-
12-02-10, 20:56 #1
Huyenkhong cafeteria
Nhân dịp năm mới Canh Dần sắp đến, mà năm mới đến thì ai cũng muốn có một cái gì đó mới hơn năm cũ; riêng tôi thì xin phép được giao lưu với các bạn sau những giờ làm việc: chúng ta có thể uống với nhau một tách cà phê, một ly nước đá chanh...nói với nhau vài câu chuyện nho nhỏ; trao đổi với nhau một số ý kiến; tán gẫu về cuộc sống; tếu lâm về cuộc đời...Tất cả chúng ta đều có thể nói với nhau để giải trí, để tâm sự về cuộc sống, để giúp nhau cùng thăng tiến, phát triển v.v...
Xin chia sẻ cùng các bạn một mẫu chuyện
CÔ CHƯA TỪNG BIẾT DẠY HỌC...!!!
Câu chuyện đã xảy ra từ nhiều năm trước. Lúc đó, cô Thompson đang dạy tai trường tiểu học của một thị trấn nhỏ tại Hoa Kỳ. vào ngày khai giảng năm học mới, cô đứng trước những em học sinh lớp 5, nhìn cả lớp và nói cô sẽ yêu thương tất cả các học sinh như nhau. Nhưng thực ra cô biết mình sẽ không làm được điều đó bởi cô đã nhìn thấy cậu học sinh Teddy Stoddard ngồi lù lù ngay bàn đầu. Năm ngoái cô đã từng biết Teddy và thấy cậu bé chơi không đẹp với bạn bè, quần áo thì lôi thôi lếch thếch, còn người ngợm thì lại quá bẩn thỉu. "Teddy trông thật khó ưa".
Chẳng những thế, cô thompson còn dùng cây bút đỏ vạch một chữ thập rõ đậm vào hồ sơ cá nhân của Teddy và ghi chữ F đỏ chói ngay phía ngoài (chữ F là hạng kém). Ở trường này, vào đầu năm học mỗi giáo viên đều phải xem thành tích học tập của từng học sinh trong lớp mình chủ nhiệm.
Cô Thompson đã nhét hồ sơ cá nhân của Teddy đến cuối cùng mới mở ra xem, và cô rất ngạc nhiên về những điều đọc được. Cô giáo chủ nhiệm lớp 1 đã nhận xét Teddy như sau: "Teddy là một đứa trẻ thông minh và luôn vui vẻ. Học giỏi và chăm ngoan... Em là nguồn vui cho người chung quanh". Cô giáo lớp 2 nhận xét: "Teddy là một học sinh xuất sắc, được bạn bè yêu quý nhưng có chút vấn đề vì mẹ em ốm nặng và cuộc sống gia đình thật sự là một cuộc chiến đấu". Giáo viên lớp 3 ghi: "Cái chết của người mẹ đã tác động mạnh đến Teddy. Em đã cố gắng học, nhưng cha em không mấy quan tâm đến con cái và đời sống gia đình sẽ ảnh hưởng đến em nếu em không được giúp đỡ".
Giáo viên chủ nhiệm lớp 5 nhận xét: "Teddy tỏ ra lãnh đạm và không tỏ ra thích thú trong học tập. Em không có nhiều bạn và thỉnh thoảng ngủ gục trong lớp".
Đọc đến đây, cô Thompson chợt hiểu ra vấn đề và cảm thấy tự hổ thẹn. Cô còn thấy áy náy hơn khi đến lễ Giáng sinh, tất cả học sinh trong lớp đem tặng cô những món quà gói giấy màu và gắn nơ thật đẹp, ngoại trừ món quà của Teddy. Em đem tặng cô một gói quà bọc vụng về bằng loại giấy gói hàng nâu xỉn mà em tận dụng lại từ loại túi giấy gói hàng của tiệm tạp hóa. Cô Thompson cảm thấy đau lòng khi mở gói quà ấy ra trước mặt cả lớp. Một vài học sinh đã bật cười khi thấy cô giơ lên chiếc vòng giả kim cương cũ đã sút mất vài hột đá và một chai nước hoa chỉ còn lại một ít. Nhưng cô đã dập tắt những tiếng cười nhạo kia khi cô khen chiếc vòng đẹp, đeo nó vào tay và xịt một ít nước hoa trong chai lên cổ tay. Hôm đó Teddy đã nán lại cho đến cuối giờ để nói với cô: "Thưa cô, hôm nay cô thơm như mẹ em ngày xưa". Sau khi đứa bé ra về, cô Thompson đã ngồi khóc cả giờ đồng hồ. Và chính từ hôm đó, ngoài dạy học cô còn lưu tâm chăm sóc cho Teddy hơn trước. Mỗi khi cô đến bàn em để hướng dẫn thêm, tinh thần Teddy dường như phấn chấn hẳn lên. Cô càng động viên em càng tiến bộ nhanh. Vào cuối năm học, Teddy đã trở thành học sinh giỏi nhất lớp. Và trái với phát biểu của mình vào đầu năm học, cô đã không yêu thương mọi học sinh như nhau. Teddy là học trò cưng nhất của cô.
Một năm sau, cô tìm thấy một mẩu giấy nhét qua khe cửa. Teddy viết: "Cô là cô giáo tuyệt vời nhất trong đời em". Sáu năm sau, cô lại nhận được một bức thư ngắn từ Teddy. Cậu cho biết đã tốt nghiệp trung học, đứng hạng ba trong lớp và "Cô vẫn là người thầy tuyệt vời nhất trong đời em". Bốn năm sau, cô lại nhận được một lá thư nữa. Teddy cho biết dù hoàn cảnh rất khó khăn khiến cho cậu có lúc cảm thấy bế tắc, cậu vẫn quyết tốt nghiệp đại học với hạng xuất sắc nhất, nhưng "Cô vẫn luôn là cô giáo tuyệt vời mà em yêu quý nhất trong đời". Rồi bốn năm sau nữa cô nhận được bức thư trong đó Teddy báo tin cho biết cậu đã đậu tiến sĩ và quyết định học thêm lên. "Cô vẫn là người thầy tuyệt nhất của đời em", nhưng lúc này tên cậu đã dài hơn. Bức thư ký tên Theodore F. Stoddard - giáo sư tiến sĩ.
Câu chuyện vẫn chưa kết thúc tại đây. Một bức thư nữa được gửi đến nhà cô Thompson. Teddy kể cậu đã gặp một cô gái và cậu sẽ cưới cô ta. Cậu giải thích vì cha cậu đã mất cách đây vài năm nên cậu mong cô Thompson sẽ đến dự lễ cưới và ngồi ở vị trí vốn thường được dành cho mẹ chú rể. Và bạn thử đoán xem việc gì đã xảy ra? Ngày đó, cô đeo chiếc vòng kim cương giả bị rớt hột mà Teddy đã tặng cô năm xưa, xức thứ nước hoa mà Teddy nói mẹ cậu đã dùng vào kỳ Giáng sinh cuối cùng trước lúc bà mất. Họ ôm nhau mừng rỡ và giáo sư Stoddard thì thầm vào tai cô Thompson: "Cám ơn cô đã tin tưởng em. Cám ơn cô rất nhiều vì đã làm cho em cảm thấy mình quan trọng và cho em niềm tin rằng mình sẽ tiến bộ". Cô Thompson vừa khóc vừa nói nhỏ với cậu: "Teddy, em nói sai rồi. Chính em mới là người đã dạy cô rằng cô có thể sống khác đi. Cô chưa từng biết dạy học cho tới khi cô được gặp em".Chào mừng bạn đến với huyền không lý số
-
Có 9 Hội viên đã cảm ơn đến "PALOMA" về bài viết có ích này:
dongphuong (15-02-10),huybq36 (21-05-13),huyducit (30-05-13),longtuan (22-05-13),Odthao (25-03-10),thaihoa (13-02-10),thienphuckiti (05-09-12),tom (13-02-10),TrungHa (14-09-16)
-
12-02-10, 21:26 #2
Cảm ơn bác PALOMA đã mở thêm một cửa hàng mới. Chúc Bác một năm mới an bình và tràn đầy hạnh phúc.
[IMG]http://anhdepblog.com/graphics/popular/images/heart-6.gif[/IMG]
Hạnh phúc cho những ai biết được bí mật của tự nhiên
-
-
13-02-10, 06:24 #3
Kinh doanh và Thuật phong thủy
Mời các bạn dùng café sáng:
[IMG]http://img.photo.zing.vn/file_uploads/gallery/w642h/2010/02/13/08/84011266024314.jpg[/IMG]Thuật phong thủy trong tiếng Anh gọi là The Science of Winds and Waters được sáng tạo bởi người Trung Hoa cổ, và cho đến ngày nay vẫn được áp dụng rất rộng rãi trong kiến trúc. Không chỉ ở Trung Quốc, Hồng Kông hay Việt Nam, thuật phong thủy còn rất được kính nể bởi người phương Tây. Trong cuộc sống và công việc kinh doanh, nếu bạn để ý một chút đến Thuật phong thủy, mọi chuyện sẽ diễn ra suôn sẻ và tốt đẹp hơn rất nhiều. Hãy dành một chút thời gian để tìm hiểu.
