Tên đăng nhập:
Bạn đã có tài khoản chưa?
Quên mật khẩu?
  • Đăng nhập / Ghi danh

    kết quả từ 1 tới 10 trên 29

      Threaded View

      1. #10
        Tham gia ngày
        Jan 2011
        Đến từ
        Germany
        Bài gửi
        789
        Cảm ơn
        2
        Được cảm ơn: 643 lần
        trong 390 bài viết

        Default

        Trong quãng thời gian ngắn ngủi ở nhờ bản này anh ta cùng tiểu đội trưởng (tên là Trực) thường vào rừng, tới các lương ngô, sắn để săn thú cả ban ngày lẫn ban đêm và anh ta đã được tiểu đội trường truyền cho các kinh nghiệm săn với từng loại thú cũng như cho anh ta biết tính nết của chúng để biết cách đối phó khi phải đương đầu.

        Khi còn là lính tân binh ở Nà Sản anh ta đã được tiểu đội trưởng Trực này dẫn đi săn gà ở Hát Lót (phía dưới Nà Sản khoảng 10km theo quốc lộ 6) trong dịp tiểu đội anh ta đi khai thác tre ở đó. Trong một lần đi săn gà vào lúc chập choạng tối anh Trực đã phát hiện ra chỗ gà bay lên cây để ngủ đêm, anh Trực đã ra hiệu cho anh ta cùng đi ra xa chỗ đó ngồi chờ. Mục đích để cho gà ngủ say mới dễ tiếp cận để săn thì mới không bị lộ. Sau khoảng 1 tiếng, trời đã tối mịt, hai người mới quay lại chỗ cũ. Nhưng anh ta phải đứng đợi ở ngoài còn tiểu đội trưởng một mình lò dò từng bước ngắn luồn trong bụi cây, cố gắng không để gây ra tiếng động, tiến dần về phía cây mà đàn gà bay lên đậu để ngủ lúc trước. Một lúc sau thấy anh Trực bắn 2 phát rồi mà vẫn không thấy ra lên anh ta sợ có chuyện chẳng lành liền lò mò vào xem sao ? Chính vì vậy mà đàn gà thấy động (do anh ta dẫm gẫy cành cây) liền chạy và bay toán loạn. Rất may là tiểu đội trưởng đã hạ được 2 con bằng 2 phát đạn rồi, nếu anh ta làm động trước khi hạ 2 con này thì chỉ có "Vêu Mõm" về nhà là cái chắn. Nếu lúc đó anh ta có kinh nghiệm không để lộ thì tiểu đội trưởng đã bắn hạ được cả đàn gà hàng chục con này rồi (vì chúng ngủ trên cây nên tìm bắn rất dễ, cái khó là phải phát hiện ra lùm cây chúng bay lên để ngủ khi trời mới tối).

        Còn với Lợn Nòi độc luôn đi một mình là đáng sợ nhất. Với loại này thì khi bắn xong phải tháo chạy ngay tức khắc, nên chạy theo hình dích dắc qua các gốc cây to là tốt nhất, cấm kỵ chạy theo đường thẳng, vì chúng không bị thương thì đỡ sợ chứ bị thương thì chúng sẽ lao thẳng về phía đối thủ với sức lực khủng khiếp nhằm húc tung đối thủ lên bằng 2 cái răng lanh cong nhọn hắt luôn chĩa ra phía trước, với cú húc này đến Hổ cũng phải gục. Nếu bắn trúng nó thì phải đợi đến hôm sau mới được lần theo vết máu đi tìm, khi thấy mất dấu máu mà không thấy con vật thì đó là lúc nguy hiểm nhất, phải hết sức cẩn thận vì chúng đã kiệt sức không thể đi tiếp, thường là chúng vòng sang bên cạnh để nằm phục chờ đối thủ đi đến liền lao ra với sức lực cuối cùng để húc địch thủ trả thù rồi mới chết thực sự.

        Săn Nhím thì thường chúng nặng từ 10 đến 25 kg có lông ống nhọn và dài, còn Don cùng họ hàng với Nhím nhưng chỉ nặng trung bình từ 3 đến 5 kg và chỉ có lông ngắn không có lông to dài như Nhím. Muốn săn họ nhà Nhím thì không có gì nguy hiểm nhưng phải dựa vào tuần trăng để đi săn mới dễ săn được và đỡ tốn công sức vô ích. Bởi vì loại này thường ra lương ăn Sắn hay Ngô vào các lúc không có ánh trăng. Chính vì vậy nếu cả đêm không có trăng thì không biết chúng sẽ ra ăn lúc mấy giờ cả, chả nhẽ ngồi phục cả đêm chăng ? Cho nên phải chọn thời điểm vào các đêm gần sáng trăng mới lặn hoặc vào khoảng một vài tiếng trước lúc trăng mọc, đó là lúc Nhím mới ra ăn hoặc lúc Nhím chuẩn bị rời lương về chỗ ở (hiểu đơn giản là khoảng thời gian 1 hay 2 tiếng trước khi trăng mọc hoặc 1 hay 2 tiếng sau khi trăng lặn). Nhưng với săn Nhím mà ban ngày không đi trinh sát trước thì buổi săn đêm hôm đó cũng khó mà thành công vì lương thì nhiều, rộng có đi cả buổi cũng không hết lại thường phải leo dốc, xuống dốc, lội suối…

