thuận thành tố trung gian này. Đúng là trên núi có khói, ai cũng thấy.
Bên lập bèn nói tiếp: Bất cứ ở đâu có khói là có lửa, cũng như bất cứ ở đâu có lửa là có khói. Về điểm này, thì cả hai bên lập và phá đều đồng thuận, cũng giống như đại tiền đề trong lập luận của Aristotle. Đó là một khái quát hóa từ rất nhiều hiện tượng đã được quan sát: Ở đâu có lửa là có khói. Đó là một thao tác quen thuộc của tư duy gọi là quy nạp (induction). Nghĩa là từ rất nhiều hiện tượng cụ thể, cá biệt quy nạp thành một khái quát chung, gọi là generalization.

Các mệnh đề như: “Tất cả mọi người đều phải chết.” (Aristotle) hay như: “Ở đâu có khói là có lửa và ngược lại cũng vậy”., cũng đều là những khái quát, quy nạp nhiều hiện tượng, sự vật hay quá trình cá biệt và cụ thể.
Và cả hai luận lý học phương Tây và luận lý học phương Đông (Ấn Độ giáo và Phật giáo) cũng đều rút ra kết luận. Một bên (Aristotle) thì rút ra từ hai tiền đề đại và tiểu, và một bên (phương Đông) thì rút ra từ thành tố thứ hai là nhân, tức là cái dấu hiệu logic liên hệ tất yếu với sự vật, hiện tượng hay quá trình bị che dấu, mà cảm quan không nắm bắt được trực tiếp, như lửa trong trường hợp ở trên núi đàng xa. Khói là cái nhân, cái dấu hiệu logic, giúp chúng ta biết là trên núi có lửa, mặc dù chúng ta không trực tiếp thấy có lửa.

IV- Phân biệt giữa Logic học mới của Phật giáo với Logic học cũ của Ấn Độ giáo, cụ thể là của phái học Nyãya (Chánh lý phái).
Lập luận của Nhân minh học của triết phái Nyãya dựa trên cái gọi là Ngũ chi tác pháp. Tác pháp là kiểu thức hay mô thức hoạt động, Ngũ chi là năm thành tố.

Thí dụ:
- Lập tôn: trên núi có lửa. ( Lập tôn cũng như nói lập thuyết vậy)
- Nhân: vì trên núi có khói.
- Dụ: nơi nào có khói thì có lửa, ví dụ cái bệp lò.
- Hợp: trên núi đã có khói thì phải có lửa.
- Kết: trên núi kia có lửa.

Lập luận như trên, có tới 5 thành tố, gọi là 5 đoạn hay 5 chi. Nhân minh học mới của Dignãga rút 5 đoạn xuống còn 3 đoạn, gọi là tam chi tác pháp, về số lượng thành tố, thì cũng tương đương với tam đoạn luận của Lôgic học phương Tây (syllogism).

Trong 5 chi của Nhân minh luận cũ, chỉ có ba thành tố tôn , nhân, dụ là cần thiết, không có không được, còn hai thành tố hợp và kết, bất quá chỉ là rút ra từ ba thành tố trên mà thôi. Vì vậy, với Dignãga, chỉ còn để lại ba thành tố là tôn, nhân và dụ.

Tôn : Trên núi có lửa.
Nhân : Vì trên núi có khói.
Dụ : Tất cả những nơi nào có khói đều có lửa, như cái bếp lò.

Như vậy là đủ không cần hai thành tố hợp và kết nữa. Hơn nữa, trong dụ, còn thêm: tất cả những nơi nào có khói đều có lửa. Hai từ tất cả nhấn mạnh tính khẳng định của dụ, không những có tính cá biệt mà mang tính phổ biến.

Điểm khác biệt thứ hai là nội dung khác nhau của năng lập và sở lập.
Đối với Nhân minh cũ thì cả ba tôn, nhân, dụ đều cấu thành năng lập, và lấy hai thành tố tự tánh (như âm thanh trong tôn âm thanh là vô thường), và sai biệt (tức vô thường) là sở lập. Còn đối với Dignãga, thì trong ba thành phần tôn, nhân, dụ thì nhân và dụ tạo thành năng lập, còn tôn là sở lập. Như chúng ta dễ thấy, tôn là cái tranh chấp giữa hai bên lập và bên phá, còn nhân và dụ lại là cái nhất trí giữa hai bên.

Điểm khác biệt thứ ba thuộc về nhận thức về hai thành phần của tôn tức phần trước gọi là tiền trần, phần sau gọi là hậu trần. Như trong mệnh đề quen thuộc: âm thanh là vô thường. Âm thanh là tiền trần, vô thường là hậu trần. Trong Nhân minh cũ, có sự tranh cãi về điểm này. Có người nói đó là tiền trần, có người nói là hậu trần, có người nói là cả hai. Với Nhân minh mới của Dignã ga, tiền trần hay hậu trần đều không phải là điểm tranh luận, mà điểm tranh luận chính là sự liên kết giữa tiền trần và hậu trần thành một mệnh đề, như âm thanh là vô thường, hay trên núi có lửa.

Ngài Khuy Cơ, học trò Ngài Huyền Trang giải: Hai thành phần tiền và hậu trần gọi là tôn y, còn sự liên kết giữa hai tôn y lại gọi tôn thể. Tôn thể mới là đầu mối của tranh luận.
Còn hai điểm khác biệt nữa liên quan tới nhân và dụ, nội dung khá phúc tạp, đợi tới khi bàn tới mục lớn “ Tam đoạn luận” sẽ bàn cụ thể. Trong bài dẫn nhập, chỉ bàn sự khác nhau đại khái giữa hai môn Nhân minh mới và cũ mà thôi.