Bạn muốn kinh doanh của mình phát đạt hơn? Bạn cũng muốn một môi trường làm việc hài hoà giúp khích lệ và trợ giúp cả bạn lẫn những người bạn làm việc cùng? Thế còn việc sở hữu những kỹ năng suy nghĩ sáng tạo và hiệu suất hơn?
Nếu câu trả lời của bạn là “Có” đối với một trong các câu hỏi trên, bạn có thể nên quan tâm tới việc sử dụng Thuật phong thuỷ, một nghệ thuật sắp đặt của người Trung Hoa cổ. Rất nhiều công ty Trung Quốc ngày nay đã áp dụng thuật phong thuỷ và tận hưởng nhiều lợi ích từ đây. Rõ ràng nhất đó là tạo ra được một môi trường làm việc yên bình, thành công và sinh lời.
Thật tuyệt vời khi bước vào cuộc hành trình tới thế giới diệu kỳ của "gió và nước." Chúng ta sẽ có thể biết cách sử dụng dòng chảy năng lượng gọi là "chi" để cải thiện bản thân và hoạt động kinh doanh.
Phong thuỷ là một triết lý đã chứng minh ích lợi trong hơn ba nghìn năm qua. Hãy sắp xếp lại bàn làm việc và tâm trí của bạn. Hãy để chân lý mênh mông của Thuật phong thuỷ mang lại sự cân bằng tốt đẹp cho cuộc sống công việc.
Thuật phong thuỷ
[IMG]http://img.photo.zing.vn/file_uploads/gallery/w642h/2010/02/13/08/67191266024311.gif[/IMG]Phong thuỷ là nghệ thuật sắp đặt vật thể của người Trung Hoa cổ nhằm đem lại những ảnh hưởng có lợi hay bất lợi. Sự sắp đặt này được dựa trên dòng chảy năng lượng “chi” theo cấu trúc âm và dương.
Về ngữ nghĩa, theo tiếng Trung Quốc, “phong” và “thuỷ” là “gió” và “nước.” Nhờ “gió” và “nước” mà các dòng năng lượng chảy qua tự nhiên và vạn vật. Dòng chảy năng lượng này không nên gặp trở ngại và cần có sự cân bằng để loại bỏ mọi sự bất thường.
Âm và Dương là biểu tượng và niềm tin vào tự nhiên, vào sự hiện hữu của một thế giới vạn vật hài hoà. Không có gì hoàn toàn là dương hay âm; trong một vật thể luôn có ít nhất một phần nào đó của âm hay dương. Âm là mặt đen, biểu lộ sự yếu đuối, bị động, đen tối, lạnh lẽo, mùa đông và phụ nữ. Còn dương là mặt sáng, biểu lộ sự mạnh mẽ, chủ động, sáng sủa, ấm áp, mùa hè và nam giới. Thuật phong thuỷ được dựa trên học thuyết âm dương này.
Bát quái
[IMG]http://img.photo.zing.vn/file_uploads/gallery/w642h/2010/02/13/08/83341266024312.gif[/IMG]Đây là một trong những công cụ hiệu quả nhất trong thuật phong thuỷ để tạo ra những thay đổi tích cực. Bát quái là một biểu đồ tám cạnh thể hiện 8 điểm của la bàn.
Mỗi hướng của la bàn tập trung vào một khía cạnh khác biệt của cuộc sống, chẳng hạn hướng Đông Nam ảnh hưởng tới sức khoẻ và giàu có. Sử dụng kiến thức này có thể giúp bạn đạt được các mục tiêu trong tất cả các khía cạnh cuộc sống.
Áp dụng trong kinh doanh
Thuật phong thủy đã và đang được áp dụng rộng rãi hơn trong thế giới kinh doanh. Cách đây không lâu, khách sạn MGM nổi tiếng tại Las Vegas, Mỹ theo thuật phong thuỷ đã cho xây dựng hai con sư tử bằng đá khổng lồ để tránh kinh doanh thua lỗ. Các công ty đang ngày một quan tâm nhiều hơn tới thuật phong thuỷ và những ứng dụng của nó trong kinh doanh.
Bố trí, sắp đặt lại bàn làm việc và không gian làm việc
Theo thuật phong thuỷ, hiệu quả công việc và sự giàu có trong kinh doanh có thể được nâng cao bằng việc sắp xếp lại và thiết lập trật tự trên bàn làm việc của bạn. Những dòng năng lượng mạnh mẽ không thể tuôn chảy đều nếu có sự bừa bộn trên bàn làm việc cản trở hướng đi và làm tắc nghẽn chúng.
Hãy loại bỏ mọi thứ khỏi bàn làm việc của bạn và dọn sạch mọi sự bừa bộn xung quanh đó. Bạn chỉ đặt trở lại những vật dụng nào được sử dụng hàng ngày và giấy tờ trên bàn làm việc phải gọn gàng và được giới hạn trong những công việc cần thiết. Những vật dụng và giấy tờ khác nên được đặt ở đâu đó, trong ngăn bàn, ngăn kéo tủ, giá tài liệu,....
Giờ đây bàn làm việc của bạn đã gọn gàng, hãy đặt thêm vào đó vật gì đấy đáng yêu, tích cực và giúp thăng tiến sự nghiệp. Bạn nên sử dụng bát quái để hướng dẫn cách bày trí, chẳng hạn để gia tăng sự giàu có cho kinh doanh, hãy đặt tượng giả cổ màu đỏ hay màu tía vào góc đông nam của bàn.
Phía tây của bàn tượng trưng cho sức khoẻ, sự phát triển cá nhân và gia đình. Tại đó nên được đặt đồ gỗ có màu xanh lá cây. Một chiếc cây nhỏ cũng khá thích hợp cho khu vực này hay một bức hình gia đình trong khung bằng gỗ.
Định vị bàn làm việc của bạn trong phòng hay trong văn phòng
[IMG]http://img.photo.zing.vn/file_uploads/gallery/w642h/2010/02/13/08/61721266024704.jpg[/IMG]Trong thuật phong thuỷ, ví trí bàn làm việc có ảnh hưởng lớn tới hạnh phúc, thành công và sự thịnh vượng của bạn trong cuộc sống kinh doanh. Vị trí tốt nhất của bàn làm việc nên ở nơi có thể nhìn ra toàn bộ gian phòng và sau lưng là tường.
Bạn cũng nên có tầm nhìn ra cả cửa số và cửa ra vào, nhưng đừng bao giờ hướng thẳng tới cửa ra vào. Đường ra vào cửa hay cửa sổ không nên hướng trực tiếp tới lưng bạn bởi nếu thế sẽ đem lại nhiều điều xấu.
Hoa và cây cảnh
Hoa và cây cảnh sẽ mang lại nhiều nhân tố tích cực cho môi trường làm việc. Bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên, nó còn cải thiện chất lượng không khí, hoà đồng chúng ta với thế giới tự nhiên bên ngoài và màu sắc xanh tươi sẽ khích lệ những phát triển kinh doanh và cá nhân.
Song bạn cần tránh cây xương rồng hay các loài cây có lá sắc cạnh bởi điều đó có thể dẫn tới các điều xấu. Để đem lại những điều tốt đẹp, hoa và cây cảnh cần tươi và sum suê. Nếu cây cảnh chết, hãy bỏ nó ngay và thay thế bằng một cây khác. Cũng rất tốt nếu dùng cây cảnh bằng nhựa hay bằng lụa nhưng bạn cần giữ chúng không bị bám bụi.
Nước
Nước là biểu tượng mạnh mẽ nhất trong thuật phong thuỷ. Dòng chảy năng lượng của nó rất có lợi cho sức khoẻ và sự thịnh vượng của bạn nhưng cần quan tâm kỹ lượng để giữ cho nước luôn mới và sạch.
Các đài phun nước hay tháp nước là rất tuyệt vời nhưng cần chắc chắn rằng dòng chảy của nước không bị cản trở, tù đọng hay quá nhanh. Những tháp nước nhỏ được thiết kế đặt trên bàn cũng là một lựa chọn tốt nếu không gian bị giới hạn.
Một lựa chọn khác đó là bể cá cảnh hay bể thuỷ sinh. Bạn nên nuôi cá vàng bởi vì vàng là một biểu tượng của người Trung Quốc cho tiền bạc và có qua đó có tác dụng thu hút tiền bạc.