        Cho nên muốn đi săn Nhím thì ban ngày phải đi trinh sát, thường đi men theo bìa rừng vì Nhím thường nằm chờ ở bìa rừng ngay lương Ngô hay Sắn đợi khi trăng lặn mới ra ăn và chúng thường chỉ ăn cách bìa rừng từ 1 tới 5 m chứ không mấy khi chúng vào tận giữa lương để ăn cả, trừ các lương nhỏ. Khi ăn Nhím thường cắn đứt cây Ngô cho đổ xuống mới gặm bắp. Chỉ cần nhìn vết cắn gốc cây ngô sẽ biết con Nhím này nặng cỡ bao nhiêu. Nếu thấy càng cắn lên cao bao nhiêu thì con Nhím càng nhỏ bấy nhiêu vì càng gần gốc, thân cây càng cứng nên chỉ con to mới có thể cắn mà thôi. Khi đã nhắm được các vị trí ban ngày mà có vết ăn mới của Nhím thì chắc chắn đêm đó Nhím sẽ lại ra ăn tại chỗ đó. Vậy là chỉ còn chọn vị trí nào thuận lợi nhất để tiếp cận vào đúng thời điểm để săn rồi còn đi tiếp đến các vị trí đã trinh sát khác, thứ 2, thứ 3….

        Theo đúng kinh nghiệm được truyền dạy, ban ngày anh ta một mình đi trinh sát đã phát hiện được một vị trí có tới 2 con ra ăn (chắc là một đôi vợ chồng) và thấy cắn rất sát gốc cây Ngô cho biết chúng thuộc loại cỡ bự. Về nhà anh ta tính giờ, thời gian đi đến để kịp khi trăng bắt đầu lặn rồi anh ta đã rủ được một đồng đội đi cùng, thấy ông bạn này đồng ý nhưng răng run cầm cập chắc vì sợ. Thấy vậy anh ta liền hỏi thêm một vài vị nữa để dự phòng khi ông bạn này đến phút chót lại từ chối. Bởi vì hầu như cả lính bố Bản (người dân tộc) lẫn bố Kinh (dân tộc Kinh miền xuôi) trong 2 trung đội của anh ta ở nhờ bản này đều sợ đi vào rừng săn, nhất là vào ban đêm vì ở vùng sâu, vùng xa này gần rừng rậm, núi đá cao hiểm trở thường nghe thấy có gấu hay lợn nòi độc hay lợn rừng đi theo đàn về các lương của bản tàn phá. Nhưng riêng anh ta thì chả sợ gì cả, ban ngày anh ta thường một mình vác súng AK của tiểu đội trưởng với mấy viên đạn mà anh ta đã ăn cắp được khi còn đóng ở huyện Mai Sơn. Còn về ban đêm thì anh ta phải rủ bằng được một tay lính nữa mới dám đi vì sợ gặp bất trắc như đau bụng, ngã hay bị thương do gặp thú dữ…

        Khi đi săn vào ban đêm thì trước khi bước vào rừng anh ta cùng bạn đồng hành phải làm thủ tục là bắt tay nhau, thề sống chết có nhau và cho ông bạn đi cùng biết có 2 viên đạn dự trữ để ở túi ngực anh ta phòng khi anh ta gặp bất chắc biết mà lấy ra, thay anh ta tiếp tục chiến đấu (người đi cùng chỉ có dao của bố bản). Đêm đó đúng như dự tính khi đến gần vị trí được trinh sát ban ngày anh ta thấy có tiếng động của Nhím đang gặp gốc cây Ngô. Anh ta liền lùi lại ra hiệu cho ông bạn đi cùng đứng đợi anh ta, không được đi theo. Một mình anh ta tiến dần đến nơi phát ra tiếng động thì qua ánh đèn pin anh ta thấy 2 con Nhím cỡ bự đang gặp gốc 2 cây Ngô chỉ cách nhau khoảng 3 m. Mừng quá anh ta cứ thể tiến lên từ từ, cố gắng không để phát ra tiếng động. Và rồi lòng súng của anh ta chỉ cách lưng của con Nhím không tới 2 m. Chả cần nhằm bắn gì cả, anh ta chỉ cần hướng lòng súng vào lưng con Nhím rồi bóp cò. Con Nhím khựng lại rồi lăn theo chiều dốc của lương Ngô và bị chặn lại bởi gốc của 1 cây Ngô. Anh ta mừng quá đã quên mất lời dậy của tiểu đội trưởng là thú vật không nghe được tiếng súng nhưng tiếng người nói hay tiếng cành cây gẫy thì chúng thính vô cùng, liền gọi ông bạn “Bắn chết rồi, lại đây”nên con Nhím thứ 2 lúc đó đã phát hiện ra tiếng người, kêu lên rồi chạy ngay vào bìa rừng nếu không anh ta đã hạ được cả 2 con Nhím này rồi.

