Sau khi thắp hương cho Đại tướng bà Nguyễn Thị Cúc 74 tuổi, quê ở Thanh Hóa không nén nổi cảm xúc, rơi lệ khóc thương Đại tướng. Ra về, bà Cúc chắp tay nói trong nước mắt: “Bác ơi, sao bác bỏ chúng cháu mà đi”.

Bà Cúc cho biết, năm 20 tuổi bà được gặp bác Giáp trong một lần Đại tướng về thăm Thanh Hóa. Khi đó, bác đã động viên người dân nơi đây tập trung xây dựng kinh tế để luôn là hậu phương vững chắc cho các chiến sĩ ở ngoài mặt trận.

“Hình ảnh bác Giáp lúc bấy giờ rất giản dị. Chúng tôi khi gặp bác ai cũng nể phục, ngưỡng mộ về nhân cách cũng như tài cầm quân của các. Hôm 5/10 hay tin Bác mất. Tôi thương bác quá…”, bà Cúc xúc động nói.

Bác Phạm Quang Ninh, 44 tuổi, ở Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội đã đến chờ từ lúc 12 giờ trưa để mong được vào sớm thắp hương tưởng nhớ Đại tướng.

Bác Ninh đã bật khóc khi nói về Đại tướng. “Chúng tôi đã hẹn với một số đồng đội khác ở Cao Bằng, Tuyên Quang, ngày 10/10 tới, ngày giải phóng thủ đô Hà Nội sẽ xuống hỏi thăm sức khỏe và gia đình bác Giáp. Nhưng nào ngờ chúng tôi chưa kịp gặp bác lần cuối thì lại hay tin bác Giáp mất. Tôi đã chết lặng người khi nghe tin này từ đồng đội báo vào tối 4/10”.

Năm 23 tuổi bác Ninh là chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô hoạt động ở Tuyên Quang. Trong thời gian hoạt động tại đơn vị, dù chưa được nói chuyện trực tiếp với Đại tướng nhưng qua những lần Đại tướng đến thăm đơn vị bác Ninh đã rất ngưỡng mộ về nhân cách cũng như tài năng quân sự của Đại tướng.

"Đại tướng đã đến thăm trung đoàn khoảng 5 lần, trong những lần ấy Đại tướng đều hết sức quan tâm, động viên hỏi han mọi người. Điều ấy đã khiến anh em chiến sĩ trong đơn vị xúc động và thấy quyết tâm hơn với nhiệm vụ được giao. Sau này, dù thời bình chúng tôi vẫn luôn ghi nhớ rằng, sự nghiệp của Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam, Võ Nguyên Giáp gắn liền với Độc lập -Tự do - Thống nhất – Phồn vinh của tổ quốc Việt Nam. Công lao của Đại tướng không có gì đánh đổi được. Hình ảnh của Đại tướng là bất diệt và còn sống mãi với non sông, đất nước”, bác Ninh nghẹn ngào nói về Đại tướng.