Một cách tuyệt vời nữa để đưa nước vào kinh doanh đó là sử dụng bất cứ vật dụng nào minh hoạ cho nước.
Văn phòng tại nhà
Thuật phong thuỷ cũng coi trọng sự thiết yếu phải giữ cho cuộc sống cá nhân và công việc tách biệt nhau khi bạn có văn phòng làm việc tại nhà. Một lối vào riêng biệt từ bên ngoài cho văn phòng tại nhà của bạn là một lựa chọn. Nếu không thể, bạn nên bố trí căn phòng ở gần cửa trước hay cửa sau của căn nhà. Khi phòng làm việc tại nhà là một phần của căn phòng lớn hơn, hãy chắc chắn bạn ngăn tách nó bằng một vách ngăn hay những cây cảnh lớn. Một khu vực được trải thảm cũng thích hợp để làm nột bật nơi làm việc.
Trần nhà trong nơi làm việc của bạn như thế nào? Một trần nhà phẳng sẽ đảm bảo các dòng chảy năng lượng tốt nhất; còn bằng không bạn nên treo chiếc chuông gió để loại bỏ những điều xấu.
Bạn còn có thể đẩy mạnh dòng chảy năng lượng cá nhân và những điềm tốt trong tương lai bằng việc ăn mặc hợp lý và chăm sóc sức khoẻ, vệ sinh và hình thức của bạn. Đừng làm việc tại nhà khi còn đang mặc bộ đồ ngủ pyjamas.
Chắc phải mất hàng năm để hiểu đầy đủ và sâu rộng về thuật Phong thuỷ. Bạn nên tới các cửa hàng sách hay thư viện để tìm hiểu thêm về bí quyết thành công từ hàng nghìn năm trước đây này. Cho dù bạn là một nhân viên hay nhà quản lý, có rất nhiều yếu tố tuyệt vời bạn có thể ứng dụng từ Phong thuỷ vào môi trường làm việc, công việc và sự nghiệp của mình một cách có lợi nhất.
Theo Business Portalthay đổi nội dung bởi: PALOMA, 13-02-10 lúc 08:33
Chào mừng bạn đến với huyền không lý số
-
Có 4 Hội viên đã cảm ơn đến "PALOMA" về bài viết có ích này:
dongphuong (15-02-10),Odthao (25-03-10),thaihoa (13-02-10),tom (13-02-10)
-
13-02-10, 06:33 #4
Truyện ngắn của Bạch Lê Quang
Bạch Lê Quang là một nhà văn có lối hành văn bình dị, hấp dẫn người đọc ở từng câu văn, Các truyện ngắn của anh thường phản ảnh lối sống, cách nghĩ của người bình dân. Đọc truyện của Bạch Lê Quang để thấy rõ hơn về thôn quê Việt Nam ngày nay,...Và hơn thế nữa trong truyện của anh còn chứa đựng một triết lý sống.
NGỌC PHẬT
Người đàn bà bỏ ông mà đi. Tất cả lặng lẽ và bất ngờ như một cơn mưa. Ông ngồi thu mình trong góc tối. Đại sảnh mênh mông. Và đầy những cổ vật. Nơi góc tường là một chiếc lọ hoa gốm men thế kỷ XV với dòng thủ bút của chính người tạo ra nó: Thái Hòa bát niên, tượng nhân Nam Sách Châu Trì Bùi Thị Rí bút. Dòng chữ được hiểu: Niên hiệu Thái Hoà thứ 8 – triều Lê Nhân Tông – người thợ họ Bùi ở Châu Nam Sách vẽ chơi. Vì dòng chữ ấy, ông đã bỏ gần sáu năm mới mang về được. Bên phải, trước bức rèm màu đỏ thẫm là cái lư hương của Đặng Huyền Thông, người thợ gốm tài hoa thế kỷ XVI.
Bây giờ, tất cả đã im lặng. Một thứ im lặng cay đắng. Ông thẩn thờ nhìn quanh. Đôi mắt ông chạm vào bình rượu độc ẩm của Cao Bá Quát. Về Bắc Ninh, ngẫu nhiên, ông gặp nó. Khi chủ cũ kể về lai lịch chiếc bình, ông đã lịm người trước một cổ vật đang lắt lay giữa cát bụi lầm than. Kể rằng khi thất bại, tự tay Cao đã mài mực thơm trên độc ẩm: Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cỗ sầu – Với người, ta tiêu tán nỗi buồn ngàn năm.
Và cuối cùng, trên kệ, một khoảng trống….
1.
Về vùng Cổ Nhuế - Bồng Thi không ai không biết tiếng ông Lã Vọng. Ông chơi cổ vật từ thời trẻ. Uống rượu với bạn bè, cao hứng, ông thường khật khưởng: Đời tôi có hai điều. Đam mê nhất cũng là khốn khổ nhất. Đó là phụ nữ và đồ cổ.
Đồ cổ đối với ông là nghiệp. Hai mươi mốt tuổi ông thừa hưởng gia sản họ Lã với những cổ vật mà cha ông đã bỏ ra cả một đời. Máu huyết người cha đã lan sang ông. Cha ông bảo: Để sở hữu cổ vật quyết không vì tiền. Lăn lóc với nghiệp, nghiệm ra càng đúng. Ông nhớ ngọc phật hài nhi đem từ núi Cấm chùa Trúc. Thủ tự là người làng bảo: Ông Lã có được cặp ngọc Phật ấy mới là già nghề. Ông đến chùa, lòng xốn xang khó tả. Sư trụ trì nhã và tịch mịch như khung cảnh nơi đây.
Vãn cảnh, đàm đạo, khói hương ngót nghét gần một năm. Một sáng thu chớm, ông khẽ khàng: Cảnh nơi đây siêu phàm thoát tục. Hoàng phi, trướng, liễn, tượng nhiều vô kể, nhưng lòng vẫn chưa thỏa. Sư nhìn sâu vào đôi mắt khách, thông lệ và thâu suốt: Có phải thí chủ muốn có ngọc Phật hài nhi. Ông Lã sững người: Hóa ra lâu nay thầy đã biết. Sư cười vang, độ lượng trước đam mê của nghiệp, rồi ôn tồn: Quả thật ở chùa Trúc có đến mười lăm hoành phi, trướng liễn. Hai mươi bảy tượng phật nhưng tất cả đều giả. Chiến tranh, tang điền dâu bể, cái thật đã mất sạch. Thợ trước thành tâm cúng phật, mang cả hồn vào công quả, biến đất đá vô tri thành thần thái. Thợ nay vô tâm, giả vẫn giả. Thú thật, đem cái giả mê hoặc lòng người, lòng cảm thấy bất an. Chùa Trúc nay là thật, họa hoằn, chỉ có ngọc Phật.
Nghe sư thổ lộ, ông Lã áy náy không yên. Ông biết đây là cuộc chơi khổ ải. Lòng bất định, ông yên lặng nghe tiếp lời sư: Ngọc Phật kỳ thật, nguyên thủy không phải là chủ sở hữu của chùa Trúc. Cách đây mười năm, một ngày lạnh, một phụ nữ vãn chùa. Suốt một sáng chiêm quan cảnh vật, quá trưa, phát khởi tâm nguyện, cúng chùa đôi ngọc Phật và có ý gửi người con trai lên mười nương náu cửa thiền. Sư trụ trì trước, tâm Phật mênh mông, người thì nhận, của quyết từ. Người phụ nữ khẩn khoản mãi. Biết không thể chối, sư nhận nhưng chỉ nhận một pho. Pho kia quyết gửi lại…
Nghe việc, ông Lã lại như lửa đốt. Xưa, kiến giải về ngọc Phật, bố ông bảo: Ngọc Phật thiếu tâm không bao giờ giữ được. Giá trị ngọc Phật bao giờ cũng thành đôi. Thiếu một, ngọc Phật sẽ bớt sáng, bớt trong. Tuy vậy, trong nghề, ai cũng biết, vật càng khó kiếm càng thú. Ông nhã nhặn muốn nhìn ngọc Phật.
Sư trụ trì thấu hiểu tâm trạng ông Lã. Sư nhìn xa xăm, chậm rãi: vật quí sinh tâm loạn. Nhà chùa không nên lưu giữ. Vả lại. nó là căn nguyên của tâm nguyện bất thành, lở dở. Người phụ nữa sau khi trao ngọc Phật, giữ chiếc còn lại và đi biền biệt. Ba năm sau chùa Trúc cũng không giữ nổi đạo hữu mà người đàn bà đã ký thác. Cậu bỏ đi vì cho rằng đời còn nhiều việc phải làm. Từ đó sư trước của chùa Trúc áy náy không yên. Vật còn mà người không còn, ngộ nhỡ người đàn bà trở về… Một đời chân tu tưởng tục lụy là mây bay gió thoảng, ai ngờ, ngọc Phật chứa tai ương, lòng áy náy đến khi viên tịch.
