5 – Lá thư của thủ tướng Phạm Văn Đồng

Gần 10 năm trở lại đây anh ta mới lục lọi lại ký ức để cố tìm ra lời giải cho câu hỏi vì sao gần 40 năm trước (1977) một bầu không khí im lặng đầy bí hiểm đã bao trùm lên toàn bộ cái trạm xá dã chiến khi mà anh ta nghe thấy đại đội trưởng Nguyên nói “Đây là lá thư của…..” ? Và rồi anh ta đã nhớ ra được là vào dịp tết âm lịch năm 1977 anh K có lên đơn vị thăm anh ta (thuộc đại đội 5 đang đóng tại Nà Sản) và chỉ sau đó vài tháng anh K lại lên thăm anh ta lần nữa.

Nhưng lần sau này đơn vị của anh ta đã chuyển tới huyện Mai Sơn cách chỗ cũ khoảng 5 km. Đơn vị này đóng ở trong các ngôi nhà còn lại của viện 6 trước đó đã ở khi sơ tán. Đây là một nơi trong rừng già với núi đá cùng con suối lớn uốn khúc chẩy qua, nó quả thực là một nơi nghỉ mát lý tưởng, không thua kém với bất kỳ nơi nghỉ mát nào trong rừng núi cả. Không khí và cảnh vật ở đây hoàn toàn trái ngược với không khí nóng nực ngột ngạt của thung lũng Nà Sản không có cây cối cùng với các cơn gió Lào khô khan làm cho con người khó chịu vô cùng… Trong quãng thời gian ở đây Khánh Trắng đã xuất hiện với tư cách là Đại Ca của lính Hà Thành muốn bắt anh ta phải vào hội lính Hà Thành của hắn (vì anh ta chỉ chơi chủ yếu với lính Đông Anh và tiểu đội trưởng là người dân tộc Mường) nhưng anh ta đã bỏ ngoài tai các lời đe dọa của Khánh Trắng. Sau đó anh ta không hề bận tâm tới Khánh Trắng, chỉ nhớ có lần đại đội trưởng Chung lúc đó có nói với anh ta “Đừng va chạm với Khánh Trắng” . Chắc lúc đó đại đội trưởng đã có bản sao bức thư này nên mới quan tâm đến anh ta như vậy, và rất có thể đại đội trưởng đã đề nghị cấp trên chuyển Khánh Trắng đi nơi khác ngay sau đó vì sợ anh ta gặp bất lợi bởi Khánh Trắng ?

Lần lên thăm này anh K nói lấp lửng với anh ta rằng đã tới công an trưởng (sếp) của quận Hoàn Kiếm để sao y bản chính 1 bức thư (lúc đó anh K nói gì thì anh ta chỉ biết vậy, không hề hỏi bức thư của ai,…). Vị sếp này nói với anh K rằng “Tôi không có đủ tư cách để sao y bản chính bức thư này” và đã viết thư tay giới thiệu thẳng anh K tới gặp sếp của sở công an Hà Nội (chắc phải cỡ thiếu tướng). Vị này còn nói thêm với anh K rằng “Anh cứ yên tâm lên đó đi tôi sẽ gọi điện báo cho ông ta biết ngay”. Quả đúng như vậy, khi anh K tới sở công an Hà Nội thì người bảo vệ đã gọi điện báo lên sếp và anh K được mời vào gặp sếp ngay. Rồi anh ta phỏng đoán lá thư muốn sao y bản chính này chính là lá thư của thủ tướng Phạm Văm Đồng.

Anh ta nghĩ lại lần lên thăm anh ta lần đầu chắc đại đội trưởng đại đội 5 của anh ta đã được đọc lá thư này cùng với lời xin của anh K muốn đại đội giúp đỡ anh ta. Và chắc đại đội trưởng đã khuyên anh K về sao y bán chính lá thư này vì chỉ khi có bản sao thì đại đội mới có thể giúp đỡ anh ta “Thuận Tiện“ được.

Chỉ khi lá thư này là của thủ tướng Phạm Văn Đồng thì mới có thể giải thích được vì sao một bầu không khí im lặng khó hiểu đã bao trùm lên toàn bộ cái trạm xá dã chiến khi đại đội trưởng Nguyên đưa lá thư này cho mọi người ở đó đọc.

