mượn bài:

LOGIC HỌC PHẬT GIÁO
Thích Nguyên Hạnh


PHÂN I : KHÁI QUÁT VỀ LOGIC HỌC

CHƯƠNG I
LOGIC HỌC PHƯƠNG ĐÔNG
CŨNG GỌI LÀ NHÂN MINH HỌC


I- LOGIC HỌC LÀ GÌ ?

Lôgic học hay luận lý học phương Đông cũng gọi là Nhân minh học. Nhân minh học vốn gốc từ Ấn Độ, và là một trong năm môn học, gọi là ngũ minh, tại các trường Đại học Phật giáo thời Trung cổ như Nalanda. Từ minh nghĩa là nghiên cứu hay làm rõ. Năm minh đó là :

a-Nội minh : nghiên cứu giáo lý đạo Phật.
b-Y phương minh : nghiên cứu việc trị bịnh, cho thuốc.
c-Công xảo minh : nghiên cứu công kỹ nghệ.
d-Thanh minh : nghiên cứu các ngôn ngữ, văn phạm, tu từ học.
e-Nhân minh : nghiên cứu luận lý học.

Từ nhân (reason) trong nhân minh có các nghĩa căn cứ, tức là căn cứ của lập luận, lý do của lập luận.

II- NHÂN MINH CŨ VÀ NHÂN MINH MỚI
Môn học Nhân minh mới, là môn học của Phật giáo, do luận sư Dignãga (Trần Na) thành lập, mà Dignãga lại là học trò trực tiếp của Luận sư Duy Thức nổi tiếng Vasubandhu (Thế Thân), sống vào cuối thế kỷ thứ V, do đó có thể đoán biết Dignãga cũng sống vào thời kỳ đó, ở Ấn Độ tức vào khoảng thế kỷ thứ V Công nguyên (480- 540). Dignãga thành lập môn Nhân minh học Phật giáo không phải từ con số không mà là từ những thành tựu của môn Nhân minh học cũ, được đại diện bởi Triết phái Nyãya, là một trong sáu triết phái chính thống (astika) thuộc Ấn Độ giáo. Thuật ngữ Nyãya dịch âm là Nê giạ da, dịch nghĩa là Chánh Lý phái.