Sư không nói tiếp, thở dài, ngưng đọng. Ông Lã nghe cả tiếng chổi xạc xào ở sân trước. Lòng ông khấp khởi. Câu chuyện ngọc Phật đã mở cho ông một chút hanh thông cuối hầm. Vật quí sinh loạn. Trong nghề này, người chơi sẽ đạt được ý nguyện khi gặp kẻ sở hữu vật cổ, một là hạng tầm thường có mắt như mù, không phân biệt được vàng thau. Hai là, bậc cao nhân đắc đạo. Trong sâu thẳm ông tin ông sở hữu được ngọc Phật chùa Trúc dù hành trình để có được pho còn lại thật mù mịt. Mịt mù như hạnh phúc…
2.
Ông Lã có được ngọc Phật. Công quả đền đáp của ông với chùa Trúc là một căn phòng bằng gỗ quí để lưu giữ kinh kệ, sách vở trong chùa. Sư chùa Trúc đã mãn nguyện vì đã trao được vật quí cho người biết giữ, lại thỏa mãn ý xây thư phòng, mở mang chùa, chính trang tâm thức đệ tử. Ông Lã mở tiệc thiết đãi bạn bề bởi cái duyên có ngọc Phật. Rượu vào ông hứng chí: Kiếm cổ vật chẳng khác nào kiếm tình yêu.
Đó là rượu nói chứ thật ra có những đêm ông Lã chạnh lòng lắm. Trong gian nhà mênh mông, ông sống như chiếc bóng với cô gái út là sinh viên năm thứ ba. Cô có một thế giới khác, biệt lập với đại sảnh, chứa toàn những cổ vật câm nín. Và với cô là vô cảm. Và với cô có khi là tai ương.
Mẹ cô trước kia là người đàn bà lặng lẽ. Mấy chục năm bà sống trong tâm thức ngậm ngùi, rằng bà là một cổ vật trong hàng trăm cổ vật của ông Lã. Lúc cô đơn nhất, bà thường kể với con gái về những giấc mơ . Trong những giấc mơ đó, bao giờ bà cũng biến thành một bức tượng gỗ bằng trầm hương. Những màng nhện, bụi bặm bà không sao gỡ được.
Giữa đại sảnh, bà hoảng hốt gọi tên ông. Và bao giờ vẫn thế, ông xuất hiện với cái chổi lông gà màu đỏ thẫm. Lặng lẽ như một vị tu sĩ, ông chậm rãi phất những nhát chổi như kiếm sắc lên pho tượng.
Mười tám tuổi, An đã đủ lớn để hiểu những giấc mơ của mẹ. Cô cũng hiểu vì sao, trong những lúc kích động hiếm thấy nhất, mẹ cô lại bẻ gãy tất cả những chiếc chổi lông gà màu đỏ thẫm. Cũng bắt đầu hiểu, vì sao mẹ cô ngã bệnh.
Đó là một buổi chiều mà khu vườn nhà cô ngập tràn hương hoàng lan. Thuở bé, trong khu vườn, An rất thích ngồi dưới chân bức tượng đá Ngũ Hành Sơn bố cô cất công mang về. Ông đặt tượng dưới gốc hoàng lan trót trét hai mươi tuổi. Bức tượng là một phụ nữ với đôi bàn tay hờ hững. Nắng qua vườn in những đốm sánh hiếm hoi lọt qua kẻ đá dày, đậu trên vai, trên tóc người con gái. Thỉnh thoảng, một vài cánh hoa rơi, ngẫu nhĩ, trên tay hờ. Và An đã nhặt tất cả những cánh hoa đó bỏ vào trong cái hộp con mẹ đã tặng cô ngày sinh nhật. Đôi khi An nhìn lại những cánh hoàng lan khô. Hoàng lan thơ ấu, hoàng lan của một buổi chiều tháng chạp. Chiều ấy, mẹ cô vô tình đánh vỡ chiếc bình gốm sứ hoa tiên đời Tống. An nghe nói để có được chiếc bình, bố cô đã mất gần ba năm. Với bạn bè ông thường bảo: Chiếc bình quí ở chỗ nó gần như duy nhất. Nghệ nhân Kỹ Hà đời Tống làm hai chiếc. Một chiếc đã bị người Kim cướp trong chiến tranh. Và biệt tích. Cô không thấu hiểu cổ vật, nhưng đêm ấy, bố lặng lẽ như một chiếc bóng. Thật khuya, ông lang thang giữa đại sảnh với chiếc chổi lông gà màu đỏ thẫm. Vật thể trong những giấc mơ thường xuyên của mẹ.
Mẹ cô mất sau đó một tuần. Trên tay bà, lúc đó nắm chặt một nắm lông gà tơi tả.[IMG]http://anhdepblog.com/graphics/popular/images/heart-6.gif[/IMG]
Hạnh phúc cho những ai biết được bí mật của tự nhiên
-
Có 5 Hội viên đã cảm ơn đến "vanhoai" về bài viết có ích này:
dongphuong (15-02-10),Odthao (25-03-10),thaihoa (13-02-10),tom (13-02-10),Vothuong (22-04-10)
-
13-02-10, 06:34 #53.
Có được ngọc Phật, ông Lã lại nhớ lời cha: Ngọc Phật bao giờ cũng thành đôi mới gọi là hiếm thấy. Ông tin rằng nếu người đàn bà đó vẫn còn thì dù chân trời góc biển, ông cũng có được điều mình mong muốn. Ông Lã vài lần gặp lại sư cụ chùa Trúc. Gốc tích người đàn bà tặng chùa ngọc Phật huyễn hoặc như sương. Sương núi. Sư chùa Trúc chỉ lờ mờ biết rằng, nơi cư ngụ của người ấy thuộc vùng An Sơn.
An Sơn đất rộng, Cách Cổ Nhuế - Bồng Thi hơn mấy canh giờ đường ô tô, An Sơn lại không có phường đồ cổ. Ông đã về mấy lần. Chí không thoái nhưng lòng mịt mù. Có lẽ trong đời ông đấy là cuộc tìm kiếm khó khăn nhất.
Lần đi này ông định về An Sơn và ở nơi đó một thời gian dài. Sáng sớm ông đã lục tục hành lý. Tháng mười cái lạnh vùng chiêm trũng đất Bắc như cứa rách da thịt. Ngược An Sơn mấy bận, ông Lã gặp người bà con xa, sống bằng nghề xuôi đò dọc trên sông Gianh. Lần này, ông lại về ở đó.
Một đêm trời quang, sông Gianh trải mình trong trăng. Trăng lạnh tháng chạp đẹp như một giấc mơ lành. Cao hứng, ông Lã và người bà con xa, xuôi đò uống rượu. Sông Gianh đẹp nhưng quạnh lắm. Phía bờ Nam bạt ngàn cây lá và những chùm hoa dại. Bờ Bắc lô nhô đá. Đá chắn lại những âm thanh từ bờ bên này vọng ra sông nghe như tiếng đàn uất nghẹn ngào của một đời thiếu tri âm. Trong gió, ông Lã nghe được tiếng nấc của người bạn rượu:”….sông Gianh vì thế, trước kia còn gọi là Thiên Cầm…, đàn trời mà. Xưa có hai người yêu nhau tha thiết. Lỡ dở, họ trầm mình xuống dòng sông lạnh. Sống không gần mà chết cũng cách xa. Bờ đá là nơi chôn cất của người đàn ông. Và bên này…”
Ông Lã không nghe kể tiếp câu chuyện. Bây giờ, trên sông nghe rất rõ tiếng đàn của một người. Tiếng đàn tranh lạnh lùng và hoang tưởng. Ông Lã hỏi về lai lịch tiếng đàn. Người bạn bảo: Nó từ quán rượu ven sông Gianh. Chủ nhân là một phụ nữ đẹp nhưng rất tĩnh mịch. Trong sâu thẳm tâm linh, linh tính nghề nghiệp của một người già nghề như ông Lã mách bảo rằng, ông đã có một chỗ để kiếm tìm. Ông ngưng đọng và nghe. Trong gió sông lại có cả tiếng hát. Hát rằng:
“ Sông rộng…..
Thì gõ mạn thuyền
Thưa cùng
Tuế nguyệt….
Nỗi niềm tri ân….”
4.
Phường cổ khác nhau: Ông Lã đã có cả cặp ngọc Phật hài nhi. Một tượng trắng muốt. Tượng kia, từ An Sơn, xanh xanh màu sông Gianh đêm nguyệt bạch. Hư thực thế nào không rõ nhưng những đêm, nhất là những đêm trăng sáng, ngang vườn ông Lã, người ta nghe vọng tiếng đàn tranh.
Riêng An, cô không cảm thấy một điều gì. Hình như cô có cảm giác vô cảm của những vật xung quanh đã tan vào cô. Nhưng cô mừng cho bố.