        Hai người cố gắng tìm con Nhím thứ 2 nhưng không thể phát hiện được chính xác vị trí nó đang nằm ở đâu mặc dù một lúc lâu vẫn thấy nó kêu trong bụi rậm (vì ở bìa rừng, ranh giới giữa lương và rừng có nhiều ánh sáng mặt trời nên cây cối nhỏ mọc rất rậm rạp). Khi không còn thấy tiếng kêu của con Nhím thứ 2 nữa, 2 người mới đành chặt cây làm đòn gánh để khiêng con Nhím nặng cỡ 20kg về bản. Hôm sau nhìn con Nhím nhưng không biết phải làm gì để ăn cả. Anh ta ngồi suy nghĩ trầm tư như thói quen thường ngày thì bất ngờ anh ta nhận thấy xung quanh nhà sàn này có rất nhiều lá Lốt và Sả. Thế là anh ta liền nghĩ ra cách ướp thịt Nhím với Sả và lá Lốt này với nhau để nướng. Và rồi đây chính là một phát minh của anh ta về món thịt nướng với Sả và lá Lốt. Cho đến bây giờ bất kỳ ai ăn cũng phải bái phục hương vị của nó chỉ có 1 không 2 trên thế giới này.

        Kỹ thuật ướp rất đơn giản (nói luôn cả tỷ lệ) như sau: Thịt ba chỉ (hay các loại thịt khác khoảng 3 kg) thái miếng nhỏ như bình thường nhưng phải mỏng (dầy khoảng 2 đến 3mm là tốt nhất nếu không thì từ 3 đến 4mm cũng được). Lá Lốt (khoảng 40 lá cỡ trung bình) cuộn lại thái nhỏ rồi xoay ngang thái nhỏ tiếp (càng nhỏ càng tốt nhưng chúng vẫn rời nhau không để nát bét)), còn Sả (khoảng 5 hay 6 củ cỡ trung bình, bỏ lá) thì phải đập dập rồi thái nhỏ như vậy (loại này chỉ cần lấy tinh dầu nên càng nhỏ, càng nát bét càng tốt nhưng khi đập cần phải nhẹ nhàng để tinh dầu không bị bắn đi mất), hành tây (1 củ to, nếu không có thì lấy 5 hay 6 củ hành ta cỡ to, bỏ lá) cũng thái nhỏ như vậy (điều cần chú ý là lá Lốt không được vò hay làm quá nát vì khi trộn với thịt sẽ có mầu xanh của diệp lục mất thơm và chông thấy mầu xanh lè không đẹp mắt, còn Sả và hành củ thì vô tư). Thịt cùng lá Lốt, Sả và hành củ cần phải càng tươi càng tốt, khi trộn với nhau có cho nước mắm ngon (loại 1), muối, mì chính, hạt tiêu hay ớt....(tùy khẩu vị người ăn) rồi trộn lên, bóp đều một lúc cho nhuyễn, để trên dưới 1 tiếng là có thể nướng (bằng vỉ hay xiên tùy chọn) để ăn được rồi (cứ khoảng 15 đến 20 phút phải đảo lại cho đều bằng đũa, không cần bằng tay. Có thể làm nhiều một phần ăn còn một phần để trong tủ đá ăn dần rất tiện lợi. Chú ý khi để trong tủ đá cần dàn cho mỏng, mục đích khi cần lấy ra chỉ cần để 1 hay 2 tiếng là có thể nướng được rồi).

        Lần đầu tiên thiên hạ biết món này khi anh ta làm cho tất cả các cô gái Hà Thành trong buổi liên hoan của Xí nghiệp sửa chữa máy…đóng ở sau Nhà máy Bóng Đèn Phích Nước Rạng Đông phải nể phục khi được thưởng thức món thịt nướng này (vào năm 1986 hay 1987 gì đó khi anh ta đang làm bảo vệ ban đêm của xí nghiệp này).
        Chào mừng bạn đến với huyền không lý số

      2. Danh sách Hội Viên đã cảm ơn "VULONG" về bài viết có ích này:

        vanti67 (09-12-23)

      Quuyền Hạn Của Bạn

      • Bạn không thể gửi đề tài mới
      • Bạn không thể gửi trả lời
      • Bạn không thể gửi đính kèm
      • Bạn không thể sửa bài viết của mình
      •