Viết cho mùa chia tay cũ.
Cuối tháng Tư rồi, dù không còn là học sinh, nhưng saobâng khuâng lắm. Hôm trước đi trên đường thấy lá xà cừ bay nhiều quá, mới chợt nhớ ngày xưa có con bé rất hay mơ mộng mỗi khi đứng trên lớp học tầng 2 ngắm nhìn xà cừ đổ lá. Còn nhớ, cứ đến đầu mùa hạ là con bé lại chuẩn bị viết một bài phát biểu cảm tưởng ngắn gọn để đọc trước toàn trường tạm biệt các anh, chị lớp 12. Đến năm thứ 3 thì nó đã thật sự thấu hiểu cảm giác chia xa, vì năm đó là năm nó trở thành “các anh, chị lớp 12”. Trong bài viết, nó gọi thầy cô và xưng là chúng con, nó thấy có nhiều bạn khóc, cô giáo nó cũng khóc. Và nó đã nghĩ rằng bài viết ấy chính là bài viết thành công nhất trong đời học sinh của nó.
Đã xa rồi những mùa hè nơi phố núi, xa rồi những ngày nhăn nhó đạp xe đi học rồi thỉnh thoảng than ốm để bố đưa đi học. Nhưng cứ mỗi mùa xà cừ đổ lá, nó vẫn sống lại vẹn nguyên những ký ức ngày nào. Dù không thể chạm tới, không thể vẽ lại, cũng không thể kể lại hết bằng lời nhưng tất cả đều rất sống động, rõ ràng trong tâm trí. Con đường nhỏ xinh dẫn tới cổng trường, đối diện cổng trường có dàn tigon màu hồng rất nên thơ. Lớp học tầng 2, đứng ở lan can có thể với tay ra chạm vào thân cây xà cừ cổ thụ. Lá bay bay, gió hiu hiu, là cảm hứng cho không biết bao nhiêu bài viết của nó. Nó thích đến lớp thật sớm, khi mà ngay cả các bạn trong ký túc cũng chưa tới, chỉ để đứng ngắm hàng xà cừ, hít thở không khí trong lành buổi sáng, ngắm cái sân vuông cũng nhỏ xíu là nơi học giáo dục thể chất của trường, ngắm dãy nhà cấp 4 là lớp học của các anh chị ngày trước, giờ dùng để làm phòng y tế và thư viện. Trường nó có 1 điểm khác biệt là nhãn nhiều hơn phượng, hình như chỉ có 2 cây phượng còi cọc đứng khiêm nhường cạnh hành lang dãy nhà cấp 4 cũ. Vì nhiều nhãn nên rất nhiều dây tơ hồng, những mối dây tơ hồng đã trở thành một phần rất đẹp trong ký ức của nó gắn với trường cấp 3. Vì thế nó thường gọi là trường tơ hồng.
Bạn bè gọi nó là N sổ vì là chuyên gia giữ sổ đầu bài và sổ điểm, 3 năm liền gắn bó với cái công việc của “mõ”, nó cũng có nhiều kỷ niệm vui buồn. Nó nhớ, thầy Hà dạy môn Kỹ thuật luôn viết thiếu dấu nặng mỗi khi phê chữ “Được” vào sổ đầu bài, và nó kiên trì nhắc thầy suốt 3 năm trời. Khi chia tay lớp, thầy mới cười bảo “tôi bị cô này giám sát chặt nên rất run mỗi khi ký sổ đầu bài của lớp 12 V-A”. Ngày đó thầy cũng còn trẻ lắm, nghe đâu bây giờ thầy ko còn nữa… Nó nhớ, mỗi khi chuẩn bị thi học kỳ, thầy cô lại ôm sổ điểm lên lớp giao nhiệm vụ cho nó, và nó lại cặm cụi ghi ghi chép chép, đối chiếu sổ lớn sổ bé, giống như một giáo viên thực thụ. Ai cũng nghĩ nó sẽ trở thành cô giáo dạy Văn.
Bây giờ, nó làm truyền thông, công việc mà nếu được đánh giá là quan trọng thì sẽ là quan trọng, nếu ko được nhìn nhận thì chỉ là một thứ công việc phù phiếm, luôn “bốc phét” và tô điểm thêm so với sự thật. Nhưng những gì mà nó viết đều tuân thủ một nguyên tắc của riêng nó, bài học đầu tiên mà cô giáo dạy Văn đã dạy, nó vẫn luôn khắc cốt ghi tâm. Và những dòng này khi được viết ra đây cũng không nằm ngoài nguyên tắc ấy, một chút xúc cảm trong veo dành cho mùa chia tay cũ.
“Những gì bạn làm hôm nay có thể cải thiện tương lai”.