Cô nghĩ rồi có lúc cô sẽ đi. Và điều bố cần là một cổ vật biết nói.
Người đàn bà thắp ngọn nến giữa đại sảnh. Đặt trước mặt ông Lã chén trà thơm. Khói nến, trà… tất cả làm cặp ngọc Phật hài nhi như động đậy, thỉnh thoảng cười. Nụ cười Phật. Người đàn bà gẩy đàn. Tiếng như mưa, lại lao xao tiếng gió. Chúng dìu người vào cả thế giới cổ vật. Tượng đồng, chén sứ, lư hương cổ, độc ẩm, những nghiên mực đen óng… Tuyệt nhiên, trong thế giới đó, người đàn bà không hề thấy ông Lã. Ngày trước, ven sông Giang, dù rất quạnh, người đàn bà không hề thấy sợ hãi, Nhưng ở dây thì khác, người đàn bà cất tiếng hát. Tiếng hát ngưng đọng những ông Lã vẫn biệt tăm trong đại sảnh mênh mông. Mê hoảng, người đàn bà hét lớn.
Trong tỉnh thức ít ỏi, người đàn bà thấy ông Lã đi ra từ một pho tượng. Trên tay ông cầm một cái chổi lông gà màu đỏ thẫm. Ông khẽ khàng: Bụi, bụi quá nhiều trên cổ vật. Người đàn bà đã qua cơn hoảng loạn, thở dài, nhìn ông…
Con gái ông có kể người đàn bà nghe giấc mơ của mẹ cô.
5.
Cả vùng Cổ Nhuế - Bồng Thi xôn xao tin ông Lã bỏ nghiệp. Người bảo: Có lẽ cặp ngọc Phật đã khiến ông nghĩ rằng trên cõi đời này không có gì quí hơn. Có người bảo: Tiếng đàn tranh đã mê hoặc ông… Mỗi người một cách nghĩ. Thủ tự chùa Trúc không nói gì, chỉ nhắc lại lời sư chùa: Vật quí sinh tâm loạn.
Tâm ông Lã không loạn. Một sáng lạnh tháng chạp, ông Lã dậy muộn. Từ ngày có ngọc Phật, ông Lã có thói quen ngắm nhìn vật quí, dù sớm, dù muộn.
Lần này, cúng thế. Nhưng bây giờ, bây giờ trên kệ là một khoảng trống. Ở đó có những lông gà màu đỏ thẫm, tơi tả…
Ông Lã lại xuôi đò cùng người bà con xa trên sông Giang. Sông rộng và chỉ có tiếng đàn trời. Đêm nguyệt bạch, sông sương, trong gió loạn, ông Lã thở dài.
Người bạn nghĩ ông tiếc đôi ngọc Phật, hớp vội chén nước lạnh, nói một câu gì như vỗ về, như an ủi. Ông Lã không nghe thấy. Ông lẩm bẩm lời ca cũ.
“ Sông rộng…..
Thì gõ mạn thuyền
Thưa cùng
Tuế nguyệt….
Nỗi niềm tri ân….”
Và bất đồ giữa đàn trời, ông Lã cất giọng khàn khàn, tiếng thì thầm ông gọi: Sông ơi…[IMG]http://anhdepblog.com/graphics/popular/images/heart-6.gif[/IMG]
Hạnh phúc cho những ai biết được bí mật của tự nhiên
-
-
13-02-10, 06:49 #6
Truyện ngắn của BẠCH LÊ QUANG
THÕNG TAY VÀO CHỢ
1. Cùng đường, Đoàn quyết định về quê bán đất. Thật ra đối với hắn, đây là nước cờ cuối cùng trong canh bạc áo cơm. Đúng hơn là cờ tàn. Dẫu sao, thề với nhật nguyệt hai vai, hắn không muốn. Nhất thời lao đao, đây chỉ là một hạ sách buồn.
Thuở bỏ làng đi, hắn nhớ như in đó là một buổi chiều mưa lạnh. Lúc ấy hắn đã tự nói với mình như trối: “Không khá lên, quyết không về”. Ban đầu hắn chưa đủ chín, chưa té ngã để nghĩ rằng mưu sinh đôi khi còn dữ và lăn lóc hơn cả chiến tranh. Cơm áo nhiều lúc là rắn rết.
Phố thị là đất hứa nhưng cũng là đất hiểm. Mật nhiều mà ruồi cũng không ít. Buổi ấy hắn phất nhanh như diều gặp nồm nam. Của đáng tội, kẻ giàu nước nổi lúc này nhiều lắm. Mà loại này lên xuống thất thường như thời tiết. Bởi, luật đời, cái gì dễ đến cũng dễ đi. Hắn trắng tay ở cuộc chơi mà hắn đã táo tợn dốc hết vốn liếng.
Nhớ một lần rượu lúc xênh xang cơm áo, bạn hắn, kẻ đã năm bảy bận xuống ruộng lên bờ, nhìn hắn cười gật gù, hát nửa đùa nửa thật: “Rừng ơi, hãy giữ cho bền nhé...”. Trong cơn đắc ý lúc thênh thang, hắn nhếch mép họa lại như thách thức: “Đường trần còn mưa bay gió cuốn, còn nhiều em ơi...”.
Thế rồi gió cuốn mưa bay thật. Hắn bể lớn trận dốc túi để bây giờ phải tính nước cờ tàn. Ừ, trong bất cứ hoàn cảnh nào không thể nghĩ khác hơn: khi người ta đã tính đến việc về quê bán đất, đó cũng là lúc người ta đã không cùng đường thì cũng quẩn chí.
Nhớ lại mấy năm trước hắn thở dài. Buổi đó hắn về quê như cụ Thượng về làng, như bọn đã đời phố thị, chán phố về chơi quê. Xóm dưới ngõ trên nhìn hắn mà cám cảnh nước mặn đồng chua, cua chợ rạm đồng, ao ước một cuộc đổi đời ngẫu nhĩ. Hắn điệu đàng thói phố thị nghêng ngang, đòi uống rượu làng Cói đầu vòi với cá ngạnh đồng um măng chua mới nhú. Đòi ngủ phanh ngực nơi bờ đê vẫn gió. Đòi nghe bằng được tiếng cu gù trong trưa nồm vắng buổi rượu tàn. Đòi. Uống. Và khóc. Ngô nghê như con trẻ khát bầu sữa mẹ...
Ai đời thế mà giờ đây, nhanh như mưa nắng, hắn buộc phải về như lúc đi. Chỉ có khác là phải về, bán quê.
Buổi đi, mẹ hắn dầu dầu: “Đất này của mi. Còn sống còn giữ. Chán phố thì về”.
Phố chưa chán, mẹ mất. Đất hoang, nhà vắng. Hắn về lập bàn thờ mẹ cạnh bàn thờ bố. Lần khân mãi bởi bỏ đi không đành. Cuối cùng, việc cũng tạm ổn. Số là hắn có ông chú họa sĩ. Tính chú cà tàng như xe đạp thời bao cấp. Ông chuyên vẽ tranh thiền và ảnh Đạt Ma. Thằng con cả của chú bảo: “Nhà phố không dung nổi ông già. Ông từng xới bao lơn trồng rau. Nhất nhất ông muốn về quê”. Nói chuyện với hắn, ông chú uống liền mấy chén rượu quê, cười khểnh khảng: “Ở với chúng nó trên phố, người bó như chết bó chiếu. Mưa không ra hồn, nắng không ra đũa”. Dốc tiếp mấy chén, ông nói hiền: “Về quê, vẽ cho vui”.
Nghe ông chú cà tàng phán, hắn sướng như mở cờ. Hắn bảo: “Hay chú về ở đất cháu. Mất cha còn chú. Mất mẹ bú dì”. Ông chú cười khà, cụng chén thằng cháu đáo để: “Xong. Trời có mắt. Giúp mi mà cũng giúp tau”.
Đoàn uống ực, nhìn chú cười nhăn nhở: “Vậy là một công đôi việc”.
Thỉnh thoảng về Đoàn lại yên tâm đi. Bàn thờ cha mẹ khói nhang nghi ngút. Những vồng khoai lang, lá xanh thì con gái. Buổi mẹ mất hàng chuối tiêu ngả vàng. Xóm giềng bảo: “Cây nuối người”. Không biết điều đó thật không nhưng từ ngày Đoàn có chí, chuối trở xanh, đọt non phong kín. Người chọn đất. Đất lại dung người. Nét bút vẽ tranh của ông chú càng phóng khoáng. Gặp lại Đoàn, ông bảo: “Đạt Ma của tau ở phố như Tạ Tốn ở Băng Hải Đảo trong phim Tàu. Ở đây, Đạt Ma gặp khúc hòa âm điền dã, ngộ đáo để”. Phấn khích, ông nghêu ngao: “Biển dâu sực tỉnh giang hà”.