Và cũng chỉ có lý do này thì mới có chuyện quận trưởng công an quận Hoàn Kiếm mới phải nói “Tôi không có đủ tư cách để sao y bản chính bức thư này” rồi giới thiệu anh K nên gặp cỡ thiếu tướng là sếp của sở công an Hà Nội.

Vậy thì nội dung của bức thư này nói gì ?

Anh ta nhớ lại và đã khẳng định lá thư này là của thủ tướng Phạm Văn Đồng. Bởi vì vào 1 hôm tại nhà của anh K (khi anh ta là sinh viên năm thứ 2 hay 3 gì đó đang còn ở nhờ nhà anh K tại khu tập thể “Thất Bại“ gần đài truyền hình Giảng Võ), lúc đó có sự hiện diện của 3 người, trong đó có vợ chồng anh K cùng một người tầm thước khoảng 40 tuổi mà sau anh ta biết đó chính là người đã trực tiếp tới trường đại học Kinh Tế - Kế Hoạch xin anh K về làm việc tại Ủy Ban Kế Hoạch Thành Phố Hà Nội (và chắc cũng là người xin cho vợ anh K - cùng lớp và cùng khóa, chưa cưới - về làm việc tại Ủy Ban Kế Hoạch Nhà Nước - vì có thủ tướng Phạm Văn Đồng đứng đằng sau mà ?). Vợ của anh K kéo chiếc bàn cà phê (mà anh ta tự đóng) ra giữa phòng và gọi anh ta ra ngồi, sau đó đặt 1 bức thư lên trên bàn và bảo anh ta đọc. Anh ta có cầm bức thư lên đọc thì thấy viết “Người cầm lá thư này phải có trách nhiệm giúp đỡ người có tên là ….Y…”. Anh ta thấy lá thư nói đúng họ tên và ngày tháng năm sinh của mình thì cảm thấy nực cười không thể chịu được liền bỏ ngay xuống bàn, không thèm đọc tiếp nữa (mới chỉ đọc được mấy dòng còn hơn chục dòng nữa viết gì thì đến nay anh ta vẫn không hề biết cho dù có hỏi vợ chồng anh K và cô em gái ... tất cả họ đều chối như không hề biết đến lá thư này – vì sao họ phải sợ đến mức độ như vậy ?). Thấy vậy vợ của anh K liền nói …mày xem phía dưới là ai đã ký ? Anh ta liền cúi xuống nhìn thì thấy rõ ràng chữ ký của thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng với dấu triện đỏ chót của văn phòng thủ tướng chính phủ thì lại càng không tin, coi đây là 1 sự bịp bợm gì đó. Bởi vì suốt từ thời thiếu niên quàng khăn đỏ tới giờ anh ta luôn luôn khiếp sợ bọn công an lúc nào cũng bủa vây anh ta, muốn giết anh ta thì làm sao có chuyện này cơ chứ ?

Rồi sau đó (anh ta nhớ) có 2 lần vợ chồng anh K đặt lá thư này lên mặt bàn mà anh ta vẫn thường ngồi học. Lần thứ nhất anh ta đang định cầm lên xem thì bất ngờ một cơn gió lùa từ cửa sổ bên kia qua của sổ bên này (căn hộ rộng 28 mét vuông có 2 phòng) đã thổi bay bức thư này từ tầng 5 xuống mặt đất. Sau đó 1 lúc có tiếng gọi anh ta từ phía dưới, anh ra ban công xem thì thấy người đứng dưới đất giơ lá thư ra hỏi có phải lá thư của anh ta hay không ? Anh ta liền đi vào, coi như không có chuyện gì xẩy ra (sau đó người này đợi anh K đi làm về và đã đưa lá thư cho anh K). Còn lần thứ 2 anh ta cũng chưa kịp đọc thì thấy em gái ruột của vợ anh K đến chơi cầm lên đọc có vẻ chăm chú. Anh ta có hỏi cái gì vậy thì thấy cô này chỉ cười không nói…, chắc cô ta nghĩ rằng anh ta hỏi đùa rồi cất lá thư lên giá sách. Từ đó mọi cái rơi vào quên lãng, vợ chồng anh K không thấy nói đến lá thư này nữa nên anh ta từ đó hầu như đã quên hẳn nó. Giá như lúc đó vợ chồng anh K giải thích rõ ràng với anh ta vì sao có lá thư này và khuyên anh ta phải tin đó là sự thật thì mọi điều có thể tốt đẹp hơn sẽ đến với anh ta chăng ?