Ông chú cà tàng càng sướng khi nhiều bức Đạt Ma của ông được khách mua. Bởi đất quê giờ là đất hội đất hè, khách thập phương tứ hướng.
Ông chú vui một, Đoàn vui hai. Cha mẹ hắn và đất chắc cũng thỏa.
Thế mà lúc này... Nước cờ tàn bao giờ cũng là nước cờ độc. Độc lắm. Nhưng làm sao?
2. Ở làng gần tám hôm, thằng đã từng chợ đời lăn lóc như Đoàn vẫn không sao nói được điều ấy với chú. Đoàn vẫn biết chú là người dễ tính. Đi và ở với chú như chim trời. Và đất này là tạm. Nhưng hễ cứ nhìn niềm vui hơn mấy năm về đây của chú, nhìn những bức tranh dung dị, mộc, thô trần gắn chắc trên những cái kèo, cái cột gỗ lim của ngôi nhà cũ, lòng hắn chùng xuống, nao nao niềm nỗi.
Trên đường về, hắn trù định giải quyết nhanh. Đất này xưa khỉ ho cò gáy. Từ khi nghe phong thanh tỉnh dự kiến mở khu chế xuất, giá đất lại tăng lên từng giờ. Vợ chủ tịch xã bén tin, lại xuất thân kẻ chợ, nhanh nhạy gom tiền họ hàng làm đầu nậu mua đất. Mua không cần giấy. Bán kiểu ứng. Gọn và nhanh của bọn biết thời.
Đêm quê, hắn trở mình trên chiếc giường thuở mẹ nằm. Mùi thuốc Cẩm Lệ âm ẩm, nồng, như còn, như mất. Mùa này, phố nóng hầm hập. Ở đây, thật lạnh. Gió từ khu nghĩa địa sát chân đê Mũi Trâu lồng lộng. Cút rượu với ông chú cà tàng chưa tới nên hắn khó ngủ lạ. Ánh sáng của ngọn đèn dầu trên nền vách thỉnh thoảng vẫn chao qua, đảo lại bởi gió. Và cái bóng đậm lui khui suốt đêm của chú Thành. Hồi chiều, trên chiếu rượu, chú Thành bảo hắn: “Mười bức tìm trâu mới xong ba bức. Tau đang sướng. Đêm nay phải thức thôi”.
Hắn hé mắt nhìn bức họa giấy dó được vẽ bằng mực tàu gốc đang dở của chú Thành. Nét họa đậm và mộc như đất quê. Hắn lan man nhớ chuyện chú nói buổi chiều lúc chú đã đời với rượu. Lúc này, chú Thành đã không còn nghĩ hắn là một gã học hành lam nham, một thương hồ lỡ vận. Ông phấn khích chỉ tay lên bức họa, gật gù:
“Mi biết không, đây là bức thứ ba trong mười bức tranh tìm trâu của Thiền tông. Mỗi bức, mi cứ cùng tau cạn một chén, tau diễn giải cho nghe. Bức thứ nhất gọi là tầm ngưu, tức tìm trâu. Trâu làng thiệt đó con. Bức thứ hai là kiến tích. Kiến tích là thấy dấu... Ừ, uống đi... nữa... Bức thứ mười, biết không Đoàn? Là bức nhập thiền thùy thủ. Ừ, nôm na là thõng tay vào chợ. Bức này vẽ một vị đạo sư vào chợ. Chợ đời, chợ người. Vị sư tay chống gậy tre, tay ôm bầu nước. Bầu nước hay bầu rượu? Tau cho là bầu rượu mới phải. Lúc nầy, sư đánh bạn với dân nhậu và phường đồ tể. Bọn thọc huyết heo ý mà. Người hỏi. Sư bảo: “Tụi nó và sư đều là Phật cả mà”. Đã không Đoàn. Uống đi...”.
Nghe chú Thành nói, hắn không hiểu nhiều lắm. Nhưng thích. Hắn lờ mờ nhận ra, hình như tất cả sẽ phải thõng tay vào chợ. Chợ đời. Cái chợ mà lúc cao hứng rượu chú Đoàn đã ngâm. Ừ, như là: “Chợ buồn đi bán những vui. Đã mua được cái ngậm ngùi chưa em?”.
3. Hắn lao vào làm lại từ đầu với vốn liếng của đất quê, với chí của kẻ từng thua, thua đau. Đất lại dung người như từng dung những nét bút họa của chú Thành. Mạt vận và xênh xang có khi mỏng như lúa quê. Thương hồ lại gặp thời, vung tiền như mưa tháng chạp. Nhưng lần này hắn đã thận trọng hơn. Hắn quyết định lấy vợ. Sinh thời, mẹ hắn bảo: “Căn cơ bổn mạng đàn ông phải do đàn bà nắm. Làm mấy mà thiếu nó coi như múc nước chó uống”.
Vợ Đoàn là người kẻ chợ nhưng hiền và có chữ. Buổi mới quen nàng hỏi quê hương, gốc tích của Đoàn. Đoàn nhớ câu thơ mà chú Thành hay đọc, nói luôn: “Hỏi quê: rằng mộng ban đầu đã xa”.
Mà với hắn quê bây giờ là mộng, là xa thật. Xa đến mất. Mất hẳn rồi. Nhắc quê, hắn lại nhớ chú Thành và mấy ngày ở quê đến lạ lùng. Hắn nhớ, ngày thứ mười một hắn cũng nói được điều khó nói. Đêm ấy làng Cói lại đổ mưa dầm thâu đêm. Mưa quê của người chuẩn bị mất quê như muốn xát ruột. Những chén rượu tìm trâu mấy ngày trước chẳng bõ bèn. Trong mưa hắn vượt hói làng kiệt nước, tìm rượu. Rượu mưa lại là rượu quê của ngày mai biệt xứ nghe như mật đắng.
Trong cơn say hắn chắp vá chuyện cơm áo ngậm ngùi, chuyện mưu sinh đổ vỡ. Và cái ý định buổi cờ tàn. Hắn nhớ, lúc đi chú Thành vẫn cười như lần về. Nhưng mắt buồn. Buồn lắm. Chú cầm tay hắn, khẽ khàng: “Ráng làm ăn. Canh bạc cuối”. Hắn nhắc chú Thành về ba bức tranh tìm trâu vẫn treo trên vách nhà. Hắn ngỡ chú quên. Chú bảo: “Thôi, không cần. Đời người mấy ai vẽ trọn thập mục ngưu đồ. Có khi không trọn mà lại trọn”.
Mắt hắn cay nồng. Dáng chú như ngày về, vẫn liêu xiêu.[IMG]http://anhdepblog.com/graphics/popular/images/heart-6.gif[/IMG]
Hạnh phúc cho những ai biết được bí mật của tự nhiên
-
Có 5 Hội viên đã cảm ơn đến "vanhoai" về bài viết có ích này:
dongphuong (15-02-10),maile (16-08-10),Odthao (25-03-10),tom (13-02-10),Vothuong (22-04-10)
-
13-02-10, 06:50 #7
4. Làng Cói phía đê Mũi Trâu râm ran chuyện ông doanh nghiệp vốn người làng, từ xứ khác về, mua gần mấy trăm hecta đất với giá chóng mặt. Nếu chỗ đất ấy gần với địa bàn định mở khu chế xuất thì không nói làm gì; đằng này, đất không gần. Ai có chút lõi đời phố thị thì bảo: “Ông ấy rửa tiền”.
Kẻ thâm trầm, giấm giúi: “Ông ấy khôn. Xứ ta làm giàu từ đất là chắc ăn nhất”. Người nhiều chuyện, nói nhỏ vào tai nhau: “Ông ấy vung tay quá trán. Khu chế xuất chưa thấy. Chuyện con mẹ Lộc, vợ chủ tịch xã, gom đất còn nhãn tiền ra đấy. Thua gần trắng”. Đôi khi về, nghe chuyện, chủ đất chỉ cười. Một số người làng hiểu cái cười của ông. Họ hiểu, bởi họ là một số rất ít người ở làng Cói này biết ông là ai. Họ xa gần: “Nợ gì cũng phải trả. Huống chi là nợ đất quê. Lại quê nhà”.
Đó là thị phi. Tâm ông chủ đất không cho đó là nợ. Với ông, trong sâu thẳm, đó là một ngậm ngùi xa ngái nhưng ám ảnh. Về già, người ta thường làm mọi điều để đuổi xua ám ảnh. Hoặc giả, bớt đi.
Ngày chú Thành của ông đi, chú đã không về phố như ông tưởng. Hóa ra, hồi còn ở phố, khi chú lẩn thẩn với những bức tranh Thiền, thằng cả con chú đã đe: “Bố cứ tiếp tục như thế, tụi con phải đưa bố vào viện dưỡng lão”.
Về ở làng Cói, chú Thành giấu biệt chuyện thằng cả. Ông cứ tưởng những người như chú, đất quê là nơi thỏa chí. Không thỏa thì về phố. Ông không ngờ, với chú, đó còn là đất sống. Thằng út nhà chú kể rằng: “Dạ, bố đã không về lại phố”. Thằng cả, thằng ba luống cuống đi tìm. Gặp, chú chỉ bảo: “Về đâu. Đây là nhà”.
Thằng út lại kể: “Dạ, đó là ngôi miếu hoang cuối làng Cói. Trước giải phóng, miếu đã hoang tàn. Thời chống mê tín, xã lại càng cấm tiệt người lai vãng. Dạ. Cái miếu mà ngày nhỏ, ngang qua thằng nào cũng sợ, nhất là anh em mình”.
5. Chủ đất tìm đến chùa. Giữ chùa là già Tính. Hớp ngụm trà đầu đãi khách buổi sương sớm làng quê, già Tính chậm rãi kể chuyện. Ông bảo: “Sư trụ trì bén cửa thiền khi tuổi đã cao. Duyên muộn vẫn là duyên. Thật ra, gọi người là sư cũng được mà người giữ miếu cũng xong.
Sư vẽ nhiều tranh lắm. Tranh Phật. Tiền bán tranh đều dùng công quả trùng tu chùa. Sư có chín bức tranh. Lạ lắm. Sư bảo là tranh tìm trâu. Gặp người hiểu chuyện, sư giải: “Đây là thập mục ngưu đồ...”. Một bận, gặp lúc thư thái, hỏi: Thập là mười. Sao chỉ chín bức? Sư không trả lời thẳng, chỉ nhìn xa mà bâng quơ: “Không trọn mà trọn”.
Nghe chuyện, chủ đất càng xốn. Rượu buồn đã đành mà trà cũng buồn. Làng Cói lại âm âm mưa. Ông chủ đất nhìn xa. Mắt mờ đục vì mưa sương, già Tính lại rủ rỉ tiếp chuyện: “Ngày sư hóa, chú biết không, người vẫn thanh thản vẽ nốt bức tìm trâu cuối cùng. Lạ lắm, bức tranh chỉ một vòng tròn to tướng. Hỏi sư, sư bảo khẽ khàng, như một lời kệ...”.
Không đợi già Tính nói hết chuyện, chủ đất chậm rãi buông thong thả từng lời. Lời như chuông đêm, nhẹ mà trầm: “Thõng tay vào chợ”. Đến lượt già Tính giật mình, ngạc nhiên: “Ừ, thõng tay vào chợ. Mà sao chú biết?”.
Chủ đất không trả lời. Ông bốc lên một nắm đất quê. Mùi quê nồng, ẩm như một câu hò, đêm rượu mưa, buổi biệt xứ. Hò rằng:
Đời ly biệt tơi bời lảo đảo
Em ra đi, đời bưng mặt khóc òa.[IMG]http://anhdepblog.com/graphics/popular/images/heart-6.gif[/IMG]
Hạnh phúc cho những ai biết được bí mật của tự nhiên
-
Có 5 Hội viên đã cảm ơn đến "vanhoai" về bài viết có ích này:
dongphuong (15-02-10),maile (16-08-10),Odthao (25-03-10),tom (13-02-10),Vothuong (22-04-10)
-
13-02-10, 07:10 #8
Nguồn gốc 7 ngày trong tuần
Tại sao tuần lễ lại có 7 ngày? Vì sao số 7 lại được coi là con số "mầu nhiệm"? Bởi vì nó được xuất phát từ quan niệm của người châu Âu và liên quan đến hiểu biết của các nhà khoa học thời ấy về vũ trụ. Theo họ, trái đất là trung tâm của vũ trụ, có 7 hành tinh quay xung quanh nó là Mặt Trời, Mặt Trăng và các vì sao Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và ngày ấy con người cũng mới biết đến 7 nguyên tố kim loại là vàng, bạc, đồng, sắt, chì, kẽm và thủy ngân. Họ coi 7 nguyên tố đó tương ứng với 7 hành tinh trong hệ mặt Trời, nên đã lấy mỗi ngày tượng trưng cho một hành tinh mà theo thế giới quan của họ mỗi hành tinh là một vị thần và được đặc trưng bởi nguyên tố kim loại với những tính chất nhất định.
Ngày đầu tiên trong tuần lễ được coi là ngày của vị thần thân thiết nhất, quan trọng nhất là Mặt Trời và ứng với thứ kim loại quý nhất là VÀNG. Đó là ngày Chủ Nhật. Tiếng Anh gọi là Sunday, tiếng Đức là Sonntag có nghĩa là ngày Mặt Trời.
Ngày thứ Hai được giành cho vị thần canh giấc ngủ đêm đêm của con người, đó là Mặt Trăng và tương ứng với nó là nguyên tố kim loại BẠC, thứ kim loại quý thứ hai sau vàng. Tiếng Anh là Monday, tiếng Đức là Montag có nghĩa là ngày Mặt Trăng.
Ngày thứ Ba được ứng với sao Hỏa và nguyên tố tương ứng là SẮT. Bởi sao Hỏa được coi là thần của chiến tranh mà vũ khí, áo giáp đều làm bằng sắt. Ngày nay người Pháp gọi là Mardy, còn người Tây Ban Nha gọi là Martes. Tiếng Anh là Tuesday, đây được coi là ngày của những chiến binh, của nam giới.
Ngày thứ Tư tiếng Anh là Wednesday, tiếng Pháp gọi là Mercredi, tiếng Tây Ban Nha là Mercoles có nghĩa là ngày của sao Thủy. Sao Thủy được coi là vị thần của thương mại. Theo hình dung của người xưa, đây là vị thần thường xuyên phải đi nhiều nên nguyên tố tương ứng là THỦY NGÂN. Thứ kim loại nặng, dễ di động.
Ngày thứ Năm người Pháp gọi là Jeudi, người Tây Ban Nha gọi là Juebes là ngày dành cho chúa tể của các vị thần linh, ứng với đó là sao Mộc và kim loại đi kèm là KẼM. Bởi kẽm có tính chất không gỉ nên nó đặc trưng cho sức mạnh của khôn cùng sao Mộc - vị thần sấm chớp. Có lẽ vì vậy mà ngày thứ Năm người Đức gọi là Donnerstag, nghĩa là ngày sấm chớp. Còn trong tiếng Anh nó là Thursday.
Ngày thứ Sáu người Pháp gọi là Vendredi, người Tây Ban Nha gọi là Biernes có nghĩa là ngày của sao Kim. Hành tinh này được coi là tượng trưng cho nữ thần của tình yêu. Ứng với sao Kim là nguyên tố kim loại ĐỒNG, một kim loại mềm dẻo, phản xạ những tia sáng lấp lánh. Các dân tộc ở Bắc Âu gọi nữ thần tình yêu là Fray, vì thế người Đức gọi thứ Sáu là Freitag và người Anh gọi là Friday. Đây được coi là ngày của nữ giới.
Còn ngày cuối cùng trong tuần được coi là của sao Thổ, vị thần mà theo quan niệm của người xưa là gây ra các nỗi bất hạnh, đau khổ về mặt tinh thần cho con người. Nên ứng với nó là nguyên tố CHÌ, một kim loại độc hại. Trong các ngôn ngữ ở châu Âu hiện nay chỉ còn tiếng Anh giữ nguyên được gốc tên gọi của sao Thổ (Saturn) để chỉ ngày thứ Bảy - Saturday.
Trên đây là khảo cứu nhỏ về nguồn gốc của các ngày trong tuần mà nguyên gốc tên gọi của nó còn giữ được trong ngôn ngữ của một số quốc gia châu Âu giúp chúng ta hiểu thêm về cách đặt tên ngày của người châu Âu cổ.
Sưu tầm, TH8xChào mừng bạn đến với huyền không lý số
-
Có 3 Hội viên đã cảm ơn đến "PALOMA" về bài viết có ích này:
dongphuong (15-02-10),Odthao (25-03-10),tom (13-02-10)
-
13-02-10, 07:14 #9
Xuân họp mặt
[YOUTUBE]<object width="560" height="340"><param name="movie" value="http://www.youtube.com/v/BBTSNAfnjO4&hl=en_US&fs=1&"></param><param name="allowFullScreen" value="true"></param><param name="allowscriptaccess" value="always"></param><embed src="http://www.youtube.com/v/BBTSNAfnjO4&hl=en_US&fs=1&" type="application/x-shockwave-flash" allowscriptaccess="always" allowfullscreen="true" width="560" height="340"></embed></object>[/YOUTUBE]
thay đổi nội dung bởi: PALOMA, 23-09-10 lúc 11:00
Chào mừng bạn đến với huyền không lý số
-
13-02-10, 07:43 #10
Truyện ngắn của BẠCH LÊ QUANG
ĐẤT QUÊ
1. Chiều nổi gió lớn. Trời đùng đục... Những bụi tre oằn mình như tóc rối, đánh rập rờn, tông tốc những xác diều mắc cạn mà tụi trẻ vô tình làm đứt ở chân đê. Bích chạy vội ra ngõ, rướn mắt về phía cổng làng. Bụi mù mịt, đường hun hút, tịnh không bóng người. Lớ ngớ, Bích nghe tiếng mẹ: Quơ nhanh rồi vào. Giông đó!
Bích thở dài đánh thượt trong cổ họng. Khỉ! Người chi mà biền biệt. Không biết người ta mong. Mong lắm...
Người chi đây, trong tiếng thở dài của Bích, là Mung. Làng nón gọi là Mung kẹo kéo. Bích nhớ, khi những cánh đồng bắt đầu trơ cuống rạ, người ra đồng đi chân, đạp lên nghe ram ráp, sởn gai, và khi những đứa trẻ đen nhẻm, quần áo rách bươm, hò la, từ chân đê lao xuống ruộng rạ với trái banh quấn bằng giẻ nùi... đó cũng là lúc Mưng xuất hiện. Chiếc xe đạp tróc sơn màu sắt gỉ lúc đầu gắn chuông. Tiếng leng keng như một khúc đồng dao ngô nghê, mời gọi. Anh Mưng, em thích anh kéo kẹo dài. Anh Mưng, em thích ngắn, mập. Anh Mưng... Đứa trẻ khác, quần xệ tới rốn, nước mũi lòng thòng, cầm khẩu súng nhựa ngắm cẩn thận cái lỗ nhỏ. Nếu đạn lọt vào, Mưng phải trổ tài kéo kẹo thưởng.
Bích nhớ, nhớ lắm. Hường, bạn thân của Bích bảo: Phải lòng nhau rồi, cái chi nhỏ cũng nhớ. Bích thấy đúng, dù đó là lần đầu Mưng xuất hiện ở làng này.
Mùa rạ trơ năm ngoái, Mưng lại về, áo ca-rô kẻ sọc, quần kaki đà. Phía sau xe là chiếc máy hát to đùng. Chú Mân cạnh nhà Bích, gạ mãi, để buổi trưa, Mưng nghỉ nhà chú. Chú mê giọng cô Lệ Thủy dẻo như kẹo kéo, giọng mùi của Minh Vương...
Bích lại thở dài, xếp phẳng phiu những chiếc lá. Mẹ bảo: Mai dậy sớm, ủi đống lá. Trưa, xuôi chợ Gianh, mua thêm. Mùa lễ hội, người ta đặt nhiều. Bích dạ nhỏ, mắt vẫn hướng ra ngõ. Ngõ nắng, buồn như làng nón mùa mưa. Người chi mà... năm ngoái, trong nhà chú Mân, Bích còn nghe rõ tiếng Mưng hẹn mùa này về sớm. Thế mà, đống rạ đã gần thối gốc, bàn chân giẫm lên không còn nghe ram rám. Ba ngày trước, Bích băng đồng, qua hói kiệt, ngược chợ Gianh. Chân Bích đạp lên những gốc rạ nhũn mềm bởi những trận mưa giông muộn. Bích thấy dưới chân mình nham nhám nước, lòng cô nao nao. Cô lại bắt gặp những xác diều, trái banh giẻ nùi của tụi trẻ đã chán chường, rã rệu vất long lóc trên đồng. Người chi mà... Mưng ơi!
Đêm, Bích nằm trên chõng tre. Những nan tre già, bóng mỡ, mát lạnh. Mưa ngùi ngùi. Bích xô cửa sổ. Làng nón chìm trong mưa. Tiếng ếch nhái vọng đều trên những cánh đồng trơ rạ bây giờ chắc hẳn đã xâm xấp nước. Giông muộån mà dai dẳng lạ, từ chiều đến giờ. Trong mờ đục, mắt Bích hướng ra cái chòi vịt của cậu Rô. Có lần, chiều muộn lắm, Bích và Mưng ngồi trong vườn chú Mân ngó ra. Chòi vịt liu riu đốm lửa đèn. Từ chòi, khói rơm trấu đườm đượm, nồng nồng khóe mũi. Bích biết vợ chồng cậu Rô đêm nay sẽ ở lại canh chòi, bởi mùa vịt bầu đẻ trứng. Cô chỉ cho Mưng cái ánh sáng đó. Họ thầm thì về một hạnh phúc bé nhỏ, mong manh.
Càng khuya, mưa càng nhiều. Bích không sao ngủ được. Cô xô mền vùng dậy. Bích mở rương, sục tay vào dưới đống quần áo. Tay Bích chạm vào những tờ giấy mà cô đã vuốt phẳng phiu nhiều lần. Đó là những bài thơ của Mưng.
Năm trước, mùa lễ hội, một bác từ tỉnh về bảo mẹ: Khách thích những nón lá có những bài thơ. Mẹ bảo: Thơ gì? Bác bảo: Thơ gì miễn là thơ.
Nghe Bích kể, Mưng cười, hiền như đất: Thơ tôi nhiều lắm. Để tôi kiếm tặng Bích.
Bích đọc cho Hường nghe: Anh đến tìm hoa, thì hoa đã nở/Anh đến tìm đò, đò đã sang sông. Hường cười cười: Thơ hay thường buồn. Bích cũng không hiểu sao nhưng thấy Hường nói trúng phóc.
Mưa đêm rả rích. Tiếng chó sủa khan đêm. Buồn quá, Mưng ơi.
2. Ông Cả Hưởng kéo sợi dây gấc to bằng nửa sợi thừng. Con đò rùng rùng mấy cái rồi xuôi xị, lướt êm trên một khúc sông ngắn cách bờ non bốn sải tay. Thím Dừa vỗ đét lên vai Bích, Bích giật mình. Tiếng thím chen chét như dao liếc trên đá: Đến rồi mày. Dạo này thấy mày oải oải. Thằng Mưng về chưa? Bích cười. Nhưng mắt nhìn xa, buồn buồn. Mưng ơi, cả làng nón biết chuyện mình. Gái ở làng khổ lắm. Da đen, tóc cháy đã đành. Tình hẹp như đò ngang. Yêu ai không thành, râm ran một cõi.
Chị Mận ở làng bên đó. Cách một hói sông nước kiệt mùa rạ khô. Mười tám tuổi, yêu một công nhân về Kinh Tàu làm thủy lợi. Bố mẹ lành như sắn khoai, rước vô nhà. Lại lo chỗ ăn, chỗ ngủ. Ngày tỉnh về cắt băng khánh thành, rượu sâm banh nổ đôm đốp. Đêm ấy văn nghệ hát đến khuya. Chị Mận chờ mãi, đèn lu dầu kiệt, không thấy người về.
Bây giờ, trên đê Kinh Tàu, hàng phi lao đã lên xanh ngợåp, chị Mận đã thôi khóc, thôi chờ, nhưng trai làng không dám bén mảng tới nhà. Ông bố, từng chiều, xong việc đồng, nhẩn nha trên cái sân gạch, nhổ từng chùm cỏ dại, ngoan cố, lắt lay, vượt lên từ đất. Chị Mận ngồi trong phòng, ngó ra cửa sổ, thở hắt từng hồi. Một đêm chị ra Kinh Tàu. Và không thấy chị về...
Nước xuôi tình chị. Chị lại theo nước mà biệt tăm.
Thuyền cập bờ. Thím Dừa về cùng Bích. Đến ngang cây sung dại, đáng lẽ Bích sẽ tắt ngang Kinh Tàu, qua đồng rạ, theo đường gần về nhà. Nhưng Bích không theo lối đó. Thím Dừa chửi: Cha mày, lẩn thẩn rồi thành con Mận làng bên. Tao mà như mẹ mày, kiếm đám nào gả quách. Bích cười, thím kiếm giùm con đi.
Bích không theo đường gần. Đường này, đối với cô, có đồng chiều đã âng ấc nước, gợi một lời hẹn muộn. Đường kia có xa, nhưng sẽ ngang qua đình làng.[IMG]http://anhdepblog.com/graphics/popular/images/heart-6.gif[/IMG]
Hạnh phúc cho những ai biết được bí mật của tự nhiên
-
Có 4 Hội viên đã cảm ơn đến "vanhoai" về bài viết có ích này:
dongphuong (15-02-10),maile (16-08-10),Odthao (25-03-10),tom (13-02-10)
-
Nhà hàng Huyenkhong
By huongvi in forum Du Lịch - Gia ChánhTrả lời: 866Bài mới: 27-06-14